Ngành Tài chính thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số


Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng nền kinh tế số, tiến tới Chính phủ số, Bộ Tài chính là một trong những bộ tiên phong trong định hướng và ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Hoạt động tại Trung tâm Giám sát Hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế. Nguồn: internet
Hoạt động tại Trung tâm Giám sát Hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế. Nguồn: internet

Phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội nói chung và ngành Tài chính nói riêng. Để thích ứng với cuộc Cách mạng này và triển khai quá trình chuyển đổi số, Bộ Tài chính đã sớm ban hành nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến chủ trương, chính sách và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính nhằm chủ động tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành về triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 của Bộ Tài chính về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2020 về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.

7 năm liên tiếp (2013-2019) Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam công bố.

Bên cạnh đó là Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 về việc ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2020 của Bộ Tài chính phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính.

Theo các văn bản nêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra lộ trình chuyển đổi số với 03 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa. Công nghệ thông tin đóng vai trò là công cụ hỗ trợ quan trọng xây dựng Tài chính điện tử.

Giai đoạn đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh. Công nghệ thông tin trở thành phần chiến lược của ngành Tài chính giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính mở, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số.

Giai đoạn đến năm 2030, thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số. Công nghệ thông tin đóng vai trò đồng nhất với các hoạt động nghiệp vụ trong môi trường số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh quản lý và phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng số

Để sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện quá trình chuyển đổi số, Bộ Tài chính đã chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng số trên các mặt: hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng phát triển công nghệ.

Về hạ tầng kết nối, Bộ Tài chính đã xây dựng thành công hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho 2.737 đơn vị sử dụng, phục vụ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành Tài chính.

Về hạ tầng thiết bị, thiết bị chính của hạ tầng số là máy tính điện tử, bao gồm máy trạm, máy chủ và máy tính xách tay. Trong những năm vừa qua, hạ tầng thiết bị của ngành Tài chính đã được triển khai đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xây dựng, triển khai công nghệ thông tin của toàn ngành Tài chính.

Hạ tầng dữ liệu bao gồm công nghệ, các quy trình, các chỉ dẫn, cách tổ chức, vận hành, quản lý và sử dụng dữ liệu. Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu ngành Tài chính được triển khai thông qua Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính” được phê duyệt tại Quyết định số 2376/QĐ-BTC ngày 01/11/2016 của Bộ Tài chính, Quyết định số 585/QĐ-BTC ngày 03/4/2019 của Bộ Tài chính Ban hành Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính.

Ngành tài chính cũng đã triển khai được một số hệ thống thông tin tài chính lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính – ngân sách nhà nước như: hệ thống thông tin tích hợp kho bạc (TABMIS), hệ thống quản lý Thuế tập trung (TMS), Hệ thống thông quan hàng hóa tự động/Hệ thống quản lý Hải quan thông minh (VNACCS/VCIS), Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (DMFAS)...

Hạ tầng phát triển công nghệ được xét trên khía cạnh nguồn nhân lực công nghệ thông tin của ngành Tài chính. Hiện nay, toàn ngành Tài chính có tổng số 474 cán bộ làm công tác công nghệ thông tin và thống kê tại cấp Trung ương. Về cơ bản đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin ngành Tài chính đã, đang đáp ứng được các yêu cầu về phát triển, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin ngành Tài chính.

Việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin, hạ tầng số đã góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ trong ngành Tài chính. Qua đó, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: thuế, hải quan, kho bạc...

Với những kết quả đạt được, 7 năm liên tiếp (2013-2019) Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam công bố.