TS. Cấn Văn Lực:

"Lạm phát không đáng lo, người dân không có nhu cầu vay tiền mới đáng lo"

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, hiện nay sức cầu đang yếu nên mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm 2020 là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều đáng lo lúc này là tăng trưởng tín dụng rất thấp, người dân không mặn mà với vay vốn vì "vay về cũng không biết để làm gì".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hậu COVID-19 cần tư duy mới về "chiến lược"

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đã dẫn lời nói của CEO Nokia rằng: "Chúng tôi thất bại dù chúng tôi không sai mà do đã nhận định sai xu thế" để khuyên các doanh nghiệp Việt Nam khi tham dự hội thảo "Lựa chọn nào thời hậu COVID-19?".

Theo đó, ông Thành nhấn mạnh, sức mạnh của người Việt là "dĩ bất biến ứng vạn biến", tức là lấy cái bất biến, cái không thay đổi mà ứng phó với cái vạn biến, là cái luôn thay đổi. Từ đó, cần có một nhận thức hoàn toàn mới về chiến lược và cách chơi với thế giới.

Cụ thể, doanh nghiệp cần nhận rõ xu thế thế giới hiện nay là gì? Có 4 xu thế chính: Một là thế giới ngày càng bị chi phối bởi chính trị, khoảng cách giữa các nước ngày càng được thu hẹp; Hai là xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập là không thể thay đổi, nhưng bên cạnh đó nổi lên là chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc cực đoan; Ba là cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Bốn là xu thế đô thị hóa, cách mạng tiêu dùng xanh, an toàn và cẩn trọng.

Doanh nghiệp muốn "dĩ bất biến, ứng vạn biến" cần định hướng theo 5 yêu cầu:

Một là sáng tạo sản phẩm mới và maketting; Hai là thay đổi kỹ năng và cách ứng xử với người lao động để phù hợp với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA; Ba là thay đổi phương thức kinh doanh mới, chủ trọng tới cơ sở dữ liệu, chuyển đổi sổ; Bốn là lưu ý lựa chọn các lĩnh vực đầu tư kinh doanh theo xu thế; Năm là đề cao quản trị rủi ro, quản trị bất định. Doanh nghiệp hiện đại cần tự đánh giá được những rủi ro có thể xảy đến với doanh nghiệp.

Cuối cùng, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp cần tư duy theo hướng nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, chia sẻ, kết nối và quản trị rủi ro.

Đồng quan điểm với TS. Võ Trí Thành rằng thế giới đang biến động hằng ngày, cần thay đổi cách nhìn về chiến lược, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, hiện nay, doanh nghiệp thay đổi chiến lược hàng năm chứ không còn cách làm chiến lược 5 năm, 10 năm như trước, tạm gọi là "chiến lược cuốn chiếu".

Ngân hàng dư vốn, người dân không có nhu cầu vay

COVID-19 có thể coi là một cuộc khủng hoảng, tác động mạnh mẽ tới cung - cầu trên thế giới. Là nước có tỷ lệ xuất - nhập khẩu trên GDP lên đến 200% như Việt Nam thì tác động của dịch bệnh này là vô cùng to lớn.

Với sức cầu yếu như hiện nay, ông Lực cho rằng lạm phát không đáng lo ngại, mà cái đáng lo hơn cả sẽ tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế là tín dụng ngân hàng tăng trưởng rất thấp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng trong nước chỉ 2,45%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 7,33%. Lãi suất giảm nhưng người dân không mặn mà vay vốn vì "vay về không biết để làm gì". Vì thế, có thể thấy lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn của dòng vốn mà chủ yếu do sức hấp thụ của doanh nghiệp yếu.

Ông Lực chia sẻ một nghiên cứu đánh giá tác động của COVID-19 với 15 lĩnh vực ngành nghề dựa trên 3 tiêu chí: doanh thu sản lượng ngành, lĩnh vực đó; Giá cổ phiếu của lĩnh vực; và số lượng doanhn nghiệp đóng cửa, ngừng kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 6 lĩnh vực mà Chính phủ cần lưu tâm để thúc đầy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020 gồm: Giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và chính phủ điện tử. Ngoài ra, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh lúc nào cũng quan trọng và năm nay càng quan trọng.

Cùng với đó, ông Lực cũng đưa ra 6 điểm Chính phủ cần lưu ý khi hành động. Đó là cần thi hành một chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng; Chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật và kỷ cương; Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách giá, thương mại…) nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Hai là đẩy mạnh xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu theo NQ 42/2017/QH14 của Quốc hội; tăng năng lực tài chính, quản lý rủi ro (chuẩn Basel 2) của các tổ chức tín dụng...

Ba là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 8-10%. Tiếp tục định hướng ưu tiên và kiểm soát chất lượng tín dụng; tiếp tục giảm nhẹ mặt bằng lãi suất; điều hành tỷ giá linh hoạt; có kịch bản đối phó với việc nợ xấu tăng nhanh.

Bốn là đẩy mạnh thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, cùng với đó cho vay mới (không hạ chuẩn tín dụng) đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Năm là thực hiện Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến 2020 và định hướng đến 2025; hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán sửa đổi; nới room tỷ trọng cho vay chứng khoán. 

Sáu là thúc đẩy hội nhập, phát triển tài chính số, ngân hàng số (thanh toán không dùng tiền mặt, Mobile money, Fintech…) trong bối cảnh hậu dịch COVID-19.