Châu Âu miễn thuế, doanh nghiệp Việt làm gì để hưởng lợi?

Theo Quang Huy/plo.vn

Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hàng nông sản Việt Nam phải “thay máu”, tăng lượng hàng chất lượng cao.

EU đã có hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… đòi hỏi hàng Việt Nam phải gia tăng chất lượng. Nguồn: Internet.
EU đã có hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… đòi hỏi hàng Việt Nam phải gia tăng chất lượng. Nguồn: Internet.

Nhiều sản phẩm như thịt, sữa, trái cây… từ EU nhập về Việt Nam sẽ rẻ hơn khi thuế suất về 0%, cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm cùng loại trong nước. Đó là cảnh báo của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội nghị “EVFTA: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 21/8.

Không được lợi nhiều nếu xuất thô

Các sản phẩm nông nghiệp được cho là có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu sang EU khi Hiệp định EVFTA được áp dụng. Thế nhưng ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex Group, cho rằng có hay không hiệp định này thì mặt hàng cà phê thô xuất vào EU cũng không hưởng lợi nhiều. Chỉ có cà phê hòa tan mới được lợi khi áp thuế  suất 0% vì mặt hàng này đang chịu thuế cao khi bán sang thị trường EU.

Cụ thể, thị trường EU thích uống cà phê hòa tan nhưng sản phẩm này của Việt Nam lại đang chịu thuế nhập khẩu cao 20%-40% và lại chiếm thị phần xuất khẩu rất thấp (90% sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu vào EU là cà phê nhân xô).

Vì vậy, theo ông Nam, để tận dụng Hiệp định EVFTA, khai thác thị trường rộng lớn này, bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư chiều sâu, chế biến cà phê hòa tan. Từ đó mới đáp ứng đúng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và hưởng lợi khi thuế suất giảm về 0%.

Dẫn kinh nghiệm từ các nước, ông Nam cho biết ngành cà phê Indonesia đã có giải pháp giảm dần xuất khẩu cà phê thô, đẩy mạnh làm các sản phẩm cà phê hòa tan theo nhu cầu thị trường, gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp căn cơ để tăng giá trị, tạo được sự an toàn cho ngành cà phê VN, giúp giá cả không bấp bênh, nông dân được hưởng lợi. Chính vì thế, trước đây Intimex Group là một nhà xuất khẩu nông sản thô, cà phê thô nhưng hiện đã có nhà máy chế biến cà phê hòa tan.

Gạo cũng là một trong những mặt hàng được hưởng lợi từ EVFTA nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng phải tăng chất lượng cho hạt gạo mới có thể xuất sang thị trường EU. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay: Thị trường EU đòi hỏi gạo chất lượng cao, gạo sạch, đồng thời thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch được cấp phép rất cao.

“Ví dụ, gạo Việt Nam từ trước đến nay nhập vào EU chịu mức thuế 5%-45%. Thậm chí có một số nước trong khối này đánh thuế gạo VN nhập vào với mức thuế lên đến 100%. Như gạo thơm Việt Nam nhập vào thị trường EU giá 700 USD/tấn, nếu chịu thuế suất 45% thì giá gạo Việt Nam đội lên hơn 1.000 USD/tấn; còn nếu chịu thuế suất 100% thì giá gạo thơm lên tới 1.400 USD/tấn. Khi đó gạo VN khó cạnh tranh với các đối thủ đến từ Thái Lan, Campuchia” - ông Bình dẫn chứng.

Vì thế, ông Bình cho rằng tới đây khi thuế suất bằng 0%, Việt Nam cần tận dụng tốt và xuất khẩu hết hạn ngạch 80.000 tấn (lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hiện mới chỉ đạt khoảng 20.000-23.000 tấn) mà EU cấp cho Việt Nam. Qua đó,  giúp kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này tăng gấp bốn lần so với hiện nay, mỗi năm thu về hơn 50 triệu euro.

Hạt gạo, cà phê, trái cây… Việt muốn xuất vào châu Âu và được hưởng thuế 0% thì phải ngon, sạch và chế biến sâu. Trong ảnh: Chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: QH
Hạt gạo, cà phê, trái cây… Việt muốn xuất vào châu Âu và được hưởng thuế 0% thì phải ngon, sạch và chế biến sâu. Trong ảnh: Chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: QH

Cần hàng chất lượng

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, đánh giá việc tham gia EVFTA là cuộc chơi không đơn giản. Ví dụ, EU đã có hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… đòi hỏi hàng Việt Nam phải gia tăng chất lượng.

Do đó, cơ quan quản lý cần có danh mục các chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng và cả những chất cấm, cảnh báo nếu sử dụng thì hàng hóa không thể xuất khẩu được, bị trả về gây thiệt hại lớn. Có như vậy doanh nghiệp Việt Nam mới không bị lúng túng và chịu thiệt thòi.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết 10 năm qua, tổng doanh số xuất khẩu của khu vực nông nghiệp đạt trên 300 tỷ USD, thặng dư 50-60 tỷ USD. EVFTA là hiệp định tự do thế hệ mới nhất sẽ mở ra một triển vọng mới, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội khi hàng nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế, tăng kim ngạch thì ở chiều ngược lại áp lực cũng rất lớn. Bởi khi thuế suất về 0%, hàng rào phí thuế quan sẽ được dựng lên rất chặt và việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là an toàn thực phẩm cũng tăng lên.

“VN với dân số 100 triệu người là thị trường rất lớn để hàng hóa EU tràn vào. Hiện giá thịt heo nhập về VN chỉ 26.000-28.000 đồng/kg. EVFTA có hiệu lực sẽ khiến ngành chăn nuôi trong nước dễ bị tổn thương nhất, cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ nhiều nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh để tận dụng lợi thế, khai thác lợi ích EVFTA cần phân tích và có chiến lược cụ thể xem nhóm hàng nào, ngành gì, mặt hàng nào sẽ bị tác động, ảnh hưởng. Từ đó mới có thể ứng phó, thích nghi chứ không phải cứ thấy lợi ích, ưu đãi nhiều rồi vui mừng mà không có chiến lược.

“Việt Nam phải liên kết theo chuỗi sản xuất, nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ cũng phải tham gia hợp tác xã trong chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Từ đó hàng nông sản VN mới có thể kiểm soát được dịch bệnh, đạt được các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như Global GAP để xuất khẩu” - bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Rau quả, heo, bò… giá rẻ sẽ tràn vào

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT cho biết các loại thịt từ EU giá sẽ rẻ hơn khi EVFTA được áp dụng dù lộ trình giảm thuế về 0% sau khoảng 3-5 năm. Khi đó sẽ cạnh tranh rất mạnh với các sản phẩm thịt trong nước.

Điển hình như mặt hàng thịt bò từ EU nhập khẩu vào Việt Nam đang chịu thuế suất 5%-30%, sau 3-4 năm giảm về 0%. Thịt heo từ các nước Tây Ban Nha, Đan Mạch… về Việt Nam đang có thuế suất 15%-27%, sau 10 năm nữa về 0%. Thịt gia cầm đã chịu thuế suất 40% nhưng lộ trình giảm thuế sau 13-14 năm.

Không chỉ mặt hàng thịt, sắp tới đây khi EVFTA chính thức áp dụng, thuế nhập khẩu mặt hàng rau quả từ EU giảm về 0% sau 3-5 năm (hiện nay 5%-20%), cũng sẽ cạnh tranh thị phần với rau quả trong nước do giá rẻ hơn.