Có nên cắt giảm bớt ưu đãi tại đặc khu?
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố, hàng loạt các ưu đãi tại đặc khu kinh tế đã bị cắt giảm. Vấn đề đặt ra là cắt giảm như thế nào để đặc khu kinh tế của Việt Nam có thể cạnh tranh được với đặc khu của các nước trong khu vực để thu hút đầu tư?
Nhiều chuyên gia kỳ vọng đặc khu tương lai sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.
Cân nhắc về tính hợp lý
Trong các kịch bản tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc khu kinh tế được nhiều chuyên gia kỳ vọng như một nấc thang mới của tư duy phát triển. Đó là ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ tạo thêm nhiều việc làm, hạ tầng công nghệ, công nghiệp dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Do đó, mục tiêu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại các đặc khu kinh tế là thước đo cho sự thành công thể chế kinh tế mới này. Cũng chính vì vậy, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng "trải thảm" ưu đãi là điều kiện cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các đặc khu kinh tế tương lai.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, để thu hút đầu tư trong đặc khu kinh tế, Chính phủ có thể phải đưa ra các chính sách ưu đãi tới mức cao nhất của tự do hóa kinh tế, vượt xa hơn nữa so với các quy định hiện nay và cạnh tranh được với các đặc khu của nước ngoài.
Tuy nhiên, Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đặc khu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố mới đây cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá lại những chi phí và lợi ích của các chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế, đánh giá nguy cơ các ưu đãi về thuế bị lợi dụng, từ đó đề nghị việc miễn, giảm thuế chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu, không nên kéo dài, tránh ưu đãi tràn lan.
Những ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, thuê mặt nước, dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược…, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý và đưa ra cân nhắc không nên kéo dài thời gian ưu đãi. Do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.
Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo động lực cho nhà đầu tư trong việc khai thác, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng như bảo đảm nguồn thu ngân sách của các đặc khu, dự thảo Luật điều chỉnh đã được chỉnh lý theo hướng giảm mức ưu đãi hoặc không ưu đãi đối với một số ngành, nghề, dự án đầu tư, có tính đến điều kiện của từng đặc khu.
Nhiều ưu đãi bị đề xuất cắt giảm
Cụ thể, dự thảo Luật điều chỉnh đã giảm thời hạn được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từ 10 năm xuống còn 5 năm; Bỏ quy định về miễn thuế mà chỉ áp dụng giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân khác làm việc tại đặc khu.
Dự thảo Luật cũng bỏ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chưa phù hợp cho dự án đầu tư.
Đồng thời, giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số loại dự án đầu tư và giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược.
Không chỉ vậy, những ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, thuê mặt nước trong dự thảo Luật điều chỉnh cũng được thu hẹp. Trừ dự án một số lĩnh vực như khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đặc khu, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế được ưu đãi cho cả thời hạn thuê.
Trong khi đó, dự thảo Luật do Chính phủ trình trước đó đã quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê đối với tất cả các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của ba đặc khu.
Đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự thảo Luật điều chỉnh cũng quy định:
Thứ nhất, chỉ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa 30 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong; tối đa 20 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất tại đặc khu Phú Quốc. Trong khi đó, theo dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê.
Thứ hai, giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng thuế suất 17% trong thời gian 5 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế nhưng không quá năm 2030. Trước đó, dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 10 năm, miễn 2 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Thứ ba, giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt là 15% trong thời hạn 10 năm; quy định rõ chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trong dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược.