Bộ Tài chính kiến nghị chấn chỉnh việc giải ngân vốn đầu tư công


Theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2019, bên cạnh các bộ, ngành có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao, vẫn còn có 33 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%; trong đó có 11 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019 mới đạt 16,45%.
Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019 mới đạt 16,45%.

11 bộ, ngành chưa giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019. Theo đó, ước giải ngân thanh toán 4 tháng đầu năm nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng, đạt 16,45% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,67% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 67.361,932 tỷ đồng, đạt 18,24% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 19,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Tài chính, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019 các bộ, ngành và địa phương có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 16,27% kế hoạch Quốc hội giao và 16,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tuy nhiên, số liệu giải ngân này vẫn chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt giải ngân vốn ngoài nước chỉ là 1.186,565 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Bên cạnh các bộ, ngành có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao, vẫn còn có 33 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%; trong đó có 11 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

Đối với nguồn vốn trong nước, kế hoạch vốn đầu tư nguồn Ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1, theo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phân bổ trước 30/1/2019. Tuy nhiên, đến hết tháng 2, các bộ, ngành trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis nên việc triển khai thanh toán chậm.

Tại một số dự án khởi công mới, các chủ đầu tư mới đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế hoặc đang hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế dự án, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để giải ngân.

Ngoài ra còn có nguyên nhân do việc chuyển giao một số Tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, vì vậy kế hoạch vốn năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải đến nay chưa thể giải ngân được.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, việc giải ngân thấp là do kế hoạch 2019 đến 31/01/2019 mới giao. Sau đó các bộ, ngành, địa phương mới phân bổ cho từng dự án nên kế hoạch vốn 2019 chỉ thực sự được giải ngân từ tháng 3/2019.

Đa số các dự án vẫn tiếp tục giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2018, đang hoàn thiện hồ sơ để được kiểm soát chi, rút vốn theo kế hoạch 2019...

Kiến nghị giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như: Đối với số vốn đầu tư nguồn Ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2019 còn lại Thủ tướng Chính phủ chưa giao, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 4 mục II Chỉ thị số 09/CT-TTg.

Thứ nhất, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình cấp thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ hai, đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, thu hồi về Trung ương số vốn còn lại của kế hoạch năm 2019 đến 31/3/2019 chưa phân bổ cho dự án cụ thể.

Thứ ba, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phân bổ chưa đúng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện rà soát, điều chỉnh, đảm bảo giao kế hoạch đúng quy định.

Thứ tư, các địa phương cũng cần chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế, dự toán, các thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu đối với các dự án khởi công mới. Đồng thời, đôn đốc chỉ đạo chủ đầu tư có những dự án khởi công mới chưa đến mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước thì đẩy nhanh tiến độ đấu thầu và ký hợp đồng gửi tới Kho bạc Nhà nước để giải ngân.

Thứ năm, Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chấp hành nghiêm túc quy định về chế độ báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; trong đó đề nghị cập nhật, báo cáo đầy đủ những khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án….