Ngành Thuế "quyết" giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước
Với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thuế đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách.
Ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu nợ thuế cho từng Cục Thuế để chủ động lập kế hoạch thu nợ theo tháng, theo quý; đồng thời, giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Tổng cục Thuế cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các Cục Thuế trong cả nước tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để chỉ đạo đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN; rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế để xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, chỉ đạo các Cục Thuế áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ vào NSNN...
Song song với đó, tập trung đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho người nộp thuế. Tính trong 6 tháng qua, cơ quan Thuế các cấp đã ban hành 21.507.451 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, đạt 100% số lượng phải ban hành.
Toàn ngành Thuế đã quyết liệt áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ, để nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tái tài sản, bỏ trốn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã ban hành 100.700 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 7.524 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 248 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; 7.677 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, thực hiện công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế. Trong 6 tháng toàn Ngành đã thực hiện đăng công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của 4.491 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn.
Với các biện pháp nêu trên, 06 tháng qua, cơ quan thuế đã thu hồi nợ thuế ước đạt 16.245 tỷ đồng, đạt 38,7% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6/2022 là 132.460 tỷ đồng. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điếm 30/6/2022 thì tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý là 114.780 tỷ đồng.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 với tổng số tiền là 1.297 tỷ đồng; trong đó, khoanh nợ tiền thuế là 273 tỷ đồng, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 1.024 tỷ đồng.
Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 có hiệu lực (ngày 01/7/2020) đến cuối tháng 6/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN với tổng số tiền là 33.768 tỷ đồng (khoanh nợ tiền thuế là 27.459 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.309 tỷ đồng).
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, toàn ngành Thuế tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thu nợ. Ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cơ quan Thuế các cấp sẽ tiếp tục tập trung phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn để cơ quan thuế và các ngành, các cấp cùng phối hợp trong việc thu hồi nợ đọng thuế; Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý...
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo toàn Ngành thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.