Chuyển đổi số toàn diện xây dựng ngành Thuế hiện đại

Việt Dũng

Công tác chuyển đổi số của ngành Thuế trong gần hai năm 2021-2022 đã phát triển một cách toàn diện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được thực hiện trong tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế đã góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân và toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Thành công nổi bật trong chuyển đổi số ngành Thuế

Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1 tại 06 tỉnh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Đến ngày 21/4/2022, Thủ tướng Chính phủ công bố triển khai hệ thống HĐĐT trên toàn quốc.

Đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai HĐĐT cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết tháng 10/2022, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn, trong đó có hơn 508 triệu hóa đơn có mã và hơn 1.342 triệu hóa đơn không mã.

Có thể khẳng định, việc triển khai HĐĐT không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Bên cạnh thành công trong triển khai HĐĐT, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% DN trong tổng số hơn 870.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.

Việc ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).

Qua các dịch vụ được ngành Thuế cung cấp, người nộp thuế (NNT) có thể xác thực đăng ký tài khoản eTax mobile điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số CMND/CCCD trên hệ thống của ngân hàng thay vì việc NNT sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục.

Tính đến hết tháng 10/2022 đã có 223.306 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 102.639 giao dịch với tổng số tiền trên 375 tỷ đồng (đã nộp thành công 170 tỷ đồng). Tương lai dịch vụ thuế điện tử trên các thiết bị di động sẽ được tiếp tục phát triển hỗ trợ hộ kinh doanh và NNT là cá nhân.

Cũng trong ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế chính thức công bố Cổng TTĐT dành cho nhà NCCNN không có địa chỉ kinh doanh tại Việt Nam. NCCNN có thể gửi hồ sơ và tra cứu, nhận các thông báo của cơ quan thuế về mã số thuế, số thuế phát sinh theo tờ khai, mã khoản nộp thuế để đơn giản hóa thông tin về khoản nộp thuế, hỗ trợ cho NNT dễ dàng thực hiện nộp thuế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Đến ngày 31/10/2022 đã có 38 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công. Trong đó có 06 NCCNN lớn như: (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương ứng 1.800 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng DVCQG có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Tính đến hết tháng 10/2022, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 1.939 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 1.832 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế

Việc triển khai thành công hiện đại hóa ngành Thuế đã đem lại hiệu quả to lớn góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung.

Với phương châm lấy NNT làm trung tâm để phục vụ, thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế.

Theo đó, hệ thống cơ quan Thuế các cấp sẽ đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.

Xây dựng và triển khai hệ thống Quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn,…; Phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho NNT, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.

Triển khai giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới. Xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/7, quy định trách nhiệm phối hợp quản lý của sàn thương mai điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ số.

Xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế thông minh bao gồm: Triển khai nền tảng quản trị dữ liệu hiện đại hỗ trợ dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu chủ; triển khai các mô hình phân tích dự báo dữ liệu hỗ trợ quản trị rủi ro, quản trị chất lượng và quản trị hiệu năng.

Ngành Thuế cũng sẽ triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng chuyển đổi số (kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế...).

 

Trong 2 năm liên tiếp (từ năm 2021- 2022), Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc. Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc là động lực cho ngành Thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, DN, đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong ngành Thuế trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế đối với các người dân, DN.