Nghiên cứu kỹ thuật chi phí trong kế toán quản trị chiến lược
Bài toán chi phí luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với bất kỳ nhà quản trị nào trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Việc tối ưu quy trình quản lý chi phí là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến thành công của DN. Trong đó, hoạt động KTQT chiến lược chi phí đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm tăng tính hiệu quả trong quản trị chi phí, góp phần gia tăng giá trị và đẩy mạnh lợi thế kinh doanh cho DN. Trên cơ sở thu thập, tổng hợp, phân tích các tài liệu liên quan, tác giả trình bày tổng quan về KTQT chiến lược chi phí và kỹ thuật chi phí trong KTQT chiến lược.
Tổng quan về kế toán quản trị chiến lược chi phí
Quan niệm về kế toán quản trị chiến lược chi phí
Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về KTQT chiến lược chi phí. Theo Guilding, C. và Pike, R. (1994), KTQT chiến lược chi phí cung cấp thông tin về chi phí của DN trong quá trình hoạt động phục vụ cho nhà quản trị lập chiến lược giảm chi phí và kiểm soát chi phí theo những dự tính của chiến lược chi phí mà DN đã đưa ra.
Nghiên cứu của Hitt, M.A. Ireland, R.D. và Hoskisson, R. E (2007) cho rằng, KTQT chiến lược chi phí là một bộ phận quan trọng của KTQT chiến lược, thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin chi phí của DN phục vụ nhà quản trị hoạch định chiến lược chi phí và kiểm soát hiệu quả của chiến lược chi phí. Theo tác giả này, chiến lược chi phí của DN là một bộ phận quan trọng trong chiến lược của DN nên KTQT chiến lược chi phí cũng là một bộ phận cấu thành của chiến lược kinh doanh. Chiến lược chi phí thường đề cập đến vấn đề tối thiểu hóa chi phí, mức chi phí đảm bảo cho hoạt động kinh doanh trong dài hạn và phương án kiểm soát chi phí hiệu quả nhất, khi đó thường sử dụng phương pháp Kaizen để cắt giảm chi phí phù hợp.
Theo Ngô Thế Chi, Đinh Thị Kim Xuyến (2022), KTQT chiến lược chi phí là một bộ phận cấu thành không thể thiếu được của KTQT chiến lược, thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về chi phí cho nhà quản trị hoạch định chiến lược chi phí, kiểm soát chi phí và đánh giá hiệu quả của chiến lược chi phí.
Theo Accounting Tools (2023), quản lý chi phí chiến lược là quá trình giảm tổng chi phí đồng thời nâng cao vị thế chiến lược của DN. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách hiểu rõ chi phí nào hỗ trợ vị trí chiến lược của DN và chi phí nào làm suy yếu vị trí đó hoặc không có tác động. Do vậy, KTQT chiến lược chi phí sẽ giúp nhà quản trị hiểu rõ các vai trò của các loại chi phí, từ đó tăng chi phí hỗ trợ vị trí chiến lược của DN.
Quan niệm về kỹ thuật chi phí
Theo nghiên cứu của Cadez và Guilding (2008), DN xác định được chiến lược nói chung và chiến lược chi phí nói riêng hiệu quả thì có thể tạo sự phát triển và tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách sử dụng thông tin chi phí dựa trên thông tin chiến lược và marketing.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Sương (2020) cho rằng, hệ thống thông tin KTQT chiến lược được sử dụng để thu thập, xử lý phân tích thông tin cần thiết cho việc hoạch định, ra quyết định, kiểm soát chiến lược của nhà quản trị. Do đó, kỹ thuật chi phí đóng góp vào việc cung cấp dữ liệu cho việc quản trị chiến lược của nhà quản trị thông qua việc cung cấp thông tin có cấu trúc đa chiều và sử dụng cả thước đo tài chính và phi tài chính để đánh giá thành quả hoạt động.
Vai trò của kế toán quản trị chiến lược chi phí trong hoạt động của DN
Với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, KTQT chiến lược chi phí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về chi phí của DN nhằm giúp nhà quản trị thực hiện toàn diện các chức năng quản trị. Nghiên cứu của Ngô Thế Chi, Đinh Thị Kim Xuyến (2022) cũng cho rằng, KTQT chiến lược chi phí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin để đáp ứng các yêu cầu sau:
- Thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về lợi thế cạnh trạnh, phục vụ nhà quản trị hoạch định chiến lược cạnh tranh phù hợp, đảm bảo lợi thế trên thương trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
- Phân bổ chi phí chung cho các sản phẩm sản xuất khác nhau hay phân bổ chi phí giữa giá vốn hàng bán và hàng tồn kho. Khi DN sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm khác nhau, có những chi phí tập hợp được trực tiếp, có những chi phí chung liên quan đến nhiều sản phẩm. Các chi phí này cần được phân bổ cho từng loại sản phẩm. Hoặc trong kinh doanh mua bán hàng hóa, ngay cả những chi phí liên quan đến hàng bán và hàng tồn kho cũng cần được xác định rõ ràng. Thông thường KTQT chiến lược chi phí mới có thể đáp ứng được thông tin bằng việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp cho nhà quản trị.
- Thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về chi phí giúp nhà quản trị hoạch định chiến lược kinh doanh trên cơ sở giảm đến mức thấp nhất chi phí kinh doanh. KTQT chiến lược chi phí thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về chi phí của các hoạt động mang tính chiến lược dài hạn, giúp cho nhà quản trị có cơ sở tin cậy đưa ra được quyết định quản trị chi phí tối ưu.
- Thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho việc kiểm soát và đo lường hiệu quả công tác quản trị chiến lược chi phí trong DN. Chẳng hạn, tùy theo mục đích sử dụng thông tin mà KTQT chiến lược chi phí sẽ cung cấp thông tin phù hợp. Với quyết định liên quan đến định giá bán sản phẩm, thông tin chi phí cần cung cấp là biến phí, định phí, chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp và các phương pháp phân bổ chi phí hợp lý.
Áp dụng kỹ thuật chi phí trong kế toán quản trị chiến lược
Trong hoạt động của DN, KTQT chiến lược chi phí cần phải sử dụng kỹ thuật phù hợp để có thể góp phần vào việc cung cấp dữ liệu cho nhà quản trị trong việc quản trị chiến lược chi phí. Các kỹ thuật áp dụng trong KTQT chiến lược chi phí bao gồm: (i)Kỹ thuật chi phí; (ii) Lập kế hoạch, kiểm soát và đo lường thành quả; (iii) Quyết định chiến lược; (iv)Đánh giá chi phí của đối thủ cạnh tranh. Bài viết này, chỉ tập trung phân tích về kỹ thuật chi phí trong KTQT chiến lược. Theo đó, kỹ thuật chi phí trong KTQT chiến lược được xác định bao gồm các kỹ thuật cốt lõi dưới đây:
Một là, chi phí thuộc tính (Attribute costing): Chi phí thuộc tính là chi phí phát sinh, nhằm lựa chọn cải tiến thuộc tính của sản phẩm. Theo Guilding và cộng sự (2000) các thuộc tính bao gồm: sự hài lòng, độ tin cậy, phương pháp bảo hành, mức độ hoàn thiện, cũng như các yếu tố dịch vụ sau bán hàng, phân biệt các sản phẩm và sự kết hợp thuộc tính sản phẩm với thị hiếu người tiêu dùng xác định được thị phần của một công ty. Một số nghiên cứu cũng cho rằng, kỹ thuật chi phí thuộc tính phụ thuộc chủ yếu vào ý tưởng sản phẩm, bởi các khách hàng thường rất quan tâm đến thuộc tính và tính chất thương phẩm của sản phẩm.
Hai là, kế toán chi phí theo hoạt động (Activities Based Costing – ABC): Nghiên cứu của Horngren và cộng sự (2003) cho rằng, kế toán chi phí dựa trên hoạt động là sự cải tiến của phương pháp kế toán chi phí truyền thống tập trung vào các hoạt động cụ thể như các đối tượng chịu phí cơ bản. Phương thức kế toán này tập hợp chi phí cho từng hoạt động và phân bổ chi phí đến từng sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên hoạt động được tiêu dùng bởi sản phẩm hay dịch vụ đó. Chi phí dựa trên hoạt động là một phương pháp kế toán ấn định chi phí cho các hoạt động hơn là sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này cho phép các nguồn lực và chi phí chung, được phân bổ chính xác hơn cho các sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ chúng. Hệ thống chi phí truyền thống phân bổ chi phí dựa trên lao động trực tiếp, chi phí nguyên vật liệu, doanh thu hoặc các phương pháp đơn giản khác. Kết quả là, các hệ thống truyền thống có xu hướng chi phí quá cao cho các sản phẩm, dịch vụ và khách hàng có khối lượng lớn, khối lượng thấp với chi phí thấp.
Ba là, chi phí vòng đời sản phẩm (Life cycle costing – LCC): Nghiên cứu của Wilson (1994) cho rằng, chi phí vòng đời sản phẩm là tất cả những chi phí dự tính liên quan đến sản phẩm từ khi mua nguyên vật liệu, sản xuất sản phẩm đến khi sản phẩm được bán ra trên thị trường trong các giai đoạn cao trào và thoái trào. Các chi phí của từng giai đoạn này được tổng hợp lại để xác định chi phí cho vòng đời sản phẩm. Jagtap (2013) cho rằng, chi phí vòng đời sản phẩm là phương pháp ước tính tất cả các chi phí liên quan đến mua sắm, duy trì và cuối cùng là xử lý sản phẩm trong suốt vòng đời của sản phẩm. Việc đánh giá không chỉ phụ thuộc vào chi phí hàng năm, khung thời gian liên quan đến vòng đời của sản phẩm mà còn phụ thuộc vào từng giai đoạn của vòng đời sản phẩm. Như vậy, chi phí vòng đời nhằm tính toán tổng chi phí một sản phẩm trong suốt vòng đời của nó, từ thiết kế đến suy giảm, thông qua quá trình giới thiệu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Nhìn chung, chi phí vòng đời sản phẩm có liên quan đến quy trình kỹ thuật hệ thống và liên quan đến việc đánh giá tất cả các chi phí trong tương lai liên quan đến vòng đời của hệ thống.
Bốn là, chi phí mục tiêu (Target costing – TC): Theo Guilding và công sự (2000), chi phí mục tiêu được xác định cho sản phẩm và được thực hiện chủ yếu trong quá trình phát triển và thiết kế các quy trình của quá trình sản xuất. Kỹ thuật chi phí mục tiêu đề cập đến quá trình một sản phẩm được thiết kế, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chi phí mục tiêu được xác định cho sản phẩm và được thực hiện chủ yếu trong quá trình phát triển và thiết kế các quy trình của quá trình sản xuất. Chi phí mục tiêu bao gồm việc lập kế hoạch chi phí trong giai đoạn thiết kế sản xuất cũng như kiểm soát chi phí trong suốt vòng đời sản phẩm. Trọng tâm của chi phí mục tiêu không phải là giảm thiểu chi phí, mà là đạt được mức giảm chi phí mong muốn.
Năm là, chi phí chất lượng (Quality costing): Là những chi phí liên quan đến việc ngăn chặn, phát hiện và giải quyết các vấn đề về chất lượng trong một sản phẩm. Hoặc là những chi phí để tránh sản xuất chất lượng thấp, cũng như chi phí mà một DN phải gánh chịu sau khi sản xuất hàng hóa kém chất lượng. Các chi phí chất lượng thường được phân thành chi phí phòng ngừa, chi phí thẩm định, chi phí thiệt hại nội bộ và chi phí thiệt hại bên ngoài. Theo Guilding và cộng sự (2000), chất lượng sản phẩm hay chất lượng dịch vụ của DN cũng có thể là một yếu tố của lợi thế cạnh tranh. Sản phẩm hay dịch vụ của DN có chất lượng càng cao với mức chi phí thấp phù hợp thì lợi thế cạnh tranh càng cao và ngược lại.
Sáu là, chi phí chuỗi giá trị (Value chain costing): Chuỗi giá trị được mô tả như các quy trình nội bộ được thực hiện nhằm thiết kế, sản xuất, marketing, cung cấp và hỗ trợ các sản phẩm bao gồm các dịch vụ sau bán hàng. Chi phí chuỗi giá trị là một kỹ thuật phân bổ chi phí cho các hoạt động giúp công ty đánh giá, phát triển vị thế chiến lược, phân tích vị trí, chi phí cạnh tranh.
Bảy là, chi phí Kaizen: Theo Ojua (2016), chi phí Keizen tích lũy chiến lược giảm chi phí cho mỗi giai đoạn sản xuất cho đến khi đạt được mục tiêu cải tiến của chu kỳ sản phẩm. Khi kỹ thuật chi phí Kaizen kết hợp với kỹ thuật chi phí mục tiêu sẽ thực hiện được mục tiêu cao nhất của KTQT hiện nay. Nói chung, nội dung của kỹ thuật chi phí Kaizen là DN phải cải tiến liên tục nhằm giảm chi phí lãng phí ở từng quy trình, ở mỗi quy trình hoạt động khác nhau nhau sẽ có các phương pháp khác nhau.
Tài liệu tham khảo:
- Phan Thị Thùy Nga (2020), Kế toán quản trị chiến lược – góc nhìn về nghiên cứu và vận dụng, tập 129, số 5B, Tạp chí khoa học Đại học Huế, Kinh tế và Phát triển;
- Ngô Thế Chi, Đinh Thị Kim Xuyến (2022), Kế toán quản trị chiến lược chi phí - vai trò và các kỹ thuật áp dụng. Tạp chí Công Thương;
- Nguyễn Thị Hồng Sương (2020), Trao đổi về kỹ thuật chi phí áp dụng trong Kế toán quản trị chiến lược. Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2022;
- Cadez, S. & Guilding, C. (2008), An exploratory investigation of an integrated contingency model of strategic management accounting, Accounting, Organizations and Soiety, 33, 836–863;
- Simmonds (1981), Strategic Management Accounting. Management Accounting (UK).