Bộ Tài chính trả lời cử tri về tình hình bội chi ngân sách, nợ công
Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi đến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV liên quan đến tình hình bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công.
Gửi kiến nghị đến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cắt giảm các khoản chi không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc quản lý và sử dụng NSNN, tình trạng nợ công; xem xét trách nhiệm cụ thể đối với các ngành, địa phương để xảy ra tình trạng bội chi.
Kiểm soát bội chi ngân sách dưới 4% GDP
Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật NSNN, bội chi NSNN bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách trung ương; Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương.
Trong giai đoạn 2011-2015, do nhu cầu chi ngân sách theo các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chi cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, chi thực hiện mục tiêu giảm nghèo...; kết hợp với việc giảm nhanh các nghĩa vụ thuế nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trước các tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quốc hội đã quyết định dự toán bội chi NSNN năm 2011, 2014 ở mức tương đối cao (tương đương 5,3% GDP).
Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội các biện pháp quản lý chặt chẽ NSNN, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng NSNN, tình trạng nợ công; đồng thời tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế...
Ngoài ra, do giải ngân nguồn vốn ODA vượt dự toán và quy mô GDP theo giá thực tế một số năm không đạt kế hoạch, nên bội chi NSNN thực hiện cao hơn dự toán Quốc hội quyết định. Tính bình quân, bội chi cả giai đoạn 2011-2015 là 5,7% GDP (Theo Luật NSNN năm 2015 là 5,4% GDP).
Những năm gần đây, triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, nợ công, bảo đảm nền tài chính an toàn, bền vững; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia 2016-2020, với mục tiêu giảm mức bội chi NSNN giai đoạn 05 năm 2016-2020 không quá 3,9% GDP, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội các biện pháp quản lý chặt chẽ NSNN, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng NSNN, tình trạng nợ công; đồng thời tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế...
Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Ở khâu dự toán, chi thường xuyên một số lĩnh vực được khống chế ở mức bằng hoặc thấp hơn năm trước; yêu cầu các bộ, ngành tự làm lương; chủ động sắp xếp, điều chuyển xe công giữa các đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất kinh phí mua xe công.
Từ năm 2017, đưa tối đa các khoản chi thường xuyên chung của các Bộ, cơ quan trung ương vào định mức nhằm phân bổ ngân sách công bằng hơn, hạn chế xin - cho; thực hiện giảm một phần kinh hỗ trợ các lĩnh vực giáo dục, y tế theo lộ trình kết cấu chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công (lũy kế năm 2017-2019, đã cắt giảm gần 3.500 tỷ đồng chi thường xuyên NSNN trên cơ sở thực hiện lộ trình tăng giá, phí lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực y tế.
Riêng năm 2019, triển khai các Nghị quyết số 18 và số 19 Hội Nghị Trung ương 6, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp thẩm quyền đề nghị các bộ, ngành, địa phương dành ra trên 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cơ cấu lại chi ngân sách....
Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm kinh phí, giảm tối đa hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, đoàn ra, đoàn vào; không ban hành chính sách chi khi không có nguồn lực đảm bảo; hạn chế tối đa bổ sung dự toán, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nguồn NSNN hàng năm theo đúng quy định của Luật NSNN.
Đối với chi đầu tư, đã triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn đầu tư trong phạm vi khả năng nguồn lực 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt.
Với những giải pháp đã thực hiện, bình quân 03 năm 2016-2018, bội chi NSNN đã được kiểm soát ở mức dưới 4% GDP; năm 2018 đánh giá dưới 3,6% GDP. Bộ Tài chính đã và đang tham mưu các cấp thẩm quyền điều hành để đảm bảo năm 2019-2020 bội chi NSNN tiếp tục giảm, giữ mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,8- 3,9% GDP, thấp hơn so với mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Cơ cấu lại, giảm tốc độ tăng nợ công
Về nợ công, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), siết chặt công tác quản lý và giám sát nợ công theo nguyên tắc thị trường, thống nhất với quản lý NSNN, quản lý đầu tư công, quản lý tài sản công; tăng cường quản lý, kiểm soát các khoản vay về cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh; tăng cường công khai, minh bạch...
Trong 03 năm 2016-2018, Bộ Tài chính đã nỗ lực giảm tốc độ tăng nợ công xuống còn khoảng 8,2% so với mức bình quân 18,1% giai đoạn 2011-2015; giảm tỷ lệ nợ công từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 61% GDP cuối năm 2018.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, tăng các khoản vay trong nước, giảm vay ngoài nước; kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP (năm 2018 bình quân là 12,63 năm, tăng 5,67 năm so với năm 2015), giảm dần lãi suất vay (bình quân năm 2018 là 4,67%), qua đó giảm các rủi ro về lãi suất, tỷ giá, thanh khoản, góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.