Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA: Quả ngọt sau một thập niên đàm phán

Theo Phong Cầm/nhadautu.vn

Nếu tính mốc là tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA, để đạt được kết quả tốt đẹp như này hôm nay, có thể nói Việt Nam và EU đã trải qua một thập niên đàm phán đầy hiệu quả và chất lượng.

Hiệp định EVFTA đã được thông qua với số phiếu 401/192/40. (Nguồn: Trang Twitter của Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu)
Hiệp định EVFTA đã được thông qua với số phiếu 401/192/40. (Nguồn: Trang Twitter của Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu)

Chiều 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) với 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng. Cùng với việc thông qua EVFTA, EP đã thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống, 53 phiếu trắng.

Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư đến các vấn đề phát triển bền vững. 

Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực sau 1 tháng kể từ khi hai bên thông báo cho nhau là đã hoàn tất các thủ tục pháp lý sau khi EP phê chuẩn thủ tục cuối là Hội đồng châu Âu tán thành. 

Về phía Việt Nam, EVFTA sẽ phải chờ Quốc hội nước ta phê chuẩn vào tháng 5 tới đây và Chủ tịch nước ký ban hành, lúc đó mới được coi là hoàn tất các thủ tục pháp lý. Sau một tháng, EVFTA sẽ được áp dụng trên thực tế. 

Riêng với Hiệp định EVIPA còn phải chờ Quốc hội của các nước thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn. Quá trình này có thể kéo dài tới 3 năm hoặc hơn. 

Có thể nói với việc thông qua hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, đây là những hiệp định quan trọng vì kết nối Liên minh châu Âu với Việt Nam trong nỗ lực hợp tác không chỉ trong lĩnh vực thương mại và kinh tế (mặc dù thương mại và kinh tế là nội dung cốt lõi), mà còn tăng cường mối quan hệ giữa EU và Việt Nam.

Lãnh đạo EP cũng khẳng định là sẽ trông chờ vào hai hiệp định quan trọng này vì thực tế nó quan trọng đối với EU. "Chúng ta cần một thế giới có ít thuế quan hơn, hợp tác nhiều hơn và tôi tin rằng đây là một đóng góp của tất cả chúng ta cho hoà bình và cùng tồn tại giữa tất cả các dân tộc", người đứng đầu EP, ông David Sassoli nói.

Các chuyên gia trong nước cho rằng, việc EP thông qua EVFTA với tỷ lệ phiếu đồng thuận cao cho thấy vai trò, vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Đối với cả hai hiệp định, số phiếu thuận nhiều hơn tới gấp hai lần rưỡi số phiếu không thuận, cho thấy giới chính trị châu Âu thể hiện rõ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.  Và thực tế, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn hiệp định sớm được áp dụng vì họ đã chờ đợi quá lâu kể từ khi 2 bên đàm phán. 

Rõ ràng, khi cả hai Hiệp định EVFTA và EVIPA thực thi, cả Việt Nam và EU đều có lợi. Vì với Hiệp định EVFTA, sẽ dở bỏ hầu hết hàng rào thuế quan; còn với Hiệp định EVIPA sẽ củng cố niềm tin cho doanh nghiệp là họ sẽ được bảo vệ. 

Với Hiệp định EVFTA, dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7/2020. Khi EVFTA có hiệu lực, 65% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức. Số còn lại như xe máy, ô tô, dược phẩm, hoá chất, nông sản..., theo lộ trình, sẽ giảm thuế dần dần trong 10 năm. Về phía Việt Nam, 71% hàng xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng sẽ được miễn thuế ngay lâp tức. Phần còn lại, thuế cũng sẽ được giảm dần trong vòng 7 năm.

Trong phiên tranh luận cuối cùng tại EP, các Nghị sĩ đưa ra nhiều lập luận đa chiều, nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau về tác động đối với hai hiệp định vừa ký với Việt Nam. Dù không phải mọi ý kiến đều đồng thuận, nhưng đa số các Nghị sĩ cho rằng cả hai hiệp đình đều có lợi cho hai bên, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà việc phê chuẩn hai hiệp định sẽ mở ra triển vọng về mục tiêu dài hạn là tiến tới thoả thuận thương mại ở cấp độ cao hơn giữa Liên minh châu Âu với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phải khẳng định rằng, Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác. 

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Những mốc thời gian chính

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.

Ngày 30 tháng 6 năm 2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.

Ngày 21 tháng 1 năm 2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.