Ngành Thuế thu ngân sách 6 tháng đạt hơn 58% dự toán
Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.
32 địa phương thu đạt trên 55% dự toán
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.
Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng (bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ); Thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng (bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,2% so với cùng kỳ). Thu thuế, phí nội địa ước đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% so với dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, có 12/21 khoản thu sắc thuế đạt trên 55% dự toán: Thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 68,9%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 61,9%; tiền thuê mặt đất mặt nước ước đạt 79,3%; Thu khác ngân sách ước đạt 63,4%; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 77,8%...
Cùng với đó, có 32/63 địa phương đạt trên 55% dự toán: TP. Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, TP. Đà Nẵng, Hải Dương, Long An, Tiền Giang, Hưng Yên, Ninh Thuận, Nam Định, An Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Bạc Liêu, Bến Tre, Đắk Lắk, Gia Lai, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bắc Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Cao Bằng và Quảng Trị. Ngoài ra, cũng có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2023.
Để có kết qủa này, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình triển khai nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, tập trung vào vào vấn đề nóng được xã hội quan tâm như: sửa đổi Luật thuế GTGT, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Livestream bán hàng phải thực hiện nghĩa vụ thuế; Tuyên truyền rà soát, chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu mã số thuế (MST) cá nhân phục vụ việc chuyển đổi mã số định danh thành MST cá nhân; các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế; hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu...
ngành Thuế cũng tiếp tục chú trọng việc kiểm kê, rà soát MST, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời người nộp thuế để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai trong toàn ngành các bản nâng cấp ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng và đúng pháp luật. Lũy kế đến cuối tháng 6/2024, toàn ngành Thuế đã ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 63.188 tỷ đồng, bằng 37% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số cục Thuế có số tiền giải quyết hoàn thuế lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, tổng số hồ sơ kiểm trước đang tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế GTGT trên cả nước là 1.279 hồ sơ, tương ứng số thuế đề nghị hoàn 20.896 tỷ đồng
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp, cũng như các văn bản chỉ đạo toàn ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Kết quả lũy kế đến hết tháng 6, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 24.076 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 36,1% kế hoạch năm 2024 và bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 337.838 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 122,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.342 tỷ đồng, bằng 62,8% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế đã theo dõi sát sao tình hình nợ thuế, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho các đơn vị thực hiện. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.468 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ thuế là 42.756 tỷ đồng; Thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.712 tỷ đồng.
Phấn đấu hoàn thành và vượt ít nhất 5% dự toán
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hôi 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn những khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Tổng cục Thuế, cùng với nỗ lực, trách nhiệm của tập thể cán bộ công chức cơ quan thuế thì kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm là khá tích cực. Cơ bản các mặt công tác quản lý thuế và chống thất thu đều thu được những kết quả khả quan.
Mặc dù vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vẫn còn hết sức nặng nề, không cho phép ngành Thuế chủ quan. Tiến độ thu một số địa phương chậm; nợ thuế tăng cao; việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ sẽ ảnh hưởng nhất định tới nguồn thu.
Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao năm 2024, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu toàn ngành cần tập trung triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách tối thiểu 5%. Để đạt được mục tiêu này, các cục thuế phải bám sát tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, tình hình kinh tế - xã hội tại từng địa phương; theo dõi tiến độ thu, nắm bắt kịp thời các năng lực sản xuất mới, đánh giá kỹ các nguồn thu, khả năng thực hiện của từng địa phương, từ đó kịp thời tham mưu Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính các giải pháp điều hành thu hiệu quả, đảm bảo hoàn thành dự toán được giao. Đồng thời, đánh giá kỹ tình hình thu ngân sách năm 2024, phục vụ cho công tác xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, dự kiến thu 3 năm 2025-2027 đảm bảo khả thi, phù hợp thực tế tiến tới đảm bảo chỉ có một số dự toán.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng yêu cầu toàn Ngành cần tổ chức triển khai có hiệu quả, thiết thực các gói hỗ trợ đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua tại các Nghị quyết số 14/2024/QH15 và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP (giảm thuế GTGT 2%), Nghị định số 64/2024/NĐ-CP, Nghị định số 65/2024/NĐ-CP (gia hạn nộp thuế), thông tin tuyên truyền cụ thể tới các đối tượng thụ hưởng chính sách. Tham mưu thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế chính sách quản lý thuế, trước hết là 3 nghị định quan trọng là Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020 về hóa đơn chứng từ; Nghị định sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP; Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong thời gian tới, cơ quan thuế cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế từ cách thức tới nội dung, thông điệp truyền tải rõ ràng, đảm bảo đúng phương châm "Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ", hướng tới thúc đẩy việc tuân thủ thuế một cách tự nguyện. nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế.