Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình:

Ngành Thuế đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế-xã hội


Chiều ngày 5/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác ngành Thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Đánh giá cao kết quả ngành Thuế đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng khẳng định, ngành Thuế đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

05 kết quả nổi bật của ngành Thuế trong năm 2020

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao và biểu dương những kết quả và thành tích đã đạt được của gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế trong năm qua. Kết quả của ngành Thuế đã góp phần cùng cả nước đạt được những thành tựu rất ấn tượng.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với bề dày truyền thống vẻ vang 75 năm của ngành Thuế nói riêng, ngành Tài chính Việt Nam nói chung, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thuế sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, năng động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Ngành Thuế đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế-xã hội  - Ảnh 1

Năm 2020 là năm đầy khó khăn, thử thách đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... diễn biến khó lường đã tác động tiêu cực đến thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu âm gần 4%.

Nhận định tình hình trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là điểm sáng, là một trong số ít những nền kinh tế thế giới đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tăng trưởng kinh tế. Kết quả  là,  GDP của Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, lạm phát giữ vững dưới 4% và các chỉ tiêu tài chính về bội chi, nợ công giai đoạn 2016-2020 đều bảo đảm trong phạm vi Quốc hội giao.

"Qua báo cáo, có thể khẳng định ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của đất nước, đặc biệt là công tác thu và quản lý thu NSNN của ngành Thuế" - biểu dương những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đã nêu 5 điểm nổi bật mà của ngành Thuế có được trong năm vừa qua, cụ thể:

Một là, mặc dù trong bối cảnh, tình hình đất nước và thế giới đặc biệt khó khăn nhưng thu ngân sách nhà nước của ngành Thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán đã được Quốc hội giao (tương ứng mức vượt gần 21.000 tỷ đồng), vượt trên 172.000 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Có 55/63 (87%) địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, 40/63 (63%) địa phương có số thu cao hơn năm 2019.

Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Thuế, góp phần cơ bản bảo đảm số thu chung của toàn ngành Tài chính, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các chỉ tiêu được Quốc hội giao. Số thu nội địa năm 2020 đạt tỷ trọng rất lớn 86,5% trong tổng thu ngân sách nhà nước, cao hơn so với bình quân 84,8% của giai đoạn 2016-2019, bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là vượt so với mục tiêu 5 năm đề ra (84-85%) và cao hơn so mức 68% của giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy, nguồn thu thuế đã chuyển biến theo hướng bền vững hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Hai là, ngành Thuế cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 6 nghị định để kịp thời hướng dẫn triển khai Luật Quản lý thuế, phù hợp với Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật, trên nguyên tắc đơn giản, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và ứng dụng tốt công nghệ vào công tác quản lý thuế.

Ba là, ngành Thuế đã thực hiện tốt các chức năng của Ngành, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” của đất nước trong đại dịch Covid-19. Theo đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện đa dạng. Đặc biệt, đối với những người gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được triển khai hiệu quả, kịp thời như các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiền thuê đất, Nghị định số 70/2020/NĐ-CP về giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tăng mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế, Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 2020...

Công tác kê khai và hoàn thuế đã được tăng cường và nâng lên theo hướng hiện đại, chuyển sang hoàn thuế điện tử, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế có cách làm linh hoạt, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, giảm thiểu việc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Quản lý nợ thuế cũng đạt được kết quả tốt, đẩy mạnh xóa nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, thu được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào ngân sách nhà nước, giảm số tiền nợ thuế phải quản lý khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Bốn là, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trên toàn quốc với 99,9% số doanh nghiệp khai, đăng ký nộp thuế điện tử, 95,5% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; đã hoàn thành tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia vượt 161% kế hoạch đề ra.

Năm là, ngành Thuế tiếp tục làm tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế với việc cắt giảm đáng kể số lượng Chi cục Thuế trong cả nước từ 711 xuống còn 415 Chi cục Thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian quy định trước 10 tháng. Năm 2019 lần đầu tiên sau nhiều năm, 63/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao và năm 2020 tiếp tục hoàn thành tổng thể dự toán.

Tiếp tục đề xuất giải pháp thiết thực về thuế, phí, lệ phí trong năm 2021

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng đề nghị, ngành Thuế  cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển.

Các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.

Ngành Thuế đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế-xã hội  - Ảnh 2

Xác định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

"Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ... Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.

Năm 2021, ngành Thuế được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.116.700 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế dự báo tăng trưởng thấp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, ngành thuế tập trung, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.