Ngành Thuế góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia


Thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu.
Ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu.

Theo đó, toàn ngành Thuế đã và đang quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chuyển đổi mã số thuế theo mã định danh cá nhân, đồng bộ dữ liệu về thuế đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử.

Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp với Bộ Công an để trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế. Qua thời gian thực hiện, tính đến tháng 1/2024, Tổng cục Thuế đã truy vấn được thông tin người nộp thuế cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khoảng 70% tổng mã số thuế cơ quan thuế đang quản lý.

Với quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số, mà thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi nhất, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế thông qua mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax mobile).

Đồng thời, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp Bộ Công an hoàn thành triển khai tích hợp các dịch vụ thuế điện tử  eTax Mobile, eCaNhan với ứng dụng VneID theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Cá nhân có thể sử dụng Tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào ứng dụng eTax Mobile, iCaNhan; hoặc truy cập ứng dụng VneID vào chuyên mục Thuế để tra cứu thông tin, nộp thuế.

Đối với việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến ngày 16/2/2024 có 42.718 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 172,698 triệu hóa đơn. Một số địa phương có kết quả triển khai khá tốt như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Kết quả triển khai cho thấy giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cũng bắt đầu đi vào cuộc sống. Người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã dần tiếp cận với giải pháp hóa đơn điện tử mới; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền dần trở thành giải pháp hiệu quả thay đổi thói quen hướng đến tiêu dùng văn minh của người dân, doanh nghiệp, tạo sự công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.

Đối với công tác quản lý thuế với các nhà cung cấp nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, kể từ thời điểm triển khai, vận hành Cổng Thông tin điện tử Nhà cung cấp nước ngoài đến hết tháng 2/2024, đã có 85 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, được cấp mã số thuế; có 67 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế theo quy định. Tính đến hết tháng 02/2024, tổng số thuế lỹ kế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là hơn 14 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Cổng Thông tin Thương mại điện tử cũng đã ghi nhận hơn 350 sàn giao dịch thương mại điện tử với hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn với tổng giá trị giao dịch là trên 60 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; nâng cấp ứng dụng nhằm vận hành ổn định hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc; cải cách toàn diện hệ thống thuế trên các lĩnh vực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, hướng tới chuyển đổi số quốc gia.