Thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải kiên quyết và có lộ trình

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trao đổi về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liệu) cho rằng, khi xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là yêu cầu cần thiết thì các bước đi, cách làm phải kiên quyết và có lộ trình. Chỉ có như vậy, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới mang lại lợi ích cho toàn xã hội nói chung và lợi ích cho đầu tư công nói riêng.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tiết kiệm trong đầu tư công?

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải kiên quyết và có lộ trình - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong lao động, sản xuất và đời sống, thu được những kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề ngân sách nhà nước. Cùng với đó là tăng trưởng không đạt như kế hoạch đề ra, nguồn thu tiếp tục hụt so với dự toán thu chi ngân sách; trong chi tiêu công, chi thường xuyên chiếm đến hơn 70% tổng chi ngân sách nhà nước. Đây là một áp lực rất nặng cho việc chi tiêu. Do vậy, việc tiết kiệm đặt ra là rất cần thiết. Nhưng vấn đề tiết kiệm ở đây cần được hiểu theo đúng nghĩa của nó là phải tiết kiệm trong những chi tiêu không tạo ra động lực tăng trưởng.

Còn về đầu tư công, theo quan điểm của tôi thì nên dành vốn ngân sách nhà nước cũng như các nguồn lực khác để đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng trước mắt cũng như dài hạn. Riêng khái niệm tiết kiệm trong đầu tư công, cần phải làm rõ một số điểm.

Thứ nhất, tránh đầu tư dàn trải mà cần tập trung cho những vùng, những công trình dự án sẽ tạo động lực để sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và phục vụ bảo đảm an sinh xã hội trong các vùng kinh tế khó khăn.

Thứ hai
, trong các khâu thực hiện đầu tư công cần hết sức quan tâm đến định mức kinh tế kỹ thuật, tất cả các khâu trong đầu tư cần được siết chặt và chủ đầu tư có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra để làm như thế nào cho đầu tư công không lãng phí.

 Thứ ba, làm sao giám sát thực hiện đầu tư để bảo đảm cho công trình thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng công trình cao nhất.

Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Vậy, theo Đại biểu, làm thế nào để những quy định trong luật giúp ích cho việc thực thi hiệu quả, nhất là trong việc tiết kiệm đầu tư công hiện nay?

Theo tôi, thực hành tiết kiệm chống lãng phí không phải chỉ có ý nghĩa trong đầu tư công, chi tiêu công mà còn cả ý nghĩa trong toàn xã hội, vì vậy vấn đề quan trọng ở đây là tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để có tính khả thi sát với thực tế hơn, bảo đảm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện một cách thực sự, có hiệu quả.

Với việc quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; công khai và tổ chức thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; căn cứ để kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp với tình hình và cơ chế chính sách hiện nay…

Đồng thời, quan trọng hơn là việc tổ chức thực hiện. Nếu khi xác định thực hành tiết kiệm chống lãng phí là yêu cầu cần thiết thì các bước đi, cách làm phải kiên quyết và có lộ trình. Chỉ có như vậy, việc thực hiện và kết quả của thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới mang lại lợi ích cho toàn xã hội nói chung và lợi ích cho đầu tư công nói riêng.

Theo đại biểu, để bảo đảm tính khả thi thì các nội dung trong luật nên được thiết kế như thế nào?

Theo tôi, việc quy định rõ các tiêu chuẩn, định mức, các tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm của từng cơ quan đơn vị là cần thiết để bảo đảm tính khả thi của luật trong thực tế. Luật pháp là khung pháp lý, trong đó cần ưu tiên quy định các định mức, tiêu chí rõ ràng để làm căn cứ đánh giá như thế nào là lãng phí, đã đạt các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm chưa, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trên cơ sở phân cấp quản lý như thế nào...

Hơn nữa, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiện hành, các quy định về xây dựng cơ bản có định mức tương đối tốt, nhưng trong chi tiêu thường xuyên vẫn còn nhiều định mức chưa thật hợp lý.

Trong dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) lần này, tôi thấy các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã thỏa mãn được yêu cầu. Có thể nói, việc quy định rõ các tiêu chuẩn, định mức sẽ góp phần khắc phục những hạn chế của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành và sẽ trở thành hành lang pháp lý bảo đảm cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả.

Xin cảm ơn đại biểu!