Nghị định 58/2012/NĐ-CP: Thị trường chứng khoán sẽ vận hành lành mạnh và minh bạch hơn
TCTC Online - Ngày 20/7/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hànhNghị định số 58/2012/NĐ-CPquy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Đây là văn bản quan trọng, là cơ sở cho một hành lang pháp lý đồng bộ để vận hành thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, bền vững và lành mạnh hơn.
Chi tiết hóa nhiều nội dung quan trọng
Ngày 1/7/2011, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua năm 2010 chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, một phần do chưa có các văn bản hướng dẫn, một phần bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán (TTCK) chưa cho phép áp dụng ngay nhiều nội dung của điều luật mới nên các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa sớm được áp dụng, triển khai.
Phải đến ngày 20/7/2012, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP (Nghị định 58) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán như về chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và TTCK, nhiều vấn đề quan trọng trong Luật mới được chính thức hóa bằng một văn bản pháp lý với những quy định cụ thể, chi tiết.
Trước hết, Nghị định 58 ra đời, là văn bản có tính nhất thể hóa, thay thế cho một loạt nghị định về TTCK của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trước đó, như Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định 84/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ. Không chỉ tập trung các văn bản hướng dẫn quy định thi hành Luật Chứng khoán trước đây về một mối, nhằm tăng cường tính thống nhất của các văn bản dưới luật và thuận tiện cho quá trình tra cứu, thực thi luật của các đối tượng liên quan, Nghị định 58 đã hướng dẫn chi tiết và đầy đủ các quy định của Luật Chứng khoán sửa đổi, mở rộng các quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của lĩnh vực chứng khoán và TTCK; mở rộng cánh cửa liên thông giữa TTCK Việt Nam với quốc tế... tạo điều kiện nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm mới, nghiệp vụ mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực.
Tại Mục 1, Chương 2 có nội dung về “chào bán chứng khoán”, điểm mới của Nghị định 58 là quy định với chào bán cổ phần riêng lẻ, Nghị định đã quy định tách biệt đối tượng doanh nghiệp chào bán cổ phần riêng lẻ, theo đúng tinh thần của Luật sửa đổi, bao gồm: Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần chưa đại chúng; Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi từ công ty TNHH thành công ty cổ phần; Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng. Sự tách biệt các đối tượng doanh nghiệp đã làm rõ thêm những quy định pháp lý với mỗi loại hình công ty khác nhau và những yêu cầu, thủ tục khác nhau trong thực hiện nghiệp vụ chào bán chứng khoán.
Tương tự, tại Mục 2, Chương 2 có nội dung về “chào bán chứng khoán ra công chúng”, điểm mới của Nghị định 58 là các trường hợp chào bán khác có tính chất đặc thù như chào bán ra công chúng để thành lập tổ chức tín dụng cổ phần,chào bán ra công chúng của cổ đông lớn trong công ty đại chúng, phát hành để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành hoán đổi cổ phần, chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài... đã được phân định và đưa vào điều chỉnh trong Nghị định. Nhằm giám sát việc sử dụng vốn huy động sau khi doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra công chúng, Nghị định 58 đã yêu cầu: Đối với trường hợp huy động vốn để thực hiện các dự án đầu tư, định kỳ 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán cho đến khi hoàn thành dự án, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) theo mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp vốn đang là một lĩnh vực “nóng” trên TTCK cũng được chi tiết hóa tại Điều 18, Mục 2, Chương 2 như: pháp nhân hợp nhất, sáp nhập phải có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên kể từ ngày thực hiện hợp nhất, sáp nhập và có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm đăng ký chào bán; Không có các khoản nợ quá hạn trên 1 năm đối với trường hợp chào bán trái phiếu ra công chúng… Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là loại hình trái phiếu doanh nghiệp (bằng VND) của các tổ chức tài chính quốc tế, cũng được làm rõ tại Điều 20, Mục 2, Chương 2. Nghị định quy định tổ chức quốc tế chào bán thành công trái phiếu ra công chúng phải sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ đợt chào bán cho các dự án tại Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổng số tiền huy động từ đợt chào bán tại Việt Nam không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án. Trường hợp vượt quá 30% phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước...
Một điểm mới của Nghị định 58 là các quy định trong việc niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài (Mục 3, từ Điều 27 đến Điều 32), kế thừa Nghị định 14/2007/NĐ-CP và Nghị định 84/2010/NĐ-CP nhằm tạo sự gắn kết giữa hoạt động phát hành và niêm yết chứng chỉ lưu ký trên sở giao dịch chứng khoán. Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành tại Việt Nam của tổ chức Việt Nam và trong quá trình sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán ra nước ngoài, định kỳ 06 tháng phải báo cáo UBCKNN về tiến độ sử dụng vốn.
Nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán
Tại Chương 5 “Đăng ký niêm yết giao dịch và các giao dịch bị cấm”, Điều 53, Nghị định 58 quy định điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán và có ít nhất 02 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết (ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết); tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết; tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính… Có tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… Tương tự, với chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Điều 54, Chương 5, Nghị định 58 quy định: Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên; Có ít nhất 01 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần; ROE năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; Đồng thời phải có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông phổ thông nắm giữ…
Đối với công ty niêm yết trái phiếu doanh nghiệp trên hai sàn chứng khoán cũng được Nghị định 58 quy định. Cụ thể, tại sàn HSX, Điều 54, Chương 5 quy định là công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết tối thiểu là 120 tỷ đồng; có lãi trong 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và phải có ít nhất 100 người sở hữu trái phiếu cùng một đợt phát hành… Điều kiện niêm yết trái phiếu doanh nghiệp trên sàn HNX thấp hơn khi chỉ là công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ đồng trở lên, tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán…
Được phép mở công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài
Các quy định về vốn và cổ đông, thành viên góp vốn tại tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng được chi tiết và cụ thể hóa tại Chương 6 của Nghị định 58 khi Điều 71 quy định vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán (CTCK) tại Việt Nam với nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng; Tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng; Bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng; Tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỷ đồng. Vốn pháp định của công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là 25 tỷ đồng. Đối với việc mua cổ phần các CTCK và thành lập CTCK mới 100% vốn nước ngoài, Nghị định 58 cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu 49% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động. Tổ chức nước ngoài chỉ được thành lập mới tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a,b,d Khoản 10 Điều này. Tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua để sở hữu 100% vốn của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp. Phải chịu sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành ở nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản về việc góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam…
Cũng tại Điều 84, Chương 6, phần giải thể công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, một trong những vấn đề khó và nhạy cảm trên thị trường tài chính cũng được điều chỉnh với những trường hợp sau: Hợp đồng quản lý đầu tư bị chấm dứt hoặc công ty quản lý quỹ bị giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động mà Hội đồng quản trị không xác lập được công ty quản lý quỹ thay thế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát sinh sự kiện; Hợp đồng giám sát bị chấm dứt hoặc ngân hàng giám sát bị giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán mà hội đồng quản trị và công ty quản lý quỹ không xác lập được ngân hàng giám sát thay thế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát sinh sự kiện; Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép thành lập và hoạt động mà không được gia hạn;
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công ty đầu tư chứng khoán đại chúng buộc phải giải thể theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này, hội đồng quản trị công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có trách nhiệm triệu tập đại hội đồng cổ đông để thông qua quyết định giải thể công ty. Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán đại chúng được chỉ định một tổ chức kiểm toán đánh giá lại tài sản và giám sát toàn bộ quá trình thanh lý tài sản, giải thể công ty. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày đại hội đồng cổ đông ra quyết định giải thể công ty, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải gửi UBCKNN hồ sơ đề nghị chấp thuận mở thủ tục giải thể công ty như: Giấy đề nghị giải thể công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; Biên bản họp kèm theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể công ty; Phương án xử lý các nghĩa vụ nợ và tài sản kèm theo danh sách chủ nợ bao gồm tên, địa chỉ của chủ nợ, loại nợ, số nợ của từng chủ nợ, cơ cấu tài sản của công ty và lộ trình bán thanh lý tài sản. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ về giải thể công ty, UBCKNN có văn bản chấp thuận việc mở thủ tục thanh lý, giải thể của công ty đầu tư chứng khoán, đại chúng. Trường hợp từ chối, UBCKNN phải từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trình tự, thủ tục giải thể công ty đầu tư chứng khoán đại chúng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nghị định 58 còn quy định thêm một số nội dung quan trọng với công ty đại chúng niêm yết trên TTCK như tại Khoản 2 Điều 60, quy định các điều khoản nếu doanh nghiệp muốn hủy niêm yết (không bắt buộc). Theo đó, các DN này chỉ được hủy niêm yết nếu đại hội cổ đông có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải cổ đông lớn chấp thuận và chỉ được hủy niêm yết sau 2 năm kể từ ngày đầu giao dịch; tổ chức niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ khi hủy bỏ niêm yết nếu đáp ứng được các điều kiện.