Bộ Tài chính Việt Nam đồng chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3


Sáng 5/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN+3

Nơi diễn ra Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN+3
Nơi diễn ra Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN+3

Theo đó, Việt Nam cùng với Nhật Bản sẽ chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương (NHTW) ASEAN+3. Đây là Hội nghị quan trọng của Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAn +3. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) - thành viên Ban Chỉ đạo hợp tác tài chính ASEAN và ASEAN +3 năm 2020 xung quanh sự kiện này.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, xin ông cho biết công tác chuẩn bị của Bộ Tài chính cho Hội nghị này như thể nào để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đạt được kết quả đã đề ra?

Ông Hà Duy Tùng.
Ông Hà Duy Tùng.

Ông Hà Duy Tùng: Kể từ năm 1997 khi Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3 được hình thành, đến nay, Việt Nam đã 3 lần chủ trì sự kiện vào các năm 2008, 2010 và 2020. Năm 2020, Việt Nam và Nhật Bản cùng đảm nhận vai trò đồng Chủ tịch Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản các công tác chuẩn bị về hậu cần và nội dung đã được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Nhật Bản thống nhất, hoàn thiện với chất lượng cao nhất, đảm bảo cho sự thành công của hội nghị.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các Hội nghị trong kênh Hợp tác Tài chính ASEAN+3 đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến, bao gồm cả Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW ASEAN+3. Để đảm bảo phù hợp với hình thức họp trực tuyến, đồng chủ trì Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất xây dựng chương trình hội nghị tập trung vào những nội dung quan trọng nhất của Tiến trình Hợp tác và lược bỏ bớt các nội dung có thể trao đổi qua email. Theo đó, thời gian họp của Hội nghị sẽ được rút ngắn xuống còn 3 giờ trong buổi sáng ngày 5/8. Tuy vậy, Hội nghị vẫn đảm bảo thông lệ bao gồm cả phiên họp chính thức thảo luận về các tiến trình hợp tác và phiên họp không chính thức thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô của khu vực.

Mặc dù đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, song nhờ những thay đổi và cải tiến phù hợp với bối cảnh, Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN+3 vẫn diễn ra theo đúng lộ trình. Tôi xin khẳng định, những khó khăn của đại dịch không thể cản trở nỗ lực hợp tác của các nước ASEAN+3. Hội nghị lần này cũng không phải Hội nghị đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh đại dịch. Đầu tháng 4/2020, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã chủ trì thành công Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW ASEAN+3 đặc biệt để thảo luận về tác động của Covid 19 tới nền kinh tế khu vực và cách thức tiếp tục triển khai các sáng kiến hợp tác trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Hội nghị đã thành công tốt đẹp và được các nước trong khu vực đánh giá cao.

Hội nghị lần này sẽ tập trung vào chủ đề cụ thể nào, thưa ông?

Tại Hội nghị lần này, các Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc NHTW các nước ASEAN cùng với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thảo luận về các sáng kiến hợp tác tài chính của khu vực như: Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), xem xét những sáng kiến mới về hợp tác tài chính trong ASEAN+3 và thông qua các chính sách và kế hoạch hoạt động trung hạn của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO).

Cụ thể, Hội nghị sẽ tiến hành rà soát các hoạt động và sáng kiến hợp tác tài chính CMIM, nhằm tiếp tục hoàn thiện CMIM đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính và phù hợp với cơ chế phối hợp giữa CMIM và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu. Hội nghị cũng sẽ thảo luận và cho ý kiến đối với Kế hoạch ngân sách và nhân sự của AMRO cho năm 2021 và Báo cáo đánh giá năng lực Giám đốc AMRO năm 2019.

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc cũng sẽ xem xét tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác ABMI trong việc nghiên cứu nâng cao môi trường thu hút nhà đầu tư, phát triển thêm công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như các hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính Việt Nam đóng vai trò đồng chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3 cùng với Bộ Tài chính Nhật Bản và các đối tác từ NHNN và NHTW Nhật Bản.

Nhằm tăng cường ổn định kinh tế và tài chính khu vực, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW sẽ xem xét tiến độ triển khai các sáng kiến mới trong khuôn khổ Định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3, bao gồm các sáng kiến: Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; Phát triển sáng kiến toàn diện về tài chính cơ sở hạ tầng; Thiết kế các công cụ hỗ trợ để giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; Hài hòa hóa các sáng kiến hợp tác về tài chính chống biến đổi khí hậu như Sáng kiến Cơ chế bảo hiểm rủi ro thiên tai (SEADRIF); Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.

Bên cạnh chương trình nghị sự được thảo luận theo thông lệ, tại Hội nghị lần này, các bên sẽ có phiên thảo luận đặc biệt về “Chiến lược, triển khai thực hiện và không gian chính sách chống lại đại dịch Covid-19" để chia sẻ về các biện pháp chính sách ứng phó với các tác động của đại dịch Covid-19, cập nhật tình hình và đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của các nước trong khu vực.

Thưa ông, một vấn đề đang được quan tâm đó là hợp tác tài chính trong khu vực ASEAN và ASEAN+3. Xin ông cho biết, Hội nghị này có bàn đến giải pháp nào để thúc đẩy và thực hiện hiệu quả sự hợp tác đó và giải pháp nào được coi là ưu tiên nhất?

Nhằm tăng cường ổn định kinh tế và tài chính khu vực, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN+3 đã thông qua Định hướng chiến lược tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 vào tháng 5/2019. Tiếp đó, Kế hoạch thực hiện định hướng chiến lược tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 cũng đã được phê duyệt vào tháng 12/2019. Kế hoạch này bao gồm các sáng kiến: Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; Phát triển sáng kiến toàn diện về tài chính cơ sở hạ tầng; Thiết kế các công cụ hỗ trợ để giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; Hài hòa hóa các sáng kiến hợp tác về tài chính chống biến đổi khí hậu; Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính. Các sáng kiến đã được giao cho các nhóm nghiên cứu triển khai xây dựng báo cáo.

Tại Hội nghị lần này, các nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo các kết quả nghiên cứu lên các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW nhằm đưa ra định hướng phát triển và hợp tác sau này giữa các nước trong khu vực để tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác cũng như cùng nhau xây dựng một mạng lưới an ninh tài chính trong khu vực ASEAN+3 ổn định, hiệu quả.

Vậy vai trò của Bộ Tài chính Việt Nam tại Hội nghị lần này là gì, thưa ông?

Trong năm 2020, Bộ Tài chính Việt Nam đóng vai trò đồng chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3 cùng với Bộ Tài chính Nhật Bản và các đối tác từ NHNN và NHTW Nhật Bản.

Để đảm nhận vai trò đồng chủ trì, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ động trao đổi, thống nhất với các đối tác đồng chủ trì về các sáng kiến sẽ được triển khai trong năm, cách thức triển khai nhằm đạt được các kết quả dự kiến. Cùng với các đối tác Nhật Bản, Bộ Tài chính Việt Nam và NHNN đã chủ trì điều phối các hoạt động hợp tác trong các sáng kiến quan trọng của Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN+3 như CMIM, ABMI và định hướng các ưu tiên hợp tác trong tương lai. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng sẽ tham gia phiên thảo luận về chính sách kinh tế vĩ mô và chia sẻ những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện để đối phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo đạt được mục tiêu kép là phòng chống đại dịch thành công và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam cùng với các đối tác Nhật Bản đồng chủ trì các phiên thảo luận về các tiến trình hợp tác khu vực, kiểm điểm tiến độ triển khai các sáng kiến hợp tác, và chuẩn bị các nội dung sẽ báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW tại hội nghị tháng 9 tới. Việc điều hành thảo luận, thống nhất các ý kiến, tạo đồng thuận trong các vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của hội nghị, đặc biệt trong bối cảnh một số nước vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn trong nước và không dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động hợp tác khu vực.

Với kinh nghiệm và quyết tâm, tôi tin rằng, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam sẽ chủ trì thành công các nội dung quan trọng này của hội nghị, đóng góp tích cực vào kết quả thành công của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW ASEAN+3 nói riêng và thành công chung của cả Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3 trong năm 2020.

Xin cảm ơn ông.