Ngày 18/9/2020 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23
Ngày 18/9/2020, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23 (AFMGM+3) sẽ được tổ chức theo phương thức trực tuyến tại Hà Nội.
Theo chương trình dự kiến, sau khi thông qua chương trình nghị sự, hội nghị sẽ bắt đầu phiên đối thoại về chính sách và đánh giá kinh tế. Tại phiên đối thoại này, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ trình bày về triển vọng kinh tế khu vực và thế giới.
Sau đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trao đổi quan điểm về triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực cũng như các phản ứng chính sách ở quốc gia trước tác động của đại dịch Covid-19.
Hội nghị cũng sẽ bàn về việc tăng cường hợp tác tài chính ASEAN+3. Trong đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương sẽ nghe báo cáo tiến độ đối với các nội dung hợp tác tài chính ASEAN+3 trong năm 2020, bao gồm các sáng kiến: Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), hoạt động của AMRO và Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3.
Tiếp đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương thảo luận và thông qua Tuyên bố chung Hội nghị.
Trước đó, ngày 5/8/2020 đã diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3) theo phương thức trực tuyến. Tại Hội nghị này, các Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN cùng các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận về các sáng kiến hợp tác tài chính của khu vực như: CMIM, ABMI, xem xét những sáng kiến mới về hợp tác tài chính trong ASEAN+3 và thông qua các chính sách và kế hoạch hoạt động trung hạn của AMRO.
Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng đã xem xét tiến độ triển khai các sáng kiến mới theo Kế hoạch thực hiện định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3 bao gồm: Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; Phát triển sáng kiến toàn diện về tài chính cơ sở hạ tầng; Thiết kế các công cụ hỗ trợ để giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; Hài hòa hóa các sáng kiến hợp tác về tài chính chống biến đổi khí hậu như Sáng kiến Cơ chế Bảo hiểm Rủi ro thiên tai (SEADRIF) và Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.