Nhìn lại hiệu quả của các giải pháp cắt giảm thời gian nộp thuế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo tính toán của Tổng cục Thuế, những thay đổi về thủ tục hành chính thuế vừa qua đã giúp giảm gần 290 giờ kê khai và nộp thuế cho doanh nghiệp, ước tính tiết kiệm được khoảng hơn 3.000 tỷ đồng/năm cho xã hội. Vậy đến thời điểm này, hiệu quả của các giải pháp giúp giảm thời gian nộp thuế mang lại hiệu quả như thế nào? Phó vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng Cục Thuế Hoàng Thị Lan Anh trao đổi về nội dung này.

Nhìn lại hiệu quả của các giải pháp cắt giảm thời gian nộp thuế - Ảnh 1
Bà Hoàng Thị Lan Anh
P
hóng viên: Thưa bà, Thông tư 119/2014 của Bộ Tài chính dự kiến giảm hơn 200 giờ. Nghị định 91/2014 của Chính phủ giảm gần 90 giờ thời gian kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp. Động thái mạnh mẽ này đang thể hiện hoặc nói lên điều gì? 

Bà Hoàng Thị Lan Anh: Công tác cải cách hành chính thuế cũng như cải cách thủ tục hành chính luôn được Tổng cục Thuế ưu tiên quan tâm hàng đầu cùng với nhiệm vụ quản lý thu ngân sách nhà nước. Có thể nói năm 2014 là năm có dấu ấn đặc biệt đối với cải cách hệ thống thuế, chúng tôi đang thực hiện mục tiêu kép về cải cách hành chính thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Ngành thuế đang phấn đấu cải cách để giảm số giờ tuân thủ thuế của doanh nghiệp theo đánh giá của WB-IFC từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm theo Nghị quyết số 19/2014 của Chính phủ; đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 trở thành một trong năm nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế.

Thưa bà, đó là cảm nhận của doanh nghiệp. Còn về phía Tổng cục Thuế, đã có đánh giá nào về số giờ kê khai nộp thuế giảm hay chưa và giảm ở mức độ nào, có đạt mục tiêu ban đầu đề ra hay không?

Qua nghiên cứu, tìm hiểu việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng, nguyên nhân của số giờ tuân thủ thuế của doanh nghiệp cao là do còn nhiều những quy định khác biệt trong chính sách thuế và kế toán doanh nghiệp, làm cho kế toán doanh nghiệp phải lập thêm những sổ sách, ghi chép, theo dõi những khoản mục về doanh thu, chi phí… mà chỉ phục vụ cho mục đích thuế; hoặc một số những quy định về mẫu biểu, tờ khai thuế còn có nhiều phụ lục kèm theo, còn những thông tin trùng lặp… Vì thế, những sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp quy vừa qua, không chỉ cải cách về thủ tục hành chính, mà còn sửa đổi cả các quy định về chính sách, đơn giản hóa rất nhiều các quy định về chính sách thuế, đặc biệt là đối với việc khấu trừ thuế GTGT và các khoản chi phí được trừ đối với thuế TNDN.

Do đó, có thể nói với những nội dung sửa đổi, bổ sung cả về chính sách và thủ tục như vậy, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều. Theo như tính toán của Tổng cục Thuế thì số giờ tuân thủ thuế của doanh nghiệp giảm khoảng 290 giờ/năm; đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra là đến cuối năm 2014 giảm được 50% số giờ tuân thủ thuế, và đến cuối năm 2015 thì đạt bằng mức các nước ASEAN - 6.  

Với những quy định tại Thông tư 119 và Thông tư 151, theo bà, những sửa đổi nào mang lại cải cách, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp nhiều nhất?

Theo như tính toán của WB-IFC, trong số 537 giờ tuân thủ thuế, thời gian để chuẩn bị kê khai thuế chiếm phần lớn và cao hơn nhiều các nước trong khu vực, trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp phải điều chỉnh những khác biệt trong quy định của kế toán doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của thuế. Ví dụ như để kê khai đúng thuế GTGT, doanh nghiệp phải rà soát các hóa đơn GTGT đầu vào, phải nhập các thông tin chưa có theo quy định của kế toán (như ký hiệu mẫu hoá đơn, ký hiệu hóa đơn, mặt hàng); phải rà soát, kê khai các hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ; rà soát, ghi chép và điều chỉnh các khoản thanh toán không dùng tiền mặt vào cột ghi chú trên bảng kê, rà soát các khoản thanh toán không dùng tiền mặt để điều chỉnh thuế các khoản thanh toán trên 20 triệu không thanh toán qua ngân hàng…

Việc đơn giản hóa, cắt giảm các chỉ tiêu trên tờ khai thuế và mẫu biểu phụ lục như vậy, liệu Tổng cục Thuế có lo ngại rằng sẽ không quản lý được thuế, gây thất thu ngân sách hay không?

Việc đơn giản hóa mẫu biểu thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý thuế đã được Tổng cục Thuế nghiên cứu từ nhiều năm trước, và khi đưa ra các đề xuất báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ về những cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi cũng đã phải tính đến các yếu tố quản lý. Có thể nói, đằng sau sự đơn giản hóa về chính sách thuế, mẫu biểu, hồ sơ khai thuế là sự chuyển đổi rất lớn về kỹ thuật quản lý của cơ quan thuế.

Việc cải cách thủ tục hành chính thuế đem lại lợi ích cho doanh nghiệp như vậy, theo bà tại sao Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính không thực hiện điều này sớm hơn?  

Tôi cho rằng việc gì cũng phải có thời điểm, và sự thay đổi sẽ xảy ra khi đã hội đủ các điều kiện cần thiết. Để có được những kết quả như hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu, theo đuổi mục tiêu đơn giản hóa về chính sách, thủ tục thuế để giảm giờ cho doanh nghiệp từ khoảng 5 năm nay. Đến nay thì cơ sở hạ tầng, dữ liệu thông tin của ngành thuế đã có thể giúp cho việc phân tích, xây dựng tiêu chí đánh giá để cơ quan thuế quản lý theo  rủi ro.

Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với cơ quan BHXH và các cơ quan có liên quan để tiếp tục rà soát, đánh giá; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế để đề xuất cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế nhằm giảm được số giờ nộp thuế của Việt Nam đến hết năm 2015 xuống ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN - 6 là 171 giờ.

Xin cám ơn Bà!