Ngành Tài chính Việt Nam: Sáng danh truyền thống uống nước nhớ nguồn
Những ngọn nến lung linh được thắp sáng, đẩy lùi bóng đêm. Trên trời, mây đen vần vũ với những tia chớp xanh lè buổi đầu hôm giờ đã tan biến để thay vào đó là muôn vàn vì sao nhấp nháy như đang cười. Phải chăng linh hồn của các anh đã về đây chứng dám cho tâm nguyện của cán bộ công chức ngành Tài chính... Tôi không bao giờ có thể quên những cảm xúc thiêng liêng trong giây phút này.
9h sáng thứ Sáu ngày 13/7, chuông điện thoại đổ dồn. Một giọng nói trẻ trung vang lên trong máy “Alo, đây có phải điện thoại của chị... ở Tạp chí QLNQQG không ạ?”. Vâng đúng rồi! “Em là Ng. ở vụ Kế hoạch Tài chính, anh Hà nhắc em gọi điện cho Tạp chí để thông báo kế hoạch chuẩn bị cho ngày khánh thành giai đoạn I Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 vào ngày 22/7 tới.” Vậy là sớm hơn dự kiến phải không em?”…
Cứ như vậy, chúng tôi trao đổi với nhau qua điện thoại về kế hoạch và thời gian sẽ diễn ra các sự kiện quan trọng trong các ngày tới: 8h sáng ngày 19/7 sẽ diễn ra sự kiện bàn giao Lư hương do cán bộ công chức hệ thống KBNN cung tiến; 9h sáng ngày 21 Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - và các đồng chí lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tỉnh và Tổng Giám đốc KBNN sẽ dự lễ thả hoa tại bờ Bắc sông Thạch Hãn; Ngày 22, từ 17h30- 18h30 sẽ làm lễ an vị Lư hương và từ 18h30-19h30 tổ chức lễ Khánh thành giai đoạn 1 Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Trao đổi công việc xong, gác máy. Một dòng cảm xúc ùa về. Vậy là giữa bộn bề công việc của một tân Tổng Giám đốc, đồng chí Nguyễn Hồng Hà vẫn không quên lời hứa về việc sẽ bố trí để cho phóng viên gặp gỡ tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị để phỏng vấn, thu thập tài liệu cho số Tạp chí đặc biệt phát hành trong tháng 8. Một cuộc hội ý nhanh với Trưởng phòng Biên tập về cách thức triển khai, cơ cấu bài viết, cử phóng viên trước khi báo cáo Tổng biên tập.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ Khánh thành giai đoạn I Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 |
Sáng thứ Hai, ngày 16/7 mới 7h sáng Phó tổng giám đốc – Tổng biên tập Trần Minh Hằng đã có mặt tại cơ quan. Chị vừa có một chuyến đi công tác địa phương dài ngày. Sau khi lắng nghe kế hoạch và đề xuất của tòa soạn, rất nhanh Tổng biên tập chỉ đạo: Đây là hoạt động tri ân của ngành Tài chính đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn lao nên cần phải xây dựng đề cương chi tiết, phỏng vấn ai, viết bài như thế nào, viết những gì cần phải thật cụ thể và trình Tổng biên tập…
Mặc dù chưa bao giờ chị nói ra, nhưng bằng nhiều kênh khác nhau chúng tôi biết chị là một trong những người có đóng góp quan trọng để hình thành ý tưởng kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, huy động sự góp sức của CBCC ngành TC cho việc tu bổ, xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 hiện nay.
Sự kiện dồn dập, nhưng đây là cơ hội có một không hai cho các nhà báo, lại được đích thân Tồng Giám đốc và Tổng biên tập chỉ đạo, chúng tôi vừa mừng lại vừa lo. Phải làm sao đây chuyển tải hết ý nghĩa của các sự kiện đến với bạn đọc? Đặt vé máy bay, gọi điện nhờ KBNN Quảng Bình cho xe đón đoàn từ sân bay Đồng Hới về thẳng Đông Hà. Thông báo kế hoạch công tác của đoàn cho Lãnh đạo KBNN Quảng Trị và đề xuất kế hoạch phối hợp công tác. Gọi điện cho anh Phong Giám đốc KBNN Nam Định- đơn vị được giao nhiệm vụ đúc và vận chuyển Lư hương để nắm lịch trình đi của đoàn... Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình trở về nơi sẽ diễn ra các sự kiện đầy ý nghĩa ấy.
81 ngày đêm Thành cổ- khúc tráng ca về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Ngược dòng thời gian, chúng tôi trở về những ngày đỏ lửa tại Thành cổ cách đây 40 năm. Chiến tranh nay đã là quá khứ, nhưng trong ký ức của một số nhân chứng lịch sử, tất cả như vừa mới hôm qua.
Tháng 3/1972 quân và dân Quảng Trị đã chiến đấu kiên cường để giải phóng làm chủ tỉnh lỵ. Đến tháng 5/1972, quân đội Sài Gòn được sự viện trợ hùng hậu của Mỹ mở chiến dịch tái chiếm Quảng Trị nhằm chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Bắt đầu từ đây một cuộc chiến giữ đất, giành đất đầy quyết liệt đã xảy ra. Thời điểm đầu tháng 7/1972, để tăng cường hỏa lực chiếm lại Quảng Trị, Mỹ- Ngụy đã sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm hòng hủy diệt sự sống nơi đây. Địch tăng cường củng cố vị trí đứng quân, hình thành thế bao vây thị xã với mục tiêu phải cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 10/7/1972 để gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris. Trước âm mưu của địch, Thường vụ Đảng bộ chiến dịch kiên quyết bảo vệ Thành cổ. Một số đơn vị chiến đấu được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào chi viện bảo vệ 4 cổng thành. Lệnh của mặt trận là “Kiên quyết không để địch cắm cờ lên Thành cổ” Bộ đội ta đã chiến đấu anh dũng, liên tiếp đập tan nhưng cuộc tấn công của địch khiến cho âm mưu của chúng không thành hiện thực.
Nói về sự khốc liệt trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ của quân và dân ta, báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9/8/1972 viết “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6-16/9/1972 Thành cổ Quảng trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom. Trung bình mỗi chiến sỹ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một đại đội vượt sông Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.
81 ngày đêm bảo vệ thành cổ có ý nghĩa lịch sử to lớn, là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến thắng này góp phần quyết định thắng lợi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao. Ta đã buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari s trong thế thua , mở đường cho Đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất Tổ quốc.
Tôi đã đứng lặng hàng giờ trước lá thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (quê ở thôn Phú Ân, xã Lê lợi, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình) hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ. Bức thư đã khiến cho bao trái tim phải rung động. Rung động vì nội dung bức thư toát lên một tinh thần bất khuất, cùng những tình cảm thiêng liêng mà anh đã gửi tới gia đình; đồng thời ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ của người lính về sự hy sinh của mình và niềm tin vào ngày hòa bình thống nhất đất nước. Khóe mắt tôi bỗng cay sè khi đọc đến đoạn “Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm vì con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời….song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau khô nước mắt cho đời trẻ lâu, sống để đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau” Anh đã gọi cuộc ra đi của mình là cuộc “Thám hiểm bí ẩn trong lòng đất”. Và đây là lời dặn của anh với người vợ trẻ “Sống trong hòa bình hãy nhớ đến anh”. Vâng, đấy cũng là lời dặn dò cho mai sau. Nhớ đến anh, nhớ đến những người đã ngã xuống vì lý tưởng, vì tổ quốc độc lập, thống nhất, vì hòa bình. Trong số những người nằm xuống, có những người đã hoàn toàn lẫn vào đất, cát, cỏ, cây Thành cổ, xương máu thấm vào đất, hòa vào đất, hòa vào dòng sông Thạch Hãn. Các anh chính là một phần của Tổ quốc thiêng liêng. Các anh đã dùng chính tính mạng mình thu hút hỏa lực địch để cho các chiến trường khác có điều kiện củng cố lực lượng tấn công và chiến thắng. Hàng vạn anh hùng liệt sỹ tuổi hai mươi đã ngã xuống để giữ từng tấc đất thiêng liêng Thành cổ. Sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Các anh Chết để cho Tổ quốc được Sống mãi, được độc lập, phồn vinh.
Công trình nâng cấp Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 - Nén tâm nhang của ngành Tài chính Việt Nam
Thành cổ Quảng trị hôm nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia, nơi ghi dấu một thời máu lửa của dân tộc. Nơi Anh nằm đất đã lên xanh. Trong giây phút thanh bình này mỗi chúng ta không thể quên những dòng thư cùng những lời nhắn nhủ “Khi sống trong hòa bình hãy nhớ đến anh”. Dẫu biết rằng đây là lời nhắn nhủ rất riêng tư của một liệt sỹ giành cho người thân, song giữa những dòng chữ ấy là tiếng lòng của cả thế hệ thanh niên ngày đó. Tại Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn, quá khứ và hiện tại vẫn mãi kể về câu chuyện của ngày hôm qua, câu chuyện về những trái tim tuổi trẻ sẵn sàng dấn thân, hy sinh trọn đời cho Tổ quốc.
“Nhớ đến Anh”, với mong muốn làm “Yên lòng người ra đi, ấm lòng người ở lại” thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, công nhân viên trong ngành, ngày 22/7/2011 Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ra lời kêu gọi chung tay góp sức xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đường 9. Đây là sự kiện trọng đại và là vinh dự lớn lao đối với ngành Tài chính nói chung và với CBCCVC KBNN nói riêng. Để cuộc vận động có sức lan tỏa rộng khắp, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã giao Ban chỉ đạo vận động công đức nâng cấp xây dựng khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền hướng dẫn để mọi người tích cực hưởng ứng. Tính đến hết ngày 30/5/2012 tống số tiền công đức của các đơn vị và cá nhân trong và ngoài ngành Tài chính đã lên tới 22.422.235.089 đồng, trong đó cán bộ công chức hệ thống KBNN đã công đức với số tiền 1.750.192.842 đồng.
Nắng tháng 7 oi nồng và bỏng rát. Mặc dù chưa đến giờ bàn giao lư hương do KBNN cung tiến theo kế hoạch, nhưng ngay từ sáng sớm ngày 19/7, chúng tôi đã có mặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Nghĩa trang nằm bên quốc lộ đường 9 là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.000 anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên tuyến đường 9 nối từ biên giới Việt - Lào về Đông Hà Quảng Trị (vốn là con đường huyết mạch trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ) và các liệt sỹ hy sinh trên đất bạn Lào trong khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Trong cái nóng gay gắt của miền Trung, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 bao trùm một không khí khẩn trương hối hả, những người công nhân trên công trường đang chạy đua với thời gian để lát nốt những viên gạch cuối cùng. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là công trình sẽ được cắt băng khánh thành giai đoạn 1. Đây sẽ là một công trình khang trang, một công trình tâm linh được xây dựng từ sự chung tay, góp sức tự nguyện của cán bộ công chức ngành Tài chính. Gió phần phật làm tung cả những chiếc ô che nắng của các đoàn khách đến thăm viếng nghĩa trang. Ở đây chỉ có thể đội lên đầu chiếc mũ tai bèo bình dị. Để đảm bảo độ bền vĩnh cửu của công trình, các nguyên vật liệu được lựa chọn cẩn thận. Qua trao đổi với đồng chí Phan Văn Linh- Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, được biết công trình tôn tạo, nâng cấp xây dựng Khu hành lễ nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 bao gồm 10 hạng mục, trong đó có 3 hạng mục quan trọng là : Sân khu hành lễ; Đài hành lễ; Nhà khánh tiết. Riêng Đài hành lễ được được xây dựng bằng phương pháp ghép các khối đá nguyên khối vận chuyển từ Bình Định về rồi thi công tạo hình là một phương pháp thi công rất phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao…
Đang định rút điện thoại gọi cho anh Phong Giám đốc KBNN Nam Định xem đoàn đã đến được điểm hẹn chưa thì đã nghe thấy tiếng gọi của anh từ đằng xa. Thì ra từ 6 giờ sáng đơn vị đã có mặt tại nghĩa trang và hiện anh em đang tìm đường vòng ra phía cổng sau để chiếc xe tải chở Lư hương đến sát Đài hành lễ. Chiếc xe tải lùi sâu vào gần bệ đá. Sau 2 giờ đồng hồ, dưới cái nắng gay gắt, chiếc Lư hương đã được đặt đúng vào vị trí trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo UBND, Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Quảng Trị và KBNN. Lư hương là l tác phẩm nghệ thuật được Trung tâm thi công kiến trúc Mỹ thuật- Viện kiến trúc Quy hoạch Đô thị và nông thôn- Bộ Xây dựng thiết kế và đã được Hội đồng thẩm định UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt với chiều rộng 1,45 mét chiều sâu 0,81 m chiều cao 0,98m, chiều cao tổng thể (bao gồm cả phần quai) 1,126m nặng khoảng 1.150 kg bằng chất liệu đồng vàng. Dòng chữ Kho bạc Nhà nước cung tiến nằm khiêm tốn ở vị trí ít ai nhìn thấy. Từ nay chiếc Lư hương này sẽ thay thế trước Lư hương cũ đã nhuốm màu thời gian để cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ, các đoàn thể và cá nhân mỗi lần về thăm viếng nghĩa trang sẽ cắm nén hương thơm gửi tới anh linh các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống đất này để cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn.
Những ngày này cả Quảng Trị đang căng sức ra để chuẩn bị cho các hoạt động tâm linh. Với sự phối hợp của Kho bạc Nhà nước Quảng Trị, chúng tôi hẹn được đồng chí Phó chánh văn phòng UBND tỉnh để bàn về nội dung phỏng vấn đồng chí Chủ tịch tỉnh. Cuộc gặp gỡ cũng phải bố trí vào buổi trưa. Buổi chiều, tranh thủ đi kiểm tra thực địa để chuẩn bị cho việc tác nghiệp tại Đền tưởng niệm bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn.
Đúng 9h sáng ngày 21 tháng 7, trong không khí thành kính trang nghiêm, đồng chí Vương Đình Huệ- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Nguyễn Hữu Phúc - Ủy viên trung ương Đảng- Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng trị, đồng chí Nguyễn Công Nghiệp- Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, đồng chí Nguyễn Hồng Hà- Tổng Giám đốc KBNN và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban ngành dự lễ dâng hương và thả hoa tại Đền tưởng niệm bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn. Đây là hoạt động tri ân của Ngân hàng Phát triển VN.
Dòng sông Thạch Hãn hôm nay thanh bình yên ả, nhưng 40 năm về trước là một trong những địa điểm giao tranh ác liệt. Hàng ngàn chiến sỹ đã ngã xuống khi vượt sông để chi viện cho Thành cổ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”. Từng dòng người lặng lẽ xuống bến thả hoa, tôi tự hỏi không biết dưới dòng nước xanh trong kia có bao người đang nằm lại?
Trong suốt những ngày ở Quảng Trị, chúng tôi hầu như là thường xuyên có mặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Lần nào đến đây cũng vậy, tôi đã thấy anh Hoan- Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính, anh Tuấn ở phòng Thi đua tuyên truyền Bộ thường trực ở đây. Với vai trò giám sát công trình các anh có mặt từ mờ sáng cho tới tận 22, 23 giờ đêm. Không chỉ có vậy, đồng chí Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp- Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động, đồng chí Nguyễn Hồng Hà - Tổng Giám đốc KBNN cũng thường xuyên có mặt để kiểm tra rà soát từng hạng mục công trình. Quên đi cái nắng gắt bỏng, quên đi cái khát thường trực, các đồng chí kiểm tra từng viên đá lát, từng nhát cắt tạo hình trên những phiến đá cách điệu đôi bàn tay đang nâng đỡ ngôi sao vàng năm cánh như đang muốn bay lên cùng trời xanh ở Đài hành lễ. Kiểm tra, sửa chữa từng câu chữ trong kịch bản của sự kiện sẽ diễn ra tối nay.
Đúng 17 giờ 30 phút chiều ngày 22/7/2012, khi ánh mặt trời đỏ rực đã khuất về phía xa, tượng đài chiến thắng sừng sững uy nghiêm tạc vào bầu trời đang dần sẫm lại, dòng chữ “Tổ quốc ghi công” cùng ngôi sao vàng năm cánh trên Đài hành lễ sáng rực cũng là lúc 9 tiếng chuông do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hữu Phúc thỉnh lên ngân vang da diết để xin anh linh các anh hùng liệt sỹ cho thế hệ hôm nay được tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của các anh bằng việc nâng cấp, tu bổ, xây dựng lại Khu hành lễ của Nghĩa trang. Tiếng cầu siêu trầm buồn da diết giữa thinh không tạc vào lòng người “Dưới nấm mộ kia, cốt hài dù đã rã, nhưng chí tụ anh hùng mãi mãi linh thiêng. Dù mộ có tên hay chưa biết tên, có quê quán hay chưa tìm ra quê quán, tất cả đều là con cháu vua Hùng như Bác Hồ từng dạy: Máu là máu của Việt Nam, thịt là thịt của Việt Nam. Máu, thịt, xương của anh làm màu cho cây cỏ quê hương ngày nay thêm xanh tươi, nở hoa kết trái. Toàn dân nguyện ước cầu các hương linh thăng vinh, cõi vĩnh hằng liệt sỹ tiêu diêu”.
Tất cả lặng đi vì xúc động. Nước mắt đã nhòe đi trên gương mặt mọi cán bộ ngành Tài chính và các đại biểu. Dự lễ an vị Lư hương và cắt băng khánh thành giai đoạn I Khu hành lễ nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 hôm nay có các đồng chí lãnh đạo cấp cao: Đồng chí Vũ Văn Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Nguyễn Hữu Phúc- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, đồng chí Đinh La Thăng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Nguyễn Hồng Hà- Tổng giám đốc KBNN cùng các đồng chí Lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Vũ Văn Ninh- Ủy viên trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã xúc động phát biểu: “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi nhiệt liệt biểu dương |Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, tỉnh ủy, HĐND,UBND các cấp, các ngành tỉnh Quảng Trị và toàn thể công chức, viên chức ngành Tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân đã chung tay góp sức công đức xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đây thực sự là hoạt động thiết thực tỏ lòng biết ơn sự hy sinh cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã làm rạng rỡ lịch sử dân tộc ta. Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát động tuyên truyển và hướng dẫn các cơ quan đoàn thể, cá nhân tích cực đóng góp công đức cho việc hoàn thành toàn bộ Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 lịch sử. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôi kêu gọi các ngành các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và các cá nhân tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc thương bện binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với nước”.
Những ngọn nến lung linh được thắp sáng, đẩy lùi bóng đêm. Trên trời, mây đen vần vũ với những tia chớp xanh lè buổi đầu hôm giờ đã tan biến để thay vào đó là muôn vàn vì sao nhấp nháy như đang cười. Phải chăng linh hồn của các anh đã về đây chứng dám cho tâm nguyện của cán bộ công chức ngành Tài chính. Hòa vào dòng người, cầm trên tay một bông cúc trắng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ và trong giờ phút thiêng liêng này tôi chợt nhận ra một điều: Rồi mai đây Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 sẽ là trường học thực tế sinh động nhất cho các thế hệ công chức ngành Tài chính về sự hy sinh anh dũng của cha ông chúng ta thuở trước để mỗi cán bộ tài chính quốc gia lấy đó mà răn mình hãy sống và làm việc có trách nhiệm hơn trước vận mệnh của Tổ quốc hôm nay. Thế hệ trước đã băng mình vào trận mạc, thế hệ nay khi Tổ quốc đã im tiếng súng thì mặt trận của chúng ta là mặt trận xây dựng, phát triển, ổn định kinh tế , đảm bảo an sinh xã hội và đấu tranh trên mặt trận ngoại giao để giữ vững chủ quyền của dân tộc…. Gió từ rừng thông vẫn rì rầm hát ru bài ca Đất nước để ru mãi giấc ngủ ngàn thu của các anh hùng liệt sỹ nằm lại nơi đây tiếng ru của ngàn đời...