Ngành Thuế xử lý trên 62.000 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế

Theo thanhtra.com.vn

Kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách mới đây cho thấy Chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Ngành Thuế xử lý trên 62.000 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế.
Ngành Thuế xử lý trên 62.000 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế.

Báo cáo chỉ ra rằng, có đến trên 60% doanh nghiệp FDI vẫn còn lỗ lũy kế với giá trị lỗ lũy kế là gần 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều các doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó có nhiều “ông lớn” trên thế giới kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, với lợi thế về tài chính thông qua chuyển giá, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp nội địa, làm nảy sinh cạnh tranh bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp “nội địa” mất thị phần, thậm chí có những doanh nghiệp liên doanh bị thôn tính và trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, ngành Thuế đã có rất nhiều các biện pháp quản lý thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là việc lợi dụng chuyển giá để trốn tránh thuế. Giai đoạn 2010-2018, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế TNDN thu về hơn 35.900 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.000 tỷ đồng.

Ngành Thuế xử lý trên 62.000 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế - Ảnh 1

Ngoài việc thanh tra, kiểm tra chuyển giá, cơ quan Thuế vừa thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện theo đối tượng để đánh giá việc chấp hành pháp luật về thuế, vừa tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm của một số doanh nghiệp ngày càng tinh vi và phức tạp.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2007, người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế vào NSNN và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan Thuế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế... nhằm đảm bảo sự công bằng cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế hàng năm của cơ quan Thuế được thực hiện theo phương pháp quản lý rủi ro. Những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế sẽ được đưa vào kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra; do vậy, khi thực hiện thanh kiểm tra sẽ phát hiện tăng thu NSNN.

Chỉ riêng trong năm 2018, toàn ngành Thuế đã thực hiện gần 96.000 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý về thuế trên 62.000 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu vào ngân sách nhà nước gần 19.000 tỷ đồng; giảm lỗ gần 41.000 tỷ đồng. Trong năm 2019 vừa qua, số tiền xử lý qua thanh tra kiểm tra là 64.500 tỷ, trong đó, số thuế truy thu vào NSNN cũng ở mức gần 19.000 tỷ đồng; giảm lỗ gần 43.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo Kiểm toán Quyết toán NSNN năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiểm toán và kiến nghị tăng thu NSNN 8.151 tỷ đồng, trong đó kiến nghị về thuế nội địa là 3.217 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế và lợi nhuận còn lại nộp NSNN... còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Với những nỗ lực của cơ quan Thuế và các cơ quan kiểm toán, thanh tra; cùng với việc Luật Quản lý thuế mới (có hiệu lực từ 1/7/2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành đang được Chính phủ và Bộ Tài chính xây dựng (trong đó có Nghị định về chống chuyển giá) tiếp tục khẳng định vai trò của quản lý rủi ro trong quản lý thuế... sẽ là những cở sở quan trọng cho công tác quản lý thuế, vì một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và lành mạnh.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua báo cáo quyết toán NSNN năm 2018, đánh giá những nỗ lực của các cơ quan trong công tác chống thất thu NSNN; sẽ là tiền đề rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách của các năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển của đất nước.