Bộ Tài chính:
Nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng việc đấu giá biển số xe
Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 410/BTC-QLCS trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về việc đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, quy định cụ thể về việc đấu giá biển số xe để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cử tri TP. Hà Nội cho rằng, hiện nay việc sử dụng biển số xe đẹp là nhu cầu của một bộ phận người dân, tuy nhiên do chưa có quy định về việc đấu giá biển số xe nên dẫn đến tình trạng thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong đó quy định cụ thể về việc đấu giá biển số xe để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã bổ sung kho số phục vụ quản lý nhà nước (trong đó có biển số xe ô tô) vào danh mục các loại tài sản công (tài nguyên). Tuy nhiên, việc khai thác kho số là một nội dung mới liên quan chặt chẽ tới công tác quản lý nhà nước về tài nguyên; vì vậy, tại Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về việc khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước (số xe, tàu, thuyền, máy bay, căn cước công dân, hộ chiếu, ...) phù hợp chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã quy định rõ 3 hình thức khai thác kho số bao gồm:
Thứ nhất, thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
Thứ hai, thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước;
Thứ ba, hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước là khoản tiền các tổ chức, cá nhân phải trả cho Nhà nước (ngoài phí, lệ phí theo quy định) khi được cấp quyền sử dụng đối với những đầu số, dãy số đặc biệt trong kho số phục vụ quản lý nhà nước và việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện thông qua các hình thức: Đấu giá, niêm yết giá.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan trung ương được giao quản lý nhà nước đối với kho số có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định về hình thức thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số, xác định giá khởi điểm để đấu giá, xác định giá niêm yết, lộ trình thực hiện và các nội dung cần thiết khác để thực hiện việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan trung ương.
Theo đó, Bộ Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với biển số xe; vì vậy, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định về hình thức thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe, xác định giá khởi điểm để đấu giá, xác định giá niêm yết, lộ trình thực hiện và các nội dung cần thiết khác để thực hiện việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đấu giá biển số xe ô tô cho phù hợp với thực tế.
Bộ Tài chính ủng hộ việc đấu giá biển số xe để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc cấp quyền sử dụng biển số xe. Tuy nhiên, biển số xe ô tô là công cụ để quản lý trật tự xã hội. Do đó, trước hết phải giải quyết được vấn đề quản lý nhà nước (hiện nay, biển số xe ô tô được gắn với 1 xe ô tô). Mặt khác, đây là vấn đề mới, vì vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định áp dụng vào thực tế.
Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu Đề án đấu giá biển số xe, nguồn thu được sẽ nộp ngân sách Nhà nước. Vừa qua Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng đã kết luận sẽ trình Chính phủ xem xét và ra Nghị quyết. Sau khi có Nghị quyết thì Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án đấu giá biển số xe.