APEC 2017: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng qua hình thức PPP

PV.

Trong những năm gần đây, các nền kinh tế APEC đã ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) cho các dự án quan trọng để tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT). Bởi vậy, tại các Hội nghị trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, vấn đề hợp tác tài chính cho cơ sở hạ tầng tiếp tục là nội dung được các nước thành viên và các tổ chức quốc tế quan tâm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm.

Hợp tác tài chính cho cơ sở hạ tầng tiếp tục là nội dung được quan tâm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại các Hội nghị trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC
Hợp tác tài chính cho cơ sở hạ tầng tiếp tục là nội dung được quan tâm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại các Hội nghị trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC

Đối với Việt Nam, các dự án PPP chủ yếu là các giao thông đường bộ và nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT. Hình thức hợp đồng BOT đã được áp dụng khá lâu ở Việt Nam, song xây dựng một cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý trong các hợp đồng BOT chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thật sự được chú trọng, ngoại trừ các dự án BOT nhiệt điện.

Bởi vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và tư nhân để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam là cần thiết.

Xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro trong đầu tư PPP được đề xuất theo hướng: Khu vực nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro:(i) Rủi ro liên quan đến thay đổi chính sách, chính trị; (ii) Rủi ro liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư; (iii) Rủi ro bất khả kháng liên quan đến thiên tai, địch họa; (iv) Rủi ro liên quan đến bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ: bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ là đòi hỏi chính đáng của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Khu vực tư nhân chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro: (i) Rủi ro về thiết kế, xây dựng, huy động nguồn vốn đầu tư; (ii) Rủi ro liên quan đến doanh thu; (iii) Rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái.

Tại Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC (SFOM) ngày 19/10/2017 và Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC diễn ra ngày 20/10/2017, các quan chức tài chính APEC cũng thảo luận với các đối tác quốc tế về những công cụ quản lý dự án hiệu quả và việc phối hợp đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ này cho các cán bộ quản lý dự án tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Kết quả thảo luận về cơ chế đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào dự án PPP trong hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC diễn ra vào ngày mai (21/10/2017).