Tăng cường giám sát dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Theo Hà My/saigondautu.com.vn

Sáng 9/6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.

Tăng cường giám sát dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Tăng cường giám sát dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Tránh thông thầu, tiêu cực trong triển khai dự án

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn năm 2017-2020, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét 3 dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo nghị quyết của Quốc hội; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM trong phiên thảo luận tổ ngày 9-6Ảnh: VIẾT CHUNG
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM trong phiên thảo luận tổ ngày 9-6Ảnh: VIẾT CHUNG

Thảo luận tại tổ TPHCM, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc chuyển hình thức đầu tư sang dùng vốn ngân sách sẽ tạo động lực, sức sống cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, tránh tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu, để nhà thầu không đủ năng lực tham gia; đồng thời tạo cơ chế để nhà đầu tư trong nước liên kết được với nhau đầu tư.

Trường hợp chỉ định thầu thì chỉ thực hiện nếu phương án đó là tối ưu, mang tính hợp lý cao, song cũng cần phải kiểm tra, giám sát, tránh để tình trạng chạy chọt tham gia dự án. Đồng thời ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần thúc đẩy ra đời Luật PPP để hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn tham gia, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; không nên vì một số dự án gây bức xúc dư luận mà chậm xây dựng Luật PPP, làm nhà đầu tư nản lòng.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, năm 2017, Quốc hội đã có nghị quyết về 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Như vậy, với phương án trình của Chính phủ sẽ có 6 dự án dùng vốn ngân sách nhà nước. Ủng hộ quan điểm chuyển thêm 3 dự án sang đầu tư công để đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đang là điểm nghẽn lớn, nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị ngay từ đầu phải giám sát triển khai với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thông tin phải minh bạch hơn.

 Tạo cơ chế cho Hà Nội phát triển

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo quy định cho Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù như: thu phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ TPHCM sáng 9-6   Ảnh: VIẾT CHUNG
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ TPHCM sáng 9-6   Ảnh: VIẾT CHUNG

Thảo luận về cơ chế đặc thù cho thủ đô Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng những chính sách đưa trong nghị quyết không mới vì Quốc hội cũng đã từng có quyết sách như vậy với TPHCM. Chia sẻ về việc từng triển khai Nghị quyết 54 (thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng trong nghị quyết có những quy định được nhìn nhận là tạo lợi thế cho địa phương đó nhưng để  triển khai được là vô cùng khó khăn, nhiêu khê, thời gian kéo dài.

Ví dụ như tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở TPHCM chậm do chậm có hướng dẫn, nên việc hưởng cơ chế đặc thù chưa thực hiện được (theo Nghị quyết 54, ngân sách TPHCM được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế do UBND TPHCM quản lý, đại diện chủ sở hữu - PV).

Hay như dự thảo đưa ra cơ chế cho phép Hà Nội được sử dụng tiết kiệm quỹ cải cách tiền lương chi cho đầu tư phát triển, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm “việc này nói dễ thì không dễ nhưng nói khó cũng không phải khó”, bởi để làm được cần phải dự báo nguồn này có dồi dào như những năm vừa qua hay không.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, quyết sách cần mang tầm của Quốc hội, đã thí điểm cho ra thí điểm và đánh giá rút kinh nghiệm sau đó. Nếu thành công sẽ bổ sung mở ra hướng mới cho các địa phương. Chẳng hạn, Quốc hội cho Hà Nội tự chủ về tài chính theo hướng mỗi năm nộp ngân sách tỷ lệ bao nhiêu, số còn lại, Hà Nội được dùng đầu tư cho sự phát triển.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phân tích, giai đoạn vừa qua nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Đặc biệt, GRDP của Hà Nội cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người mới xếp thứ 8 cả nước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của thành phố có sự quá tải. Do đó cần có cơ chế để Hà Nội đầu tư mạnh hơn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.

Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để thủ đô phát triển quy định trong luật rất hạn chế. Cơ chế chính sách để thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh, đó là chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách liên quan đến tài khóa.

Những cơ chế chính sách đặc thù này mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển. Hiện Hà Nội có nhiều vấn đề bức bối về môi trường, ùn tắc giao thông, chất lượng cuộc sống người dân… Và, với ngân sách, nguồn lực hiện nay thì rất khó khăn để giải quyết.