Nghiên cứu thực trạng kinh tế đêm tại Việt Nam

TS. Phan Đình Quyết - Trường Đại học Thương mại

Kinh tế đêm đã được coi là chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều nước phát triển trên thế giới. Kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cần có sự đánh giá, nhận diện tiềm năng phát triển, cũng như những tồn tại, thách thức của kinh tế ban đêm. Nghiên cứu này khái quát những vấn đề tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam.

Kinh tế đêm đã đóng góp hàng chục tỷ bảng và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm
Kinh tế đêm đã đóng góp hàng chục tỷ bảng và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm

Đặt vấn đề

Trên thế giới, kinh tế đêm đã được các nước đẩy mạnh và phát triển từ sớm, nhất là đối với những nước có thế mạnh về du lịch, để tối đa hóa nguồn thu. Với tham vọng tạo bước đột phát cho nền kinh tế Anh, Chính phủ Anh đã thành lập Hiệp hội ngành công nghiệp ban đêm (Night Time Industry Association - NTIA) để theo dõi và thúc đẩy các lĩnh vực của kinh tế đêm.

Trên thực tế, kinh tế đêm đã đóng góp hàng chục tỷ bảng và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm tại Anh, góp phần tạo dựng một hình ảnh nước Anh năng động, cởi mở và là một trong những điểm đến quốc tế thú vị đối với khách du lịch. Tại Australia, nền kinh tế đêm hiện là động lực chính của quá trình tăng trưởng, tạo ra hơn 1,1 triệu việc làm và đóng góp 134 tỷ USD, chiếm 4% GDP (năm 2018). Ở Mỹ, việc phát triển những “thành phố không bao giờ ngủ” đã trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn. Xu hướng tương tự cũng lan toả mạnh mẽ ở một số các quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Có thể thấy, phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế đất nước.

Tại Việt Nam, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Mục tiêu của đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; Đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.

Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm từ 17h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở các thành phố/trung tâm lớn - nơi có đông khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý đánh giá hiệu quả và công tác quản lý hoạt động kinh tế đêm để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế đêm, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Như vậy, nội hàm, phạm vi hoạt động của kinh tế đêm ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 đã được xác định. Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã đề ra 5 nhóm giải pháp và 38 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, dưới góc độ chính sách, các giải pháp và nhiệm vụ này mới dừng ở việc nêu vấn đề có tính nguyên tắc.

Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là cần thiết, để có căn cứ cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg. Nghiên cứu này tập trung làm rõ cơ sở lý thuyết về kinh tế đêm, những bài học về phát triển kinh tế đêm; trên cơ sở đó đánh giá tiềm năng thực trạng phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam và đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm giúp Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của kinh tế đêm.

Cơ sở lý thuyết về kinh tế đêm

Kinh tế đêm

Thuật ngữ “Kinh tế đêm” bắt nguồn từ Anh vào những năm 1970, mặc dù sự ra đời của nó cũng bắt nguồn từ một chương trình sự kiện văn hóa do Hội đồng Thành phố Rome điều hành từ năm 1977 đến năm 1985 và ở các nước châu Âu khác trong những năm 1970 và 1980 (Bianchini, 1995); Montgomery, 1990). Ở Anh, khái niệm kinh tế đêm được đề xuất để mô tả sự hồi sinh của nền kinh tế ban ngày định hướng sản xuất ở trung tâm thành phố, vốn đang suy giảm do phi công nghiệp hóa, bằng cách kéo dài thời gian hoạt động sang cả buổi tối và ban đêm (Chatterton và Hollands, 2002).

Nền kinh tế ban đêm đề cập đến hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội đa dạng diễn ra vào buổi tối và những giờ ban đêm nhất định. Như vậy, kinh tế đêm sẽ quan tâm tới 3 góc độ cơ bản: Xã hội, văn hóa, kinh tế.

- “Xã hội” đề cập đến người dân và du khách tham gia cùng bạn bè và gia đình - có thể chỉ đơn giản là tận hưởng những trải nghiệm miễn phí như công viên hoặc các yếu tố khác của khu vực công cộng hoặc có thể là những trải nghiệm kiếm tiền như quán cà phê, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, sở thích…

- “Văn hóa” đề cập đến khả năng tiếp cận các tổ chức văn hóa, âm nhạc, sân khấu (bao gồm các sự kiện nhạc sống và quán bar đêm), biểu diễn đường phố, hoạt hình đô thị - nó có thể miễn phí hoặc kiếm tiền.

- “Kinh tế” đề cập đến trải nghiệm thương mại/kiếm tiền bao gồm khách sạn, giải trí, bán lẻ và giáo dục (giáo dục buổi tối).

Không có định nghĩa thống nhất về kinh tế đêm trong tài liệu do các khía cạnh kinh tế và xã hội của thuật ngữ này, nhưng hoạt động tiêu dùng và các cơ hội kinh tế liên quan trong các ngành định hướng dịch vụ (ví dụ: giải trí, du lịch, mua sắm, thể dục, văn hóa và ăn uống) dường như cấu thành những đặc điểm nổi bật nhất của kinh tế đêm (Bianchini, 1995). Đặc điểm kinh tế của kinh tế đêm nhấn mạnh các hoạt động diễn ra vào ban đêm, chủ yếu là hành vi sản xuất hoặc tiêu dùng trong các ngành dịch vụ như hoạt động giải trí và văn hóa (Bianchini, 1995; Montgomery, 1994).

McArthur và cộng sự (2019) đề cập “nền kinh tế” trong kinh tế đêm được hiểu “chủ yếu được cấu thành bởi các hoạt động giải trí do các lĩnh vực văn hóa, giải trí và thực phẩm cung cấp, tức là các cơ hội tiêu dùng do nền kinh tế cung cấp”. Các đặc điểm xã hội của thuật ngữ này liên quan đến các hoạt động hàng ngày và hành vi xã hội trong không gian công cộng của thành phố vào ban đêm, chẳng hạn như đi dạo (Mao và cộng sự, 2020). Rowe và cộng sự (2008) gọi kinh tế đêm là một chuỗi các hoạt động và trải nghiệm gắn liền với giải trí và xã hội hóa vào ban đêm, nhấn mạnh các khía cạnh xã hội của nó. Shaw (2010) mô tả kinh tế đêm bao gồm các hoạt động ban đêm gắn liền với hoạt động giải trí đô thị và cung cấp dịch vụ bán lẻ; định nghĩa này tập trung nhiều hơn vào các thuộc tính kinh tế của thuật ngữ kinh tế đêm. Trên cơ sở đó, Beer (2011) đã bổ sung giới hạn thời gian cho kinh tế đêm, hạn chế nó đối với các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong khách sạn và giải trí diễn ra trong khoảng 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng (tức là từ hoàng hôn đến bình minh). Một định nghĩa tương tự như của Beer (2011) cũng được vận dụng khi cho rằng, kinh tế đêm đại diện cho một loại hoạt động kinh tế diễn ra từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm phục vụ ăn uống ban đêm, mua sắm, du lịch, giải trí, lưu trú và rèn luyện sức khỏe.

Các nghiên cứu về kinh tế đêm

Kinh tế đêm đã là một chủ đề thu hút được sự quan tâm của giới học thuật kể từ những năm 1990. Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào việc phát triển các chiến lược, chính sách và kế hoạch liên quan đến kinh tế đêm về quản lý đô thị và duy trì trật tự, pháp luật (Beer, 2011).

Thông qua quan sát chuyên sâu và nghiên cứu thực tiễn, các nhà nghiên cứu nhìn chung đã phân tích kinh tế đêm như một hiện tượng văn hóa ở các thành phố hiện đại thông qua lăng kính nhân chủng học và xã hội học. Bên cạnh đó là một số các công trình nghiên cứu để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của cuộc sống về đêm ở đô thị và kinh tế đêm (Bianchini, 1995). Chính phủ sẽ được hưởng lợi từ các chỉ số kinh tế thông qua kết quả các nghiên cứu định lượng và so sánh để cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, phân bổ nguồn lực và đánh giá chính sách. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các chỉ số đánh giá này để đưa ra những quyết định đầu tư và đề xuất các chiến lược hiệu quả. Tuy nhiên, thực sự vẫn còn rất ít các nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá tác động của kinh tế đêm ở cấp quận bằng cách sử dụng dữ liệu đa nguồn - có lẽ là do tính sẵn có của dữ liệu. Ngoài ra, gần như tất cả các nghiên cứu liên quan đều điều tra kinh tế đêm từ góc độ phương Tây; có rất ít nghiên cứu xem xét kinh tế đêm ở các quốc gia/khu vực châu Á (Yeo và Heng, 2014).

Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, kinh tế đêm đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong nước. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp yêu cầu các chỉ số định lượng và trực quan về tình trạng của kinh tế đêm để đưa ra các quyết định liên quan và đảm bảo quá trình phục hồi có trật tự sau đại dịch COVID-19.

Tiềm năng phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam

Một số nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm, trong đó có thể kể đến:

Thứ nhất, Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu tạo nên nhiều tiềm năng để Việt Nam phát triển kinh tế ban đêm. Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), Việt Nam đứng thứ 41, tăng 4 bậc so với năm 2022. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Với nền chính trị ổn định, hiếm khi xảy ra bạo động, tranh chấp lãnh thổ, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Thứ hai, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,22%/năm giai đoạn 2008-2019 (IMF, 2020). Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221.800 tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD. Trung bình 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu mỗi năm kể từ năm 2014. Theo World Bank, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 13,3% tổng dân số và dự báo sẽ đạt tỷ trọng 25,7% tổng dân số vào năm 2025 và đạt 32,1% vào năm 2030 (WB, 2018). Khảo sát của The Conference Board và Niesel cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí. Trong đó, tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu hoặc thuộc các gia đình trung lưu trở lên.

Thứ ba, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu Việt Nam đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 là 50%. Báo cáo của WB (6/2020) nhận định, quá trình đô thị hóa luôn gắn liền với dịch chuyển của người lao động, từ nông thôn đến thành thị; từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và các trung tâm đô thị. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam đang đẩy nhanh tiếp cận các xu hướng, mô hình kinh tế mới/hiện đại như: kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử… Nhu cầu của người dân trở nên linh hoạt hơn và có thể gia tăng đối với kinh tế đêm. Các doanh nghiệp sẽ phải thích ứng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong khung giờ ban đêm. Theo đó, kinh tế đêm có thêm động lực phát triển từ cả phía cung và phía cầu.

Thứ năm, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam và mong muốn thiết lập/gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Vì thế, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài là nhóm khách hàng quan trọng của kinh tế đêm, do có nhu cầu giao lưu, tiêu dùng và có khả năng chi tiêu lớn.

Thực trạng phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam

Thực trạng phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam cho thấy bên cạnh những nét nổi bật cũng còn những hạn chế, tồn tại gồm:

Thứ nhất, hiện nay Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng, mang lại doanh thu khoảng 70% lại chưa được phát triển. Thực tế cho thấy, nếu không có sản phẩm ban đêm thì không có cách gì giữ chân được khách du lịch khi họ đến Việt Nam, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước. Thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ giải trí (karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử…) bị giới hạn về thời gian theo quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến không thống nhất với kiến nghị của địa phương cho phép kéo dài theo hướng không giới hạn thời gian của các hoạt động nêu trên.

Thứ hai, không có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách của địa phương quản lý hoạt động kinh tế đêm dẫn tới việc quản lý các hoạt động này tương tự như các hoạt động diễn ra vào ban ngày. Các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc kiến nghị bổ sung nhân sự, nhân lực mà chưa đề cập sâu đến mô hình quản lý. Việc hình thành một bộ phận chuyên trách đặt trong bối cảnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chủ trương của Đảng hiện nay không phải là vấn đề dễ dàng.

Thứ ba, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế đêm. Cơ chế chính sách thuế, phí hiện nay đang được áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế đêm với kinh tế ban ngày. Các ưu đãi về thuế đều chỉ áp dụng theo 02 tiêu chí, đó là: ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực. Một số chính sách tài chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 gần đây như: giảm thuế thu nhập; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; giảm lãi suất cho vay... chưa phân định rõ giữa hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân... kinh doanh ban ngày hay ban đêm

Thứ tư, những đề án/kế hoạch của địa phương thường chung chung, chưa cụ thể dẫn tới chưa có phương hướng kiến nghị xử lý triệt để do không rõ thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách là chủ thể nào (trung ương hay địa phương) hoặc không rõ các chính sách, văn bản pháp luật nào có vướng mắc, vướng mắc đó là những gì và cần phải sửa đổi theo hướng nào

Thứ năm, quy định pháp luật còn nhiều bất cập. Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ không có quy định về chợ đêm. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật này đang được Bộ Công Thương dự kiến tham mưu Chính phủ ban hành hoặc dự thảo ban hành theo thẩm quyền song còn rất nhiều vấn đề tồn tại trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nêu trên cần được các địa phương kiến nghị hoàn thiện một cách cụ thể. Liên quan đến vấn đề phát triển dịch vụ ăn uống, khu phố ẩm thực cần phát triển lực lượng chuyên quản về an toàn thực phẩm để quản lý và kiểm soát các rủi ro nhưng hiện đang là những tổ chức, bộ máy có tính chất thí điểm: Ban Quản lý an toàn thực phẩm hay thanh tra an toàn thực phẩm theo chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho một số các địa phương (Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…).

Thứ sáu, hoạt động kinh tế đêm ở Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế đêm còn chưa thống nhất; Tư duy văn hóa và cách quản lý truyền thống về những vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động kinh tế đêm có thể chi phối quá mức đối với tiếp cận chính sách về kinh tế đêm. Hệ quả là vẫn còn những rào cản, quy định mang tính cấm đoán hoặc gây cản trở loại hình kinh doanh này phát triển.

Thứ bảy, việc tiếp cận dịch vụ công cộng (như: xe bus, nhà vệ sinh công cộng...) chưa thuận lợi và chưa có cơ chế kiểm soát rủi ro hoạt động kinh tế đêm bài bản. Ở nhiều nước có phát triển kinh tế đêm, phương pháp phổ biến mà các nước áp dụng để kiểm soát rủi ro là lắp đặt hệ thống camera an ninh ở trong và xung quanh khu vực quy hoạch có hoạt động kinh tế đêm.

Thứ tám, ở Việt Nam, việc lắp đặt hệ thống giám sát camera nhìn chung chưa được chú trọng. Việc đảm bảo trật tự ở khu vực hoạt động kinh tế đêm mới dừng lại ở các tổ tuần tra ban đêm. Một số khu vực, địa điểm du lịch lớn cũng có lắp đặt hệ thống camera an ninh song không hoàn toàn phục vụ cho việc giám sát hoạt động kinh tế đêm.

Khuyến nghị thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm

Qua nghiên cứu thực tiễn, tác giả khuyến nghị, để phát triển kinh tế đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn.

Thứ nhất, phát triển kinh tế ban đêm cần phải có quy hoạch rõ ràng. Muốn phát triển kinh tế ban đêm, vai trò của địa phương là rất quan trọng (Hobbs, 2003). Trong kế hoạch xây dựng và phát triển, các địa phương cần đưa ra quy hoạch cụ thể các khu vực, địa bàn có khả năng phát triển kinh tế ban đêm, thực hiện thí điểm tại một hoặc một vài khu vực, đánh giá hiệu quả kinh tế để hoàn thiện mô hình hoạt động trước khi nhân rộng ra. Mỗi khu vực kinh tế ban đêm cần có những nét đặc trưng, tránh sự trùng lặp và một màu, từ đó mới có thể thu hút người dân và du khách.

Thứ hai, đảm bảo các điều kiện hạ tầng cho kinh tế đêm gồm an ninh trật tự xã hội, giao thông, y tế. Cần tăng cường lắp hệ thống camera giám sát, áp dụng các phần mềm quản lý hoạt động kinh tế đêm.

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò quan trọng của kinh tế đêm bắt đầu từ việc xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế đêm, định kiến về hoạt động của các vũ trường, nhà hàng, các quán karaoke, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm.

Thứ tư, cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế đêm. Khung pháp lý về kinh tế đêm cần quy định về: loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động kinh tế đêm. Đồng thời, quy định và phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Ở cấp địa phương, các địa phương chủ động rà soát chính sách liên quan đến phát triển kinh tế đêm; đồng thời, tháo gỡ, hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm. Đặc biệt, trong giai đoạn thí điểm phát triển kinh tế đêm ở một số địa phương/khu vực, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xây dựng các chính sách về tài chính, chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền điện, nước, dịch vụ môi trường, tiếp cận tín dụng... phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia hoạt động kinh tế đêm. Qua đó, tạo môi trường hấp dẫn để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình.

Thứ năm, ưu tiên hàng đầu của khách du lịch (cả trong và ngoài nước) là vấn đề an toàn, nhất là vấn đề đảm bảo sức khỏe, do vậy, cần tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng du lịch và dịch vụ cũng có thay đổi, đó là chuyển từ hình thức chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Theo đó, các thành phố/khu du lịch cần chuẩn bị tốt cả cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới...

Thứ sáu, các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế đêm cũng cần nghiên cứu thành lập cơ quan/tổ chức có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế đêm. Những người làm việc trong cơ quan/tổ chức cần phải có kinh nghiệm để thực hiện quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”;
  2. Trần Thị Thu Hương (2020), “Bài toán kinh tế ban đêm: Thận trọng nhưng không còn e dè”, https://baodautu.vn/bai-toan-kinh-te-ban-dem-than- trong-nhung-khong-con-e-de-d126897.html;
  3. Văn Kỳ (2020), “Cần thiết xây dựng kinh tế đêm ở thành phố Nha Trang”, https://wbaokhanhhoa.vn/du-lich/202010/can-thiet-xay-dung-kinh- te-dem-o-thanh-pho-nha-trang-8188749;
  4. WB (2018), “Climbing the ladder: poverty reduction and shared prosperity in Vietnam”, World Bank, Washington, DC;
  5. Beer, 2011. Centres that never sleep? Planning for the night-time economy within the commercial centres of Australian cities, Australian Planner, 48:3, 141-147
  6. Bromley. R, Thomas. C, Millie. A. (2000). Exploring Safety Concerns in the Night-Time;
  7. City: Revitalising the Evening Economy. The Town Planning Review, 71(1), 71-96.
  8. Bianchini, F., 1995. Night Cultures, Night Economies. Planning Practice & Research 10 (2), 121-126.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024