Nghịch lý của lãi suất cơ bản và lãi suất cho vay
(Tài chính) Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã nâng giới hạn đối với mức lãi suất cho vay cao nhất từ cao hơn 150% lên không quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Quy định này được lý giải là để tạo sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi. Nhưng rõ ràng, trong những năm vừa qua, dù lãi suất cơ bản thường ít thay đổi, thì lãi suất cho vay thực tế lại thay đổi nhiều lần và cao hơn rất nhiều so với lãi suất cơ bản, trái với quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Điều 476 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Nếu áp dụng đúng với quy định này, thì từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay không được qúa 13,5%/năm, vì lãi suất cơ bản được duy trì ở mức 9%/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính, hợp tác xã tín dụng...) lại không bị giới hạn (trừ vài lĩnh vực áp dụng lãi suất ưu đãi). Lãi suất ngân hàng có khi lên đến 30-40%, thậm chí 60-70%/năm hoặc cao hơn cũng vẫn hợp pháp. Vì vậy, ngay cả khi dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nâng trần lãi suất cho vay từ cao hơn 150% lên 200%, thì nhiều ý kiến vẫn cho rằng chưa hợp lý. Bởi lãi suất cho vay áp dụng thực tế hiện nay cao hơn nhiều lần so với mức 200% được dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra.
Vậy, vì sao các tổ chức tín dụng có thể cho vay ở lãi suất thực cao hơn nhiều so với quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành mà vẫn không bị xác định là vi phạm luật, trong khi, các giao dịch kinh tế, dân sự giữa các cá nhân và pháp nhân khác thì phải chịu giới hạn này và nếu vượt trên 135%/năm thì có dấu hiệu phạm tội cho vay lãi nặng?
Có thể thấy, vai trò của lãi suất cơ bản trong điều chỉnh lãi suất cho vay thực tế bị mất là do Luật Các tổ chức tín dụng quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Về lý thì mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng cũng phải nằm trong giới hạn của Bộ luật Dân sự, tức là có quyền thỏa thuận lãi suất nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, với công cụ thỏa thuận lãi suất này và các biện pháp lách luật khác (phí dịch vụ), thì các ngân hàng thương mại vẫn có thể áp dụng mức lãi suất cho vay thực tế cao hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật Dân sự.
Như vậy, lãi suất thực tế trong nhiều năm nay quá khác biệt với quy định của luật. Trong khi đó, trần lãi suất cho vay phi ngân hàng quá thấp; lãi suất cho vay của ngân hàng không có giới hạn; còn lãi suất quá hạn thì quá cao, gây bất lợi cho người có nghĩa vụ trả nợ, nhất là đối với các trường hợp khó khăn. Bên cạnh đó, do lãi suất phải trả trong trường hợp chậm thi hành án thì lại quá thấp.
Dù trước đó, bên vay tiền phải trả lãi suất quá hạn hợp pháp là 22,5%/năm (13,5% + 9%) hay cao hơn, thì khi chậm thi hành án cũng chỉ phải chịu lãi suất 9%/năm. Mức này thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất nợ trong hạn. Điều này vô hình trung đã khuyến khích con nợ chây ỳ, càng kéo dài thời hạn trả nợ càng tốt.
Hiện nay, bên cạnh quan điểm đồng tình với việc nâng giới hạn của lãi suất theo thỏa thuận lên mức 200% so với lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, thì cũng có ý kiến đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể.
Bởi lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường, không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không.
Vì thế, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự trên thực tế. Nhưng rõ ràng, nếu áp dụng một mức lãi suất trần thì rất dễ phải sửa đổi thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế nước ta.
Theo phương án nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, nhưng cần lưu ý, ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, lãi suất cơ bản chỉ mang tính định hướng cho thị trường, không có ràng buộc nào với các ngân hàng thương mại, khác với nước ta đây được coi là mệnh lệnh hành chính. Ngân hàng Trung ương tại các quốc gia này sẽ can thiệp để đạt được mức lãi suất định hướng bằng các công cụ thị trường nhằm tiến tới mức lãi suất định hướng.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần đề xuất dỡ bỏ giới hạn lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ bản, vì thấy rõ tác dụng rất ít. Bởi vậy, khi hoàn chỉnh dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), điều phải thống nhất trước tiên là không nên coi lãi suất cơ bản là cây đũa thần, hãy xác định công cụ này đúng nghĩa và có cách tính như nhiều quốc gia đang sử dụng (lãi suất trung bình của một số ngân hàng quan trọng).