Nguồn cung hàng Tết dồi dào, giá có bị “thổi”?

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn cung hàng Tết Nguyên đán sắp tới đã được các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối chuẩn bị khá kỹ từ vài tháng nay. Mặc dù như vậy cũng không thể lơ là, thiếu kiểm soát để xảy ra tình trạng biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường, vấn nạn hàng giả, hàng nhái dễ bề bùng phát.

Sở Công Thương Hà Nội cam kết trong vòng 3 giờ sau khi tiếp nhận các thông tin có biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường sẽ có biện pháp xử lý. Nguồn: Internet
Sở Công Thương Hà Nội cam kết trong vòng 3 giờ sau khi tiếp nhận các thông tin có biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường sẽ có biện pháp xử lý. Nguồn: Internet

Theo dự báo, các mặt hàng Tết năm nay sẽ giữ giá ổn định, duy chỉ có mặt hàng thực phẩm, giá có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết nhưng không có biến động lớn vì nguồn cung tương đối ổn định.

Nguồn cung tăng

Trong tháng 12/2017, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước biến động tăng phổ biến trong khoảng 27.000 - 35.000 đồng/kg. Dự báo vào thời điểm Tết, giá lợn có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết (theo quy luật hàng năm).

Theo báo cáo, tổng lượng hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội phục vụ hàng Tết lên đến hơn 43.000 tỷ đồng. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương cho biết tổng giá trị hàng hóa cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 của các DN sản xuất, cung ứng gần 18.000 tỷ đồng, tăng 743 tỷ đồng so với dịp Tết năm ngoái. 

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết các DN trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ nhiều tháng nay, với tổng lượng hàng hóa khoảng 26.000 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng cho dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), DN này đã chuẩn bị phục vụ Tết từ rất sớm. Các điểm kinh doanh của Hapro sẽ phục vụ đến chiều tối 30 Tết, một số địa điểm dịch vụ sẽ phục vụ xuyên giao thừa. 

Một số địa điểm tại trung tâm thành phố, nơi tập trung nhiều du khách nước ngoài sẽ mở cửa bán hàng ngay sáng mùng Một Tết. Các địa điểm khác sẽ mở cửa lần lượt ngày mùng Hai và mùng Ba. Đến ngày mùng Bốn, toàn hệ thống sẽ mở cửa phục vụ người dân bình thường.

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã phối hợp với các nhà cung cấp có kế hoạch tăng cường lượng hàng để sẵn sàng phục vụ Tết. Tổng nguồn hàng mà Saigon Co.op dự kiến chuẩn bị chương trình bình ổn năm nay lên đến hơn 130.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. 

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc vùng vận hành Vinmart miền Bắc, công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thành viên Tập đoàn Vingroup), chia sẻ chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng Vinmart đã tổ chức 446 điểm bán để phục vụ nhân dân dịp Tết với lượng hàng hóa dự trữ phong phú, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. 

“Tại mỗi siêu thị Vinmart đều có 1 phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Dự kiến, lượng người mua sắm sẽ tăng cao trong dịp Tết, hệ thống Vinmart đã bố trí tăng thêm 30% nhân lực và 30% quầy thanh toán, đảm bảo phục vụ thuận lợi, nhanh chóng nhất cho người dân”, bà Dung nói.

Đại diện công ty Hải Anh cho biết đơn vị đã chuẩn bị trên 60.000 con lợn, tương đương 7.000 tấn thịt lợn tươi; Đồng thời dự trữ 500 tấn thịt đông lạnh để cung cấp đảm bảo nhu cầu trong dịp Tết Mậu Tuất. Công ty cũng đã ký hợp đồng rất sớm với các đơn vị cung cấp, đảm bảo giá cả trong dịp Tết này không bị biến động.

Không thể lơ là

Công tác chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết được đánh giá là khá chu đáo, tuy nhiên để tránh các tình xuống xấu xảy ra cần phải quan tâm hơn sát sao, không thể lơ là. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết đối với ngành nông nghiệp, trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo sản xuất, tình hình sản xuất, cung ứng hàng nông sản trong quý I/2018 không có biến động lớn, đảm bảo nhu cầu dịp Tết. Tuy nhiên, có thể xảy ra thiếu cục bộ ở một số mặt hàng nhất định do ảnh hưởng của thời tiết.

Bên cạnh đó, bà Lan cho biết Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước và DN. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các DN phát triển sản xuất, đảm bảo không gây cản trở lưu thông hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết Mậu Tuất.

Đặc biệt, bà Lan khẳng định trong vòng 3 giờ sau khi tiếp nhận các thông tin, báo cáo về việc có biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng của Sở Công Thương, Sở sẽ triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả, vận chuyển và tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa điểm có biến động.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý cần theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng để đảm bảo ổn định thị trường trong thời gian trước, trong và sau Tết, đặc biệt là thời điểm sau Tết thường hay có tâm lý lơ là, chủ quan. 

Cùng với đó, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu, các đơn vị cần tổ chức chu đáo hội chợ xuân trên địa bàn, quy hoạch điểm bán hàng, điểm diễn ra hội chợ và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Tạo điều kiện hội chợ xuân, hội chợ hoa Tết được bảo đảm. Đồng thời, tăng cường rà soát, xử lý các điểm có nguy cơ cao về hàng hóa lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.