Tuyên Quang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng


Tại Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 07/9/2016 phê duyệt Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

Phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất đạt trên 140.000 ha

Theo đó, tại Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 07/9/2016, UBND tỉnh Tuyên Quang đề ra các mục tiêu về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng gồm:

Một là, hàng năm trồng trên 10.000 ha rừng tập trung, phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt trên 140.000 ha, có trên 80% diện tích rừng được trồng bằng cây giống tiến bộ kỹ thuật, có năng suất, chất lượng cao.

Hai là, năng suất rừng trồng đạt bình quân trên 100m3/ha/chu kỳ không quá 7 năm, đạt trên 120m3/ha/chu kỳ không quá 10 năm; xây dựng 11.000 ha rừng kinh doanh gỗ lớn: Đưa tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính Ф ≥ 15cm) từ 30% sản lượng khai thác hiện nay lên 50% vào năm 2020 và trên 60% từ năm 2020 trở đi.

Ba là, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý rừng bền vững; phấn đấu đến năm 2020 có trên 11.000 ha rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC) hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động chế biến lâm sản và các sản phẩm xuất khẩu từ gỗ rừng trồng; đa dạng hóa sản phẩm rừng trồng, kết hợp giữa trồng rừng cung cấp nguyên liệu giấy, sản xuất dăm gỗ với cung cấp gỗ lớn phục vụ chế biến đồ mộc đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phát triển lâm sản ngoài gỗ, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập từ rừng.

Năm là, nâng tỷ lệ gỗ khai thác từ rừng trồng đưa vào tinh chế, sản xuất đồ mộc (chiếm khoảng 28% sản lượng khai thác hàng năm) nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ và nhà máy giấy, (chiếm 67,5% lượng khai thác hàng năm) và đảm bảo cho nhu cầu xã hội khác (khoảng 4,5% lượng khai thác hàng năm); đồng thời đảm nhiệm vai trò trung tâm chế biến gỗ lớn trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Sáu là, rừng trồng phòng hộ, đặc dụng chủ yếu được bảo vệ nghiêm theo kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; mục tiêu chủ yếu là đảm bảo về mặt xã hội, bảo vệ môi trường và phòng hộ đầu nguồn.

Đồng bộ các giải pháp

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, UBND Tỉnh chú trọng triển khai các giải pháp trọng tâm về quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn; Quy hoạch và quản lý đất lâm nghiệp; Cơ chế, chính sách; Khoa học và công nghệ; Tổ chức sản xuất lâm nghiệp, quản lý giống và tái sản xuất kinh doanh rừng; Giải pháp tài chính...

Theo đó, UBND Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với việc củng cố tổ chức, bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền trên tất cả các lĩnh vực; rà soát điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; Quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản gắn kết với vùng nguyên liệu; Quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn gắn với chính sách, nguồn lực cho phát triển bền vững; hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất được các công ty lâm nghiệp bàn giao cho địa phương; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và các loại đất khác theo quy định của Nhà nước.

Về quy hoạch và quản lý đất lâm nghiệp, UBND Tỉnh yêu cầu, rà soát điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; Quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản gắn kết với vùng nguyên liệu; Quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn gắn với chính sách, nguồn lực cho phát triển bền vững; Hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất được các công ty lâm nghiệp bàn giao cho địa phương; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và các loại đất khác theo quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, về giải pháp tài chính, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo thực hiện huy động lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ một phần cây giống trồng rừng sản xuất; chú trọng đẩy mạnh các hình thức liên doanh - liên kết để đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, vật tư phân bón...

Đồng thời, huy động mọi nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cho phát triển giống cây trồng lâm nghiệp; đồng thời huy động nguồn vốn trong dân để đầu tư trồng rừng sản xuất.