Ngày mùng 4 Tết, hầu hết các chợ, trung tâm thương mại mở cửa trở lại

Minh Hà

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngày mùng 4 Tết, hầu hết các chợ, trung tâm thương mại đã mở cửa, hoạt động mua bán đang dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu nhu cầu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống...

Hàng hóa phục vụ trong và sau Tết vẫn phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hàng hóa phục vụ trong và sau Tết vẫn phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết từ ngày 25/01/2025 đến ngày 01/2/2025 (tức từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết).

Theo Bộ Tài chính, từ ngày mùng 3 Tết, nhiều chợ truyền thống và siêu thị tiện ích, trung tâm thương mại tại các thành phố trên cả nước đã mở cửa bán hàng.

Đến nay mùng 4 Tết, hầu hết các chợ, trung tâm thương mại đã mở cửa, hoạt động mua bán đang dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu nhu cầu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...  

Điển hình như: Tại Hà Nội, ngày 01/02/2025 (tức là ngày mùng 4 Tết), hàng hóa ở chợ tương đối dồi dào, giá cả các mặt hàng rau củ quả giữ ổn định, người dân đi chợ mua sắm chưa đông. Thị trường hàng hóa bánh mứt kẹo; hoa quả trái cây; hoa tươi cây cảnh trong các ngày mùng 3, mùng 4 Tết không có sự biến động lớn về giá so với ngày trước Tết. Thị trường mua bán đã dần sôi động trở lại sau ngày mùng 3 Tết khi người dân đi chơi Tết và đi lễ đầu xuân.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết siêu thị đã mở cửa hoạt động trở lại như Co.opmart, Aeon, Lotte Mart, Mega Market... từ mùng 3 Tết. Bên cạnh đó, tiểu thương tại các chợ đã bắt đầu bán hàng trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân, sức mua bình thường tập trung mua sắm chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống.

Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 27% - 52% so ngày thường; giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm như cà chua, trứng gia cầm, dưa leo, xoài cát Hòa Lộc… bắt đầu giảm giá và bằng với mức giá ngày thường.

Tại các chợ lẻ, một số mặt hàng phục vụ Tết như thịt heo ổn định, thủy hải sản tăng nhẹ, trong khi các mặt hàng rau, củ quả giảm nhẹ so ngày trước.

Tại các chợ truyền thống đã mở bán trở lại khá đầy đủ các mặt hàng từ lương thực, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và đồ khô, hoa tươi; giá vẫn ở mức cao như những ngày cận Tết, chỉ có một số lại rau củ theo mùa và hoa tươi giảm nhẹ…

Qua báo cáo của các địa phương (TP. Đà Nẵng, TP. Huế, TP. Hải Phòng, Cao Bằng, Bạc Liêu) về cơ bản cung - cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại các địa phương đều diễn ra theo quy luật hàng năm và không có đột biến trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Hàng hóa phục vụ trong và sau Tết vẫn phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn, để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.