Việt Nam là “quốc gia đông dân có mức độ toàn cầu hóa cao nhất lịch sử hiện đại“

Theo Như Tâm/Quartz/ndh.vn

Theo đánh giá của Quartz, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dẫn lại, Việt Nam là quốc gia đông dân có mức độ toàn cầu hóa cao nhất lịch sử hiện đại.

Nền kinh tế toàn cầu hóa khác thường của Việt Nam là kết quả của việc tập trung xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế. Nguồn: Internet
Nền kinh tế toàn cầu hóa khác thường của Việt Nam là kết quả của việc tập trung xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế. Nguồn: Internet

Toàn cầu hóa đang trong giai đoạn khó khăn với việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), sự trỗi dậy của Tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Những yếu tố trên đang cản trở tiến trình hướng tới một nền kinh tế thế giới kết nối hơn. Tỷ lệ thương mại quốc tế so với GDP đã giảm từ 60% trong năm 2011 xuống còn 56% trong năm 2016.

Tuy nhiên, với Việt Nam, tỷ lệ thương mại so với GDP đã vượt 200% trong năm 2017. Đây là tỷ lệ cao nhất so với mọi quốc gia có dân số trên 50 triệu người, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ năm 1960. Trong số 20 quốc gia đông dân nhất thế giới, Việt Nam còn vượt xa Thái Lan ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 122%.

Việt Nam là “quốc gia đông dân có mức độ toàn cầu hóa cao nhất lịch sử hiện đại“ - Ảnh 1

Tỷ lệ thương mại trên GDP của 20 quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: Atlas.

Tỷ lệ này được tính bằng cách cộng tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu rồi chia cho GDP. Các nền kinh tế có tỷ lệ cao thường giàu và nhỏ. Hong Kong, Singapore và Luxembourg đều trên 300%. Các công ty tại những khu vực này thường xuất khẩu hàng hóa là chính do thị trường nội địa quá nhỏ để tiêu thụ toàn bộ nguồn cung.

Nền kinh tế toàn cầu hóa khác thường của Việt Nam là kết quả của việc tập trung xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế. Tương tự Trung Quốc trước đó, Việt Nam đã mở cửa thị trường lao động giá rẻ với các nhà đầu tư nước ngoài để trở thành trung tâm sản xuất.

Việt Nam hiện là một nước xuất khẩu lớn mặt hàng điện tử và dệt may, Mỹ và Trung Quốc là các thị trường chính. Để sản xuất được những mặt hàng này, Việt Nam lại nhập khẩu nhiều bộ phận máy móc từ Trung Quốc và Hàn Quốc, theo Quartz.

Toàn cầu hóa tốt cho Việt Nam. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 1990 lên khoảng 6.500 USD. Khác với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sự thịnh vượng của Việt Nam được đã chia sẻ. Tỷ lệ người nghèo đã giảm từ 70% hồi đầu những năm 1990 xuống khoảng 10% vào năm 2016.

Trong báo cáo gần đây, WB cho rằng tỷ lệ đói nghèo giảm nhờ lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra thêm việc làm.

Người dân Việt Nam cũng đã nhận ra lợi ích từ toàn cầu hóa. Trong khảo sát của Pew Research năm 2014, 95% người tham gia khảo sát trả lời “thương mại là điều tốt”.