Phát triển kinh tế du lịch biển gắn với an ninh trật tự vùng Duyên hải Nam Trung Bộ


Sự phát triển kinh tế du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống xã hội và củng cố an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế du lịch biển cũng gây ra những phức tạp về an ninh trật tự, nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Sự phát triển kinh tế du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Nguồn: Internet
Sự phát triển kinh tế du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Nguồn: Internet

Trong quá trình phát triển kinh tế du lịch biển cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế du lịch biển... Bài viết đánh giá vai trò và những hạn chế của các chủ thể trong quá trình phát triển và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của các chủ thể trong phát triển kinh tế du lịch biển gắn với an ninh trật tự vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Cơ cấu các chủ thể tham gia phát triển kinh tế du lịch biển gắn với an ninh trật tự

Nghiên cứu thực tế cho thấy, kinh tế du lịch biển (KTDLB) là ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm các yếu tố, các quan hệ lợi ích nảy sinh khi con người hoạt động du lịch ở không gian biển hoặc có liên quan đến biển và diễn ra trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Trong quá trình phát triển KTDLB có nhiều chủ thể thuộc nhiều ngành, lĩnh vực tham gia. Chủ thể là những cá nhân, nhóm người, tổ chức tham gia hoạt động phát triển KTDLB hoặc có quan tâm (gắn liền) đến phát triển KTDLB hoặc bị ảnh hưởng (tích cực hay tiêu cực) bởi quá trình phát triển KTDLB. Theo đó, cơ cấu các chủ thể tham gia phát triển KTDLB bao gồm: Khách du lịch biển, doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch biển, dân cư ở địa bàn du lịch biển, các cơ quan nhà nước ở địa phương vùng du lịch biển và các chủ thể khác có liên quan. Mỗi chủ thể theo đuổi một mục đích khác nhau và có lợi ích riêng, do đó quan hệ giữa các chủ thể là quan hệ vừa hỗ trợ, liên kết, hợp tác vừa cạnh tranh và phát sinh mâu thuẫn, tạo nên các mối quan hệ phức tạp.

Thực tiễn phát triển KTDLB cho thấy, để thu hút và giữ chân được khách du lịch tại điểm đến thì điều kiện mang tính nguyên tắc đó là có sự ổn định về chính trị, sự đảm bảo về an ninh, an toàn cho con người cũng như hoạt động của con người và toàn xã hội. Hơn nữa, trong quá trình phát triển KTDLB luôn phải đối phó với những nguy cơ, thách thức rất lớn về an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Do đó, vấn đề an ninh trật tự (ANTT) luôn được các địa  phương coi trọng, nhất là vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - một địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh của cả nước. Theo đó, cơ cấu các chủ thể trong quá trình phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có thể chia thành các nhóm sau:

Nhóm 1: Nhà nước và cơ quan quản lý ngành Du lịch từ Trung ương đến địa phương có liên quan đến phát triển KTDLB (Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh/thành phố, Sở Du lịch/ Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ...).

Nhóm 2: Cơ quan chuyên trách và các lực lượng đảm bảo ANTT trong phát triển KTDLB (Bộ Công an, Sở Công an, Bộ đội biên phòng các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ…)

Nhóm 3: Các DN hoạt động KTDLB ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, bao gồm các DN chuyên ngành Du lịch và du lịch biển (công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, đại lý du lịch, công ty chuyên vận chuyển khách du lịch, hãng tàu du lịch biển, nhà hàng du lịch…) và các DN phục vụ du lịch, du lịch biển (sản xuất đồ lưu niệm, phương tiện, thiết bị, đồ dùng cho du lịch biển…).

Nhóm 4: Dân cư địa phương ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Nhóm 5: Khách du lịch biển đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (bao gồm cả khách tham quan, quá cảnh).

Nhóm 6: Các chủ thể khác có liên quan đến phát triển KTDLB, đảm bảo ANTT vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (các tổ chức cộng cồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức hợp tác quốc tế, các nhà đầu tư, tài trợ … đáp ứng nhu cầu phát triển KTDLB và đảm bảo ANTT trong vùng.

Trong số các chủ thể, lực lượng của ngành Du lịch và Công an có vai trò là nòng cốt trong quá trình phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Vai trò của các chủ thể trong quá trình phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự

Một số thành công

Thực tiễn phát triển KTDLB vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua cho thấy, các chủ thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và KTDLB nói riêng, đồng thời đảm bảo môi trường xã hội ổn định, an toàn, lành mạnh cho các hoạt động KTDLB và hoạt động kinh tế - xã hội nói chung của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, cụ thể như sau:

Phát triển kinh tế du lịch biển gắn với an ninh trật tự vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Ảnh 1

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã hoạch định đường lối, chủ trương phát triển du lịch rõ ràng, ban hành các văn bản pháp luật và chính sách thông thoáng, thuận lợi cho phát triển KTDLB, điển hình như: Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Triển khai chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành các Luật liên quan đến phát triển KTDLB và đảm bảo ANTT như: Luật An ninh quốc gia (2004), Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Du lịch (2017), Luật Xuất nhập cảnh (2018)… Ngay sau khi các Nghị quyết và Luật được ban hành, Chính phủ đã có các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật như: Nghị định số 74/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An ninh quốc gia; Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội…

Thứ hai, cơ quan quản lý ngành Du lịch từ Trung ương đến địa phương cùng với các bộ, ngành có liên quan đã chỉ đạo, hỗ trợ phát triển KTDLB thông qua việc triển khai thực hiện chính sách phát triển KTDLB, xây dựng các kế hoạch, quy hoạch cụ thể về phát triển KTDLB, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động liên quan đến phát triển KTDLB và đảm bảo ANTT, tạo sự chuyển biến tích cực cả về quy mô và chất lượng trong KTDLB và sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Cụ thể: Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-BVHTTDL ngày 6/2/2012 về việc tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”.

Bộ VHTTDL cùng các bộ, ngành liên quan cũng đã có các Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch, du lịch biển và đảm bảo ANTT. Bộ VHTTDL chỉ đạo Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch cùng với chính quyền địa phương trong vùng thực thi các chính sách phát triển du lịch biển, xây dựng và tổ chức thực hiện đề án, quy hoạch phát triển KTDLB đối với 8 địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Kết hợp với UBND các tỉnh tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn cấp quốc gia về phát triển du lịch biển ở trong vùng. Thông qua các cuộc hội thảo và diễn đàn phát triển du lịch biển, các địa phương đã có phương hướng, giải pháp phát triển du lịch biển đạt hiệu quả, thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch biển của vùng, thu hút các nhà đầu tư cũng như tăng lượng khách đến tham quan, du lịch trong vùng…

Thứ ba, UBND đã chỉ đạo các sở, ban ngành quản lý chặt chẽ các hoạt động KTDLB trên địa bàn, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về du lịch biển, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KTDLB trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tham gia công tác đảm bảo ANTT trong phát triển KTDLB trên địa bàn, nhằm tạo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và văn minh.

KTDLB là ngành có tính tổng hợp, đa ngành và xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều hoạt động và nhiều chủ thể tham gia, vì vậy UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp quản lý các hoạt động KTDLB trên địa bàn. Cùng với đó, để triển khai các hoạt động quản lý KTDLB, các tỉnh đều xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án an ninh du lịch, trong đó huy động sự tham gia của nhiều chủ thể và mỗi chủ thể có vai trò nhất định trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong hoạt động du lịch. Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung Bộ còn thành lập Trung tâm Xúc tiến du lịch để hỗ trợ khách du lịch đến tham quan, du lịch trên địa bàn và ban hành quy chế phối hợp trong công tác hỗ trợ khách du lịch.

Phát triển kinh tế du lịch biển gắn với an ninh trật tự vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Ảnh 2

Đặc biệt, để thực hiện tốt các Đề án an ninh du lịch, giải quyết các vấn đề phức tạp về ANTT nảy sinh trong hoạt động du lịch biển, các tỉnh đã thành lập Đội công tác liên ngành đảm bảo ANTT trong hoạt động du lịch trên địa bàn, trong đó có nhiều chủ thể tham gia như: Lực lượng Công an, Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội; Phòng quản lý đô thị; Đội Thanh niên xung kích…  

Thứ tư, các DN đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biển, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch biển; Công tác xúc tiến quảng bá du lịch có sự chuyển biến ngày càng tăng về quy mô và chất lượng; Hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả đã đem lại nhiều lợi ích cho Ngành, cho địa phương cũng như toàn xã hội.

Trên cơ sở chính sách phát triển du lịch thuận lợi, thông thoáng, các DN đã phát huy được vai trò của mình trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch biển, tham gia vào các dự án đầu tư du lịch biển, tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt nam; tăng quy mô, tăng chất lượng dịch vụ du lịch biển; tham gia nhiều loại hình KTDLB như: Kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch biển và các dịch vụ du lịch biển khác. Theo thống kê, 10 năm qua, tăng trưởng lượng khách du lịch đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đạt bình quân 17,3%/năm, tổng nguồn thu từ du lịch của các địa phương trong Vùng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28,3%, đứng thứ 3/7 vùng trong cả nước, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Đồng thời, các DN đều cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn dân chủ động phòng chống các loại tội phạm” các địa bàn du lịch; các DN đều xây dựng DN đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” theo hướng dẫn của Bộ Công an, góp phần xây dựng môi trường du lịch an toàn và lành mạnh trong Vùng.

Những hạn chế

Bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong quá trình phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong xây dựng hệ thống Luật, ban hành chính sách và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cho phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT.

Hiện nay Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 24 nước, tức là còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực (Thái Lan miễn thị thực cho 61 nước và vùng lãnh thổ, Malaysia miễn thị thực cho 155 nước và vùng lãnh thổ, Philippines miễn thị thực cho 157 nước và vùng lãnh thổ, Singapore miễn thị thực cho 158 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước và vùng lãnh thổ).

Các hoạt động du lịch biển hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Du lịch, Luật Biển Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy vậy, Việt Nam chưa có Luật về du lịch biển hay Luật về du lịch tàu biển, trong khi đó du lịch tàu biển đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, Việt Nam còn thiếu các Luật chuyên ngành về kinh doanh lữ hành, kinh doanh khách sạn, vận chuyển khách du lịch, Luật kinh doanh trò chơi, dịch vụ giải trí trên biển...

Các chính sách phát triển của Nhà nước đã thông thoáng song độ mở cửa quốc tế chưa cao. Hiện nay Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 24 nước, tức là còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực (Thái Lan miễn thị thực cho 61 nước và vùng lãnh thổ, Malaysia miễn thị thực cho 155 nước và vùng lãnh thổ, Philippines miễn thị thực cho 157 nước và vùng lãnh thổ, Singapore miễn thị thực cho 158 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước và vùng lãnh thổ). Việc cấp thị thực tại các cửa khẩu còn hạn chế, thời gian lưu trú ít, không quá 15 ngày và chưa áp dụng thị thực điện tử (E-Visa).

Một hạn chế khác là Nhà nước chưa đầu tư khai thác triệt để các lợi thế của Vùng, nhất là cảng biển du lịch, bởi đây là lợi thế lớn nhất về phát triển du lịch biển của Vùng. Thêm vào đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Nhà nước vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao trong khi thương hiệu du lịch biển Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao. Thị trường khách du lịch quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch biển Việt Nam; quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch biển còn hạn chế; nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch nói chung còn thấp. Mỗi năm, Việt Nam đầu tư khoảng 2 triệu USD cho xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch quốc gia, trong khi các nước khác đầu tư khoảng 80-100 triệu USD/ năm…

Thứ hai, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển du lịch chưa thật sự hiệu quả; chính quyền địa phương còn hạn chế trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động KTDLB, công tác đảm bảo ANTT; sự phối hợp giữa các sở, ban ngành chức năng còn bất cập, mang tính hình thức; vẫn xảy ra các vụ việc mất ANTT, các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động KTDLB và các vi phạm pháp luật về KTDLB trên địa bàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Công tác quản lý nhà nước và của các cơ quan chức năng còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn trước sự phát triển nhanh của hệ thống khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và sự tăng trưởng nóng của thị trường khách quốc tế đến từ các nước (Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc). Lượng khách tăng nhanh dẫn đến quá tải và không đáp ứng kịp về cơ sở hạ tầng, nhân lực, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lữ hành gây mất ANTT, vi phạm pháp luật Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến an ninh quốc phòng.

Thứ ba, các DN chưa thực sự quan tâm đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thậm chí sản phẩm và dịch vụ du lịch biển không có tính độc đáo, độ an toàn không cao, sức hút thấp, gây nhàm chán, nên khách du lịch đến Vùng với thời gian lưu trú rất ngắn, chi tiêu không cao, hạn chế sự tham gia của khách du lịch khi đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch trong các DN còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển; thiếu đội ngũ thuyết minh du lịch, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, uy tín và chất lượng. Chính những hạn chế về nhân lực du lịch đã làm giảm lợi nhuận của DN, thu hẹp thị trường khách du lịch của các DN, chưa đem đến sự hài lòng cho khách du lịch, khó thuyết phục khách quay trở lại và khai thác được thị trường khách mới cho DN rất khó khăn.

Các DN du lịch còn chạy theo lợi ích trước mắt, ngắn hạn chưa chú trọng nhiều đến sự phát triển bền vững về tự nhiên và xã hội; cách tiếp cận về phát triển du lịch bền vững chưa dựa trên lợi ích và sự tham gia của cộng đồng địa phương. Một số công ty đã hoạt động trái phép, vi phạm các quy định pháp luật trong kinh doanh du lịch, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Du lịch và lợi ích chung của địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, hầu hết các DN du lịch cũng chưa liên kết chặt chẽ, chưa tham gia tích cực vào các tổ chức, hiệp hội và còn hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản lý, thiếu tính chuyên nghiệp, sức cạnh tranh yếu; nhiều dự án du lịch ven biển sau khi được cấp phép đã bị bỏ hoang gây lãng phí…

10 năm qua, tăng trưởng lượng khách du lịch đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đạt bình quân 17,3%/năm, tổng nguồn thu từ du lịch của các địa phương trong Vùng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28,3%, đứng thứ 3/7 vùng trong cả nước, tạo việc làm cho nhiều người lao động.

Thứ tư, dân cư địa phương tham gia vào các hoạt động KTDLB chưa có tính chuyên nghiệp, mang tính tự phát và hoạt động tự do ở các tuyến du lịch biển, đảo; hạn chế về các nguồn lực và kinh nghiệm trên thị trường, mức độ chủ động tham gia vào các hoạt động KTDLB chưa cao; mâu thuẫn về lợi ích của dân cư địa phương và lợi ích của các DN có dự án du lịch biển ngày càng tăng…

Giải pháp nâng cao vai trò của các chủ thể trong phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật và đổi mới chính sách phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như: Chính sách đất đai, tài chính, thuế, ngoại thương (xuất nhập khẩu trang thiết bị), các chính sách hỗ trợ, giảm chi phí yếu tố đầu vào cho các DN du lịch, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường (giá xăng, điện, nước…); Mở đường bay trực tiếp kết nối vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với các điểm đến trong nước và quốc tế; Chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn nghề trong lĩnh vực du lịch. Chính sách miễn thị thực cần mở rộng hơn và tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế, Việt kiều đến du lịch biển ở trong Vùng.

Tăng cường đầu tư ngân sách cho các dự án phát triển du lịch biển, phát triển cơ sở hạ tầng vùng biển (cảng biển du lịch, bến du thuyền, giao thông tuyến biển, bãi đỗ xe du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm quốc tế…); Tăng cường ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (vốn cấp ban đầu 300 tỷ đồng) để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; Đầu tư kinh phí đào tạo đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và hỗ trợ kinh phí đào tạo lực lượng đảm bảo ANTT trên địa bàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Hai là, tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch của các cơ quan chuyên ngành du lịch; nâng cao năng lực của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong quản lý các hoạt động có liên quan đến KTDLB gắn với đảm bảo ANTT vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương các cấp chủ động nắm tình hình, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh du lịch biển; chỉ đạo và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trên địa bàn, những vi phạm trong hoạt động KTDLB.

Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan quản lý với các DN trong việc khai thác tài nguyên biển, phát triển sản phẩm du lịch biển và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển KTDLB ở địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Phối hợp cùng các sở, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh du lịch biển, giảm các chi phí hoạt động kinh doanh du lịch biển, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho DN du lịch biển như: Giảm giá điện, miễn thuế nhập các thiết bị sử dụng cho khách sạn 5 sao, cải tiến quy trình, thủ tục nhập cảnh để rút ngắn thời gian xin thị thực cho du khách…

Ba là, tăng cường quản lý các địa bàn du lịch biển, đảm bảo ANTT trong phát triển KTDLB vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đó, lực lượng công an chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường công tác quản lý địa bàn được phụ trách (cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, công ty vận tải khách du lịch…), quản lý khách du lịch nước ngoài trên địa bàn du lịch biển; tham gia tích cực vào các tổ phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các vụ việc mất ANTT trên địa bàn du lịch biển và các vụ việc xảy ra đối với khách du lịch, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện; Tăng cường phối hợp với ngành Du lịch trong công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về phát triển KTDLB, về ANTT ở địa phương; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hoạt động không phép, vi phạm pháp luật, hoạt động núp bóng của cá nhân, tổ chức nước ngoài trên địa bàn du lịch biển.

Bốn là, các DN tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; chú trọng đến vấn đề chăm sóc, hỗ trợ và thái độ phục vụ đối với khách du lịch để thu hút khách du lịch trên địa bàn. Theo đó, các DN đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn cho phát triển đa dạng các loại sản phẩm và dịch vụ du lịch biển; xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch biển độc đáo, mang sắc thái riêng cho từng địa phương trong vùng; phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch biển mới, nhằm thu hút các thị trường khách trong nước và quốc tế lưu trú dài ngày trên địa bàn, chi tiêu lớn cho du lịch. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; liên kết, hợp tác với nhau và với các nhà cung ứng thành chuỗi liên kết kinh doanh phục vụ khách du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách sự hiểu biết về những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh đẹp thiên nhiên vùng biển, những phong tục tập quán, những thông tin về điểm đến mà du khách trải nghiệm.

Hiện nay Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 24 nước, tức là còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực (Thái Lan miễn thị thực cho 61 nước và vùng lãnh thổ, Malaysia miễn thị thực cho 155 nước và vùng lãnh thổ, Philippines miễn thị thực cho 157 nước và vùng lãnh thổ, Singapore miễn thị thực cho 158 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước và vùng lãnh thổ).

Cùng với đó, các DN du lịch phải chủ động nắm vững trạng thái tâm lý, nhu cầu của du khách để giải quyết linh hoạt, mềm dẻo những tình huống phức tạp và ngăn chặn kịp thời không để hậu quả xấu xảy ra đối với du khách trong hoạt động du lịch biển; Chủ động xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản, bảo vệ du khách và đảm bảo ANTT trên địa bàn; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi vi phạm pháp luật về du lịch biển; Phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn; xây dựng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và văn minh.

Năm là, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT trên địa bàn; nâng cao nhận thức của du khách về phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT trên địa bàn hướng tới sự phát triển bền vững du lịch biển.

Chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân, du khách về những lợi ích của phát triển KTDLB cũng như vai trò của đảm bảo ANTT ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với nội dung tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho dân cư trực tiếp tham gia vào hoạt động phát triển KTDLB có hiệu quả và hưởng lợi từ hoạt động du lịch biển như: Cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, các dịch vụ chở khách du lịch thăm đảo, dịch vụ câu cá, kinh doanh đồ lưu niệm, sản phẩm vùng biển, hướng dẫn du lịch, thuyết minh du lịch… 

Trong quá trình tham gia vào hoạt động phát triển KTDLB, dân cư cũng cần tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm; duy trì hoạt động của các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, xây dựng các cụm dân cư an toàn về an ninh, trật tự vùng biển; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm; nắm rõ âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; chủ động, tích cực phòng ngừa, phát hiện vụ việc và nhanh chóng kịp thời báo với các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết.

Đối với khách du lịch, nâng cao nhận thức về phát triển KTDLB gắn với đảm bảo ANTT. Bên cạnh các hoạt động thưởng ngoạn, khám phá điểm đến du lịch, khách du lịch phải thường xuyên chú ý đến các vấn đề liên quan đến ANTT, tự đề phòng trong quá trình du lịch biển như: Chú ý bãi biển có sóng ngầm, bãi đá, độ sâu nguy hiểm, chú ý các quy định khi tắm biển, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, những cảnh báo về trộm cắp, móc túi nơi đông người, cảnh báo khi đi chơi đêm khuya, đi vào khu vực cấm…        

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Trọng Bình (2007), Một số giải pháp đột phá phát triển du lịch vùng biển và ven biển Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Hà Nội;
  2. Đào Ngọc Cảnh (2011), Giáo trình Tổng quan du lịch, NXB Đại học Cần thơ;
  3. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2009), Giáo trình kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội;
  4. Vũ Mạnh Hà (2014), Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội;
  5. Phạm Hoàng Hải (2011), Những mô hình phát triển kinh tế hải đảo Việt Nam, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội;
  6. Học viện ANND (2012), Kỷ yếu tọa đàm khoa học an ninh biển đông và công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hà Nội;
  7. Học viện An ninh nhân dân (2014), Lý luận bảo vệ an ninh quốc gia (tập 4);
  8. Bộ VHTTDL (2016), Báo cáo thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam (phục vụ Hội nghị du lịch toàn quốc về phát triển du lịch), Hà Nội.