Ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biến, mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, ngành Thuế hướng tới cải cách quản lý dựa trên 3 trụ cột chính là: thể chế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ
Trong những năm qua, với phương châm, lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế luôn chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, bám sát chuẩn dữ liệu thông tin theo quy định của Chính phủ, nhằm thúc đẩy tiến trình triển khai chuyển đổi số…
Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp với nhiều trải nghiệm dịch vụ thuế điện tử ngày càng tốt hơn theo hướng phát triển ứng dụng trên thiết bị di động, hướng tới số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, chuyển sang sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã, đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” và “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là “80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động”.
Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước nói chung và trong ngành Thuế nói riêng là quá trình chuyển đổi các hoạt động và dịch vụ từ hình thức truyền thống sang hình thức điện tử, số hóa… Cơ quan thuế đã tích cực triển khai liên thông điện tử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành nhằm triển khai tổng thể dữ liệu số, phát triển nền tảng số, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Mục tiêu hướng tới là tăng cường hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành Thuế đã triển khai ứng dụng Kho cơ sở dữ liệu về thuế với các giải pháp về phân tích và khai thác dữ liệu tạo nguồn dữ liệu theo yêu cầu của Đề án kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính và làm cơ sở phân tích, quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế; Xây dựng và triển khai các kết nối, trao đổi thông tin với các đơn vị bên ngoài nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (trao đổi thông tin chứng từ, đăng ký thuế, lệ phí trước bạ, trao đổi với cơ quan đăng ký đất đai…)
Để đáp ứng mục tiêu cung cấp thông tin chủ yếu cho hệ thống kho cơ sở dữ liệu thống nhất của ngành Tài chính, đáp ứng việc kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu trong khối các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng cục Thuế đã xây dựng hệ thống trục tích hợp truyền tin, Cổng thông tin phục vụ trao đổi và kết nối với các đơn vị, tổ chức bên ngoài, hệ thống kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có nhiệm vụ kết nối và truyền nhận thông tin với các hệ thống trong nội bộ ngành Thuế cũng như tích hợp thông tin liên quan với các bộ, ngành.
Điển hình như, Tổng cục Thuế trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan về tờ khai hải quan và các hồ sơ liên quan giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho người nộp thuế; Trao đổi thông tin với Kho bạc Nhà nước về thu nộp thuế, đảm bảo hạch toán nhanh, minh bạch các khoản nộp vào NSNN của người nộp thuế; Trao đổi thông tin với Tổng cục Thống kê đảm bảo dữ liệu thống kê về người nộp thuế, công tác quản lý thuế được đầy đủ trên toàn quốc; Trao đổi thông tin với 57 ngân hàng thương mại nhằm cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho người nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế…
Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành Thuế, đến nay, Tổng cục Thuế đã triển khai 235 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 122 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hướng tới mục tiêu, 90% thủ tục hành chính thuế được thực hiện theo hình thức giao dịch điện tử mức độ 3, 4; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu
Quá trình chuyển đổi số tại cơ quan thuế đã mang lại nhiều lợi ích như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện sự minh bạch và hiệu quả của quy trình quản lý thuế. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; nâng cấp ứng dụng nhằm vận hành ổn định hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc; cải cách toàn diện hệ thống thuế trên các lĩnh vực, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế.
Ngành Thuế cũng sẽ triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện, cụ thể bao gồm: Xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát Triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; Mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; Chatbot hỗ trợ người nộp thuế; Mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.
Việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã triển khai 235 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 122 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hướng tới mục tiêu 90% thủ tục hành chính thuế được thực hiện theo hình thức giao dịch điện tử mức độ 3, 4; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia.