Tổng cục Thuế lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định thực hiện Luật Quản lý thuế
Nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng quy định chi tiết và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý thuế, ngày 18/2, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội thảo trực tuyến 62 điểm cầu Cục Thuế các địa phương trong cả nước để góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế gồm 9 chương, 41 điều quy định các nội dung liên quan đến khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hoàn thuế, miễn thuế, giảm thu, khoanh tiền thuế nợ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế và nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế và một số vấn đề khác.
Cần cụ thể hóa quy định kê khai hóa đơn điện tử
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung quy định khi người nộp thuế thực hiện hồ sơ khai thuế điện tử như: sử dụng hóa đơn điện tử khi khai lệ phí trước bạ, sử dụng chứng từ khấu trừ thuế điện tử và chứng từ nộp thuế điện tử khi khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân… và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và công chức khi tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử theo Điều 8 Luật 38/2019/QH14.
Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho rằng cũng cần cân nhắc bổ sung quy định việc xử lý (hủy bỏ giao dịch khai thuế điện tử) đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân thực hiện khai thuế điện tử nhưng không bổ sung hồ sơ giấy (ngoài hồ sơ, chứng từ điện tử hoặc được sử dụng chứng từ dưới dạng file hình ảnh, scan) gửi đến cơ quan thuế.
Chi tiết hóa quy định kê khai thuế của doanh nghiệp
Về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, Cục Thuế TP. Hải Phòng có ý kiến: Theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì đơn vị phụ thuộc có 3 hình thức: (i) Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp; (ii) Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó; (iii) Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra các trường hợp: (i) Đối với đơn vị phụ thuộc có báo sổ hoặc hạch toán độc lập; (ii) Đối với đơn vị phụ thuộc hạch toán độc lập thì kê khai riêng không phải phân bổ. Riêng đối với đơn vị phụ thuộc không hạch toán độc lập thì có 2 hình thức có kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) (áp dụng đối với Chi nhánh) hoặc không kê khai thuế GTGT (địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện).
Do đó, tại dự thảo Nghị định cần làm rõ thêm: Đơn vị phụ thuộc không theo dõi riêng được thuế giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào là các trường hợp nào để phân bổ thuế GTGT có bao gồm chi nhánh không, hay chỉ điểm kinh doanh. Trường hợp Chi nhánh hoặc điểm kinh doanh dịch vụ kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính có thuộc trường hợp phân bổ theo quy định này không? Nếu có thì phân bổ như thế nào?
Trường hợp đơn vị phụ thuộc là Chi nhánh bán hàng mà họ có khai thuế GTGT đầu ra và chỉ khai thuế GTGT đầu vào đối với hàng công ty chuyển đến, mà thuế GTGT đầu ra bằng thuế GTGT đầu vào, dẫn đến số thuế GTGT phải nộp tại tỉnh, thành phố có chi nhánh bằng không thì có được coi là không theo dõi riêng được thuế giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào để phân bổ không? (các chi phí đầu vào khác như điện, nước, chi phí văn phòng, thuê điểm… được lấy hoá đơn, khai ở trụ sở chính).
Cân nhắc quy định về ấn định mức thuế
Góp ý về quy định ấn định thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đề xuất, dự thảo Nghị định cần bổ sung trường hợp người nộp thuế cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết cũng bị cơ quan thuế ấn định số tiền thuế phải nộp để đảm bảo chặt chẽ, bao quát các trường hợp và phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đề nghị bổ sung quy định về xác định tiền chậm nộp nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch khi xác định số thuế ấn định, tiền chậm nộp, đồng thời quy định rõ thời hạn gửi quyết định ấn định cho người nộp thuế.
Để đơn giản, thuận tiện và giảm thủ tục trong công tác quản lý thuế, Cục Thuế Nghệ An đề nghị bổ sung quy định về việc ban hành quyết định ấn định thuế trong trường hợp cơ quan Thuế ấn định thuế kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo hướng gộp nội dung ấn định, xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vào cùng một quyết định.
Ngoài ra, một số Cục Thuế cũng có ý kiến về chu kỳ khai thuế ổn định theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý cần được rà soát lại để tránh chồng chéo; cần quản lý theo hướng khi hết chu kỳ ổn định doanh nghiệp tự xác định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định kỳ tính thuế GTGT theo quý/tháng nhằm giảm bớt thủ tục hành chính; đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định các trường hợp kê khai thuế TNCN theo tháng/quý…
Tăng cường sự phối hợp của ngân hàng thương mại
Về trách nhiệm cung cấp thông tin của ngân hàng thương mại, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và một số cục thuế đề xuất, dự thảo Nghị định cần quy định về công tác phối hợp với hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo đó, hệ thống ngân hàng thương mại bên cạnh việc cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng của người nộp thuế cho cơ quan thuế, phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cụ thể cho cơ quan thuế (cục thuế, chi cục thuế), thông tin chi tiết giao dịch của người nộp thuế khi có văn bản đề nghị cung cấp thông tin của các cơ quan thuế các cấp.
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc bổ sung như trên để đảm bảo trong một số trường hợp cụ thể (ví dụ qua thanh tra kiểm tra cần xác minh thông tin) cơ quan thuế yêu cầu thì ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin.