Đặc khu kinh tế: Cần kiểm soát quyền lực và chính sách phù hợp

Theo Đức Nghiêm/thoibaonganhang.vn

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng nay (23/5) nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xem xét lại việc giao quá nhiều việc cho Chủ tịch đặc khu, tính toán việc miễn giảm một số chính sách thuế…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chủ tịch đặc khu được giao quá nhiều nhiệm vụ?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với việc trong đơn vị hành chính đặc biệt cần có tổ chức HĐND để nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát. Bởi theo ông, quyền lực càng cao, càng đặc biệt, trong khi mô hình lại mới thì càng phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, làm xấu đi một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế.

Vị đại biểu là Phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Bình cũng đề nghị, ban soạn thảo xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh bớt quy định cho Chủ tịch UBND và giao UBND để UBND ủy quyền trách nhiệm Phó Chủ tịch hoặc một số phòng ban chuyên môn. “Theo dự thảo Luật thì quá nhiều nội dung Chủ tịch UBND ký, cấp, quyết định; trong lúc đó có những nội dung có thể ủy quyền như: cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp phép nuôi trồng thủy sản…”, ông Phương tâm tư.

Đặc khu kinh tế: Cần kiểm soát quyền lực và chính sách phù hợp - Ảnh 1
Sẽ có nhiều chính sách ưu đãi dành cho đặc khu kinh tế

Cũng đề cập tới quyền của Chủ tịch UBND đặc khu, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, Chủ tịch đặc khu vừa được xem xét lập dự án, thẩm định dự án. Với nhiều công đoạn khác nhau mà giao cho một người đảm nhiệm dễ dẫn tới thất thoát. “Đề nghị xem xét lại để phù hợp với Luật đầu tư công”, đại biểu Mai nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét lại một số chính sách miễn giảm thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ casino, trò chơi điện tử. 

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu cho rằng,khảo sát cho thấy có tới 85% nhà đầu tư họ nói rằng vấn đề thuế không phải là vấn đề quá quan trọng trong ưu đãi, thu hút đầu tư mà còn từ nhiều chính sách khác như pháp luật, cải cách thủ tục hành chính…, nên cần rà soát để đảm bảo tính khả thi trong khi thi hành Luật.

Cần đưa ngân hàng vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư

Về một số chính sách đặc biệt về tiền tệ, ngân hàng, nếu dự thảo Luật trình kỳ họp thứ 4 khá mở với việc đưa ngoại tệ vào sử dụng trong các đặc khu thì dự thảo Luật trình kỳ họp này đã được chỉnh lý. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách đặc biệt về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối, hải quan, nhập cảnh, đi lại và cư trú, chính sách đặc biệt riêng của từng đặc khu trên nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thuận lợi cho quá trình thực hiện nhưng phải chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, đồng thời tránh tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng để thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, trốn thuế, vi phạm pháp luật khác.

Do đó, khoản 1 Điều 50, dự thảo Luật quy định, căn cứ vào quy hoạch đặc khu trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ quyết định các chính sách đặc thù về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối áp dụng tại từng đặc khu để hỗ trợ sự phát triển của đặc khu và nền kinh tế trên cơ sở bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ quốc gia.

Trong khi theo khoản 2 của Điều này, trong phạm vi khu thương mại tự do, khu chế xuất và các khu chức năng khác được áp dụng cơ chế, chính sách của khu phi thuế quan tại đặc khu, các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú được thực hiện bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ. Trong đó, “Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn các trường hợp được sử dụng ngoại tệ quy định tại khoản này”, dự thảo Luật quy định.

Liên quan đến hoạt động ngân hàng ở đặc khu, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho rằng, khi triển khai 3 đặc khu thì chúng ta phải dành nguồn lực rất lớn để triển khai. Và trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn thì việc huy động vốn ngoài ngân sách trong đó nguồn vốn từ ngân hàng và các quỹ đầu tư, định chế tài chính là nguồn lực, yếu tố quyết định với nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào đặc khu.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, sự hiện diện của các ngân hàng, các định chế tài chính cũng đem lại lợi ích lớn về tài chính, ngân sách khi họ tham gia đầu tư kinh doanh trên thị trường quốc tế. Hầu hết các đặc khu trên quốc tế đều dành sự ưu tiên ưu đãi và quy hoạch những vị trí trung tâm cho các ngân hàng.

Từ phân tích trên, đại biểu Thắng đề xuất ban soạn thảo Luật cần đưa lĩnh vực ngân hàng vào danh mục ưu đãi đầu tư và bổ sung vào quy hoạch khu tài chính – ngân hàng trong đặc khu.