Nghi án chuyển hơn 2 nghìn tỷ USD tiền phạm pháp
Hàng nghìn tài liệu bị rò rỉ được BuzzFeed News và Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố cho thấy, một loạt ngân hàng hàng đầu thế giới đã tham gia trục lợi từ hoạt động rửa tiền với giá trị lên tới 2 nghìn tỷ USD.
Những tài liệu này là một phần của bộ dữ liệu thuộc Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) – một cơ quan của Bộ Ngân khố Mỹ chịu trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn tội phạm tài chính – được xuất bản lần đầu tiên bởi BuzzFeed News và ICIJ.
Theo báo cáo, tệp FinCEN đã rò rỉ tổng cộng 2.657 tài liệu, trong đó cốt lõi là 2.100 báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR). SAR không phải là bằng chứng, mà chỉ là tình nghi về hành vi sai trái của khách hàng và được gửi cho cơ quan chức năng. Theo BuzzFeed News, bản báo cáo này là kết quả của cuộc điều tra tại hơn 100 tổ chức thông tin tại 88 quốc gia.
Theo cáo buộc của ICIJ, nhiều ngân hàng hàng đầu thế giới đã chuyển tiền cho các cá nhân và thực thể mà họ không thể xác định danh tính và chậm trễ trong việc báo cáo những hoạt động đáng ngờ, với tổng giá trị lên tới 2 nghìn tỷ USD.
Theo báo cáo, tệp FinCEN đã rò rỉ tổng cộng 2.657 tài liệu, trong đó cốt lõi là 2.100 báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR). SAR không phải là bằng chứng, mà chỉ là tình nghi về hành vi sai trái của khách hàng và được gửi cho cơ quan chức năng. Theo BuzzFeed News, bản báo cáo này là kết quả của cuộc điều tra tại hơn 100 tổ chức thông tin tại 88 quốc gia.
Tệp FinCen cho thấy, có năm ngân hàng: JP Morgan Chase, Standard Chartered Bank, Deutsche Bank, Barclays Bank và Bank of New York Mellon đã xử lý các khoản tiền bất hợp pháp từ năm 1997 đến năm 2017.
Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, cách thức rửa tiền thông qua một số ngân hàng lớn nhất thế giới và cách tội phạm sử dụng công ty ẩn danh (của Anh) để che giấu tiền của họ trong 2 thập kỷ qua, ngay cả khi Mỹ đã áp dụng các hình phạt đối với những định chế tài chính này.
Theo hồ sơ của ICIJ, Standard Chartered, Bank of New York Mellon và Barclays đã báo cáo hơn 20 tỷ USD các giao dịch đáng ngờ trong giai đoạn 1999-2017. JPMorgan Chase, HSBC và Deutsche Bank bị phát hiện đã tham gia vào dòng tiền tội phạm ngay cả khi tội phạm đã bị bắt. HSBC bị nghi ngờ tham gia vào vụ lừa đảo Ponzi trị giá 80 triệu USD vào năm 2013 và 2014. Từ năm 1999 đến 2017, Deutsche Bank đã ghi nhận tới 1,3 nghìn tỷ USD giao dịch đáng ngờ và JPMorgan là 514 tỷ USD.
Trình bày với ICIJ, JPMorgan cho biết: Chúng tôi báo cáo hoạt động đáng ngờ cho chính phủ, để các cơ quan thực thi pháp luật có thể xử lý tội phạm tài chính. Chúng tôi đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc cải cách chống rửa tiền – yếu tố sẽ hiện đại hóa cách thức của chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật trong việc chống rửa tiền, tài trợ cho các hành động khủng bố và các loại tội phạm tài chính khác.
Trả lời trong một thông báo, Deutsche Bank cũng cho biết rằng, ICIJ đã báo cáo về một số vấn đề quan trọng và những vấn đề liên quan đến ngân hàng này đều đã được các cơ quan quản lý biết đến. Những vấn đề này đã được điều tra và cơ quan quản lý đã giải quyết, trong đó sự hợp tác và khắc phục của ngân hàng đã được chấp nhận.
Thực tế, các ngân hàng cũng đã thuê hàng nghìn nhân viên để đẩy mạnh chống rửa tiền và tội phạm tài chính, nhưng các lãnh đạo ngân hàng thừa nhận rằng, họ không thể ngăn chặn tất cả các hoạt động bất hợp pháp.
Khảo sát của Viện Chính sách Ngân hàng cũng cho thấy, các cơ quan hành pháp chỉ điều tra khoảng 4% các cảnh báo của ngân hàng. Liên Hợp Quốc ước tính chỉ 1% số tiền bất hợp pháp trong hệ thống tài chính bị tịch thu.
Các cơ quan quản lý yêu cầu ngân hàng nộp báo cáo SAR trong vòng 30 đến 60 ngày, tuy nhiên, báo cáo của ICIJ cho hay, trung bình nhiều ngân hàng tốn đến nhiều tháng hoặc nhiều năm để cảnh báo về các giao dịch khả nghi mà họ phát hiện.
ICIJ khẳng định, các ngân hàng thường gửi báo cáo về hoạt động đáng ngờ chỉ sau một giao dịch hay khách hàng trở thành chủ đề của một bài báo, hoặc nằm trong cuộc thăm dò của chính phủ. Trong khi đó, những khoản tiền này đã bị "tẩu tán" từ lâu.
“Nhân viên tuân thủ tại các ngân hàng lớn – thường xử lý khối lượng công việc lớn và thiếu nguồn lực, dựa vào những tìm kiếm cơ bản trên Google để tìm ra danh tính của những người đứng sau giao dịch đáng ngờ”, Theo ICIJ cho hay.