Ngành Thuế trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện pháp luật thuế

PV.

Việt Nam đang xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế cho giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, ngành Thuế đặt mục tiêu trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nước đứng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thực hiện Quyết định 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Thuế đã thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; đồng thời vừa tổ chức đánh giá việc thực hiện Quyết định.

Theo kết quả đánh giá, tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước bình quân trong gia đoạn 2011-2015 chiếm 23% GDP; giai đoạn 2016-2018 đã tăng lên 24,9%. Cũng theo báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về mức độ thuận lợi về thuế.

Giai đoạn 2011-2020, hệ thống pháp luật thuế đã được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, tương thích với các thông lệ quốc tế, mở rộng đối tượng chịu thuế, bao quát các nguồn thu, đổi mới cơ chế quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, đổi mới công nghệ, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho người nộp thuế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế...

Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý thuế 2019 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế toàn diện, thống nhất, thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh - Doing Business 2020, do Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tiếp tục tăng 22 bậc từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá. Ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trước đó, năm 2019 chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 7-10 bậc.

Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế cho giai đoạn 2021-2030, ngành Thuế đặt mục tiêu trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nước đứng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực.

Để thực hiện được mục tiêu này, Chiến lược cải cách giai đoạn 2021-2030 sẽ được xây dựng dựa trên một số định hướng lớn đó là: hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách về thuế đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm bao quát các nguồn thu mới phát sinh từ nền kinh tế số, phù hợp với yêu cầu chính phủ điện tử, đảm bảo cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế nội địa và thuế quốc tế.

Theo đó, ngành Thuế sẽ phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý có tính liên kết, tự động hóa cao, gắn với cải cách thủ tục hành chính và áp dụng thuế điện tử; hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý triển khai thuế điện tử, xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật về thuế, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác; tạo lập nền tảng dữ liệu mở, đảm bảo khả năng tiếp cận cho các cơ quan tổ chức, người dân, doanh nghiệp; kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin dữ liệu giữa cơ quan thuế với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương. 

Công tác đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và kế toán thuế được cải cách theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện. Cơ quan thuế giám sát, giải trình đầy đủ số thuế thu được và các khoản hoàn thuế hợp lệ được thanh toán kịp thời, đảm bảo sự toàn vẹn các khoản thu thuế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá các dòng tài chính xuyên biên giới.

Cùng với cải cách quản lý thuế, trong giai đoạn 2021-2030, ngành Thuế sẽ xây dựng bộ máy cơ quan thuế có đủ nhiệm vụ và quyền hạn để thực thi pháp luật thuế theo mô hình hiện đại, hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn và thực hiện mô hình quản lý thuế kết hợp quản lý theo chức năng với theo đối tượng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Tổng cục Thuế và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đại diện IMF đã cam kết trong thời gian tới sẽ phối hợp, hỗ trợ, tư vấn xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống Thuế Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế trên cơ sở so sánh với thực tiễn tốt trên thế giới; xác định bối cảnh kinh tế xã hội, tầm nhìn, mục tiêu cải cách; xây dựng nội dung và các chiến lược cải cách gắn với mục tiêu tuân thủ tự nguyện, đồng thời có kế hoạch truyền thông chiến lược.

Đồng thời, trên cơ sở các dữ liệu thô của bộ dữ liệu quốc tế về quản lý thuế, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam khai thác so sánh, các chức năng quản lý thuế với các nước trên thế giới, đề xuất các giải pháp phòng chống các khoản trống trong quản lý thuế, đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ về công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực. 

Bà Margaret Cotton, chuyên gia cao cấp của IMF cho biết,  Tổ chức này có công cụ để đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế của mỗi quốc gia nhằm mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu quốc tế về quản lý thuế. Hiện đã có 135 quốc gia trên thế giới tham gia đóng góp dữ liệu, trong đó có Việt Nam.