Doanh nghiệp không thể lớn khi cổ đông nhỏ bị lép
Nét đặc trưng của các doanh nghiệp (DN) cổ phần nước ta là luôn có 1 hay vài cổ đông nắm phần lớn cổ phần. Điều này giúp DN linh hoạt trong việc nhanh chóng đưa ra các quyết định. Nhưng đây cũng là mối nguy tiềm ẩn với cổ đông nhỏ, cũng như hiệu quả và sự phát triển của DN. Ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật DN (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, kỳ vọng sẽ tháo gỡ được bất cập này.
Liên quan đến quyền của cổ đông phổ thông, Luật DN sửa đổi đã bỏ quy định sở hữu ít nhất 6 tháng liên tục và cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần trở lên (thay vì 10%) có các quyền: (i) đề cử người vào hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) ; (ii) xem xét và trích lục các thông tin quan trọng; (iii) yêu cầu triệu tập họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ); (iv) yêu cầu BKS kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
Cổ đông nắm quyền kiểm soát và RPT
Trong quản trị DN, quyền kiểm soát quan trọng nhất bất kỳ cổ đông nào, dù nhỏ hay lớn cũng đều muốn có. Đối với cổ đông lớn tuyệt đối, quyền sở hữu (ownership hay cash flow rights) đương nhiên đi liền với quyền kiểm soát.
Nhưng cũng có những trường hợp, quyền sở hữu không cao nhất nhưng lại có quyền kiểm soát, hay còn gọi là quyền kiểm soát vượt trội (excess control rights). Thí dụ, DN A sở hữu 51% DN B, và rồi DN B sở hữu 51% DN C. Tính ra DN A chỉ sở hữu 26% DN C nhưng lại có quyền kiểm soát DN C.
Khi cổ đông nắm quyền kiểm soát, các quyết định đưa ra đều dựa trên lợi ích của họ, nhiều khi đi ngược với lợi ích của các cổ đông khác là các cổ đông nhỏ. Phương thức được sử dụng phổ biến nhất là thực hiện các giao dịch với bên thứ 3 có liên hệ mật thiết với mình (related-party transactions aka - RPTs), trong đó các điều khoản có lợi cho phía bên kia, bất lợi cho DN.
Một số thí dụ cụ thể như việc mua bán, trao đổi tài sản, cho vay, hợp đồng thực hiện dịch vụ. Thời gian qua ở Việt Nam cũng rộ lên các vụ RPT để rút ruột cổ đông nhỏ. Người quan tâm đến chủ đề này có thể dễ dàng thấy được từ công ty chưa niêm yết đến công ty đang trên sàn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cổ đông nắm quyền kiểm soát có xu hướng giữ tiền mặt, hoặc tương tự nhiều hơn mức cần thiết của DN. Lý do vì với tiền mặt, cổ đông nắm quyền kiểm soát có thể thực hiện các giao dịch có lợi cho mình dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, cổ đông kiểm soát cũng có xu hướng che dấu, hay thay đổi số liệu để trục lợi (expropriate) cổ đông nhỏ.
Thêm vào đó, nếu cổ đông kiểm soát và DN lại cùng chung trong tập đoàn, cổ đông nhỏ rất dễ bị trục lợi. Nhưng cũng có trường hợp cổ đông kiểm soát dùng các thủ thuật để làm đẹp bảng cân đối kế toán trong ngắn hạn, khi DN có vấn đề về tài chính, thông qua RPTs để thực hiện ý đồ riêng của mình, như làm giá cổ phiếu, định giá lại DN…
Trong trường hợp pháp luật bảo vệ nhà đầu tư còn thiếu và yếu, mức độ tập trung sở hữu trong DN cổ phần cao, nhà đầu tư nhỏ lẻ đương nhiên rất e ngại đầu tư lâu dài vào DN. Cùng với sự hạn chế vai trò của nhà đầu tư tổ chức, phần lớn DN cổ phần sẽ hoạt động không hiệu quả, hoặc dưới tiềm năng của mình.
Bảo vệ cổ đông nhỏ bằng cách nào?
Thay vào đó, một số khuyến nghị sau có thể bảo vệ phần nào quyền lợi của cổ đông nhỏ. Thứ nhất, tăng quyền bỏ phiếu của cổ đông nhỏ trong ĐHCĐ, bằng cách không cho cổ đông có liên quan đến RPT bỏ phiếu. Như vậy, việc thông qua các quyết định có dính đến RPT sẽ khách quan hơn. Thứ hai, cấm DN bảo lãnh nợ cho cổ đông kiểm soát, hay phải đảm bảo minh bạch trong các giao dịch tài sản liên quan đến cổ đông kiểm soát hay bên có liên quan.
Ở Việt Nam cũng rộ lên các vụ RPT để rút ruột cổ đông nhỏ. Người quan tâm đến chủ đề này có thể dễ dàng thấy được từ công ty chưa niêm yết đến công ty đang trên sàn.
Vì các DN cổ phần ở Việt Nam có mức độ tập trung quyền sở hữu cao, thêm vào đó là thể chế và pháp luật bảo vệ nhà đầu tư chưa hoàn thiện, vai trò của nhà đầu tư tổ chức, ngân hàng đầu tư, cũng như vai trò độc lập trong ban điều hành (independent boards) chưa được nhìn nhận đúng, các giải pháp ở các thị trường phát triển không thể áp dụng được ở Việt Nam.
Thứ ba, cần thay đổi công ty kiểm toán định kỳ. Vì thực tế cho thấy, công ty kiểm toán ở năm kết thúc nhiệm kỳ sẽ làm tốt nhất phần việc của mình, để chuẩn bị bàn giao cho công ty kiểm toán mới. Đương nhiên, cần có sự độc lập giữa 2 công ty kiểm toán này.
Cuối cùng, cần hoàn thiện các luật để bảo vệ nhà đầu tư và DN. Khi nhà đầu tư cá nhân là cổ đông nhỏ không thấy bị chèn ép quá đáng, DN được bảo vệ để mạnh dạn đầu tư phát triển, nhất là trong nghiên cứu sáng tạo, bản quyền, nguồn vốn cho DN sẽ dồi dào hơn, bớt phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
Kỳ vọng khi các khuyến nghị trên được thực hiện, quyền lợi của cổ đông nhỏ sẽ được bảo vệ tốt hơn, từ đó khuyến khích người dân tin tưởng vào sự lành mạnh của môi trường DN và thị trường vốn. Cộng đồng DN phát triển lành mạnh sẽ kéo theo giải quyết công ăn việc làm, từ đó nâng cao sự phồn thịnh của người dân và quốc gia.
* TS. Võ Đình Trí - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global