Nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống gặp khó khăn
Năm 2020, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước tính duy trì đà tăng trưởng, mức tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, tại một số nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống, tình hình tổn thất bồi thường dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường.
Kết quả kinh doanh năm 2019 cho thấy, không ít nghiệp vụ truyền thống của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ suy giảm.
Chẳng hạn, tại Bảo Minh, bảo hiểm tài sản và thiệt hại giảm 19%, chủ yếu do sự giảm sút của bảo hiểm xây dựng lắp đặt. Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển giảm 12%, do các công ty bảo hiểm vẫn cạnh tranh gay gắt bằng cách hạ phí hàng hóa phi kỹ thuật, không thu phí tàu già hoặc chỉ thu phí tàu già khi có tổn thất đối với hàng sắt, thép chở rời nhập khẩu/xăng dầu chở rời.
Bảo hiểm tàu giảm 16%, do tình hình khủng hoảng của ngành vận tải biển kéo dài, dẫn đến giá trị tàu/số tiền bảo hiểm thân tàu giảm mạnh, nhiều chủ tàu bán tàu làm cho số tàu tái tục thân tàu và P&I giảm.
Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ tăng trưởng 25%, nhưng tỷ lệ bồi thường của các nhóm bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm hàng hóa tăng đáng kể so với năm 2018, mặc dù chính sách siết chặt khai thác đối với các rủi ro Cat 4, 5 dần có kết quả.
Bảo Minh đã chủ động áp dụng biện pháp hạn chế đối với các tàu có cấp đăng kiểm VR SB (đăng kiểm tàu sông pha biển) để hạn chế rủi ro bảo hiểm hàng hóa.
Ðồng thời, hãng bảo hiểm này đẩy mạnh việc kiểm soát nhận bảo hiểm đối với các rủi ro Cat 4 & 5, đặc biệt đối với nhóm khách hàng Ðài Loan/Trung Quốc nói chung và ngành gỗ Ðài Loan/Trung Quốc nói riêng.
Với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), hãng bảo hiểm này đối diện với tình trạng tàu cá nằm bờ xảy ra ngày càng phổ biến, trong đó có không ít tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP, sau thời gian ngắn đi vào hoạt động đã bị thua lỗ, cầm chừng, dẫn đến hàng loạt tổn thất như máy móc hư hỏng, thân tàu bị gỉ sét…
Tổn thất do thời tiết diễn biến phức tạp gây thiệt hại cả về người và tài sản xảy ra trong năm qua cũng là một trong những thách thức mà các hãng bảo hiểm phải tiếp tục đối mặt.
Không chỉ có nhiều bất lợi trong việc khai thác phí mới với những nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống, việc tái bảo hiểm trong bối cảnh kinh tế mới cũng ngày càng khó khăn hơn.
Theo Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), năng lực tái bảo hiểm của một số doanh nghiệp bảo hiểm là vấn đề cần bàn khi doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ bảo hiểm phức tạp (tài sản kỹ thuật, hàng hải) với giá trị hợp đồng lớn.
Thị trường tái bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tổn thất do thảm họa từ năm 2017 đến nay như bão Harvey, Irma, Maria năm 2017, siêu bão Michael 2018, Dorian 2019 ở Mỹ, hay một số thảm họa xảy ra ở Nhật Bản…, khiến nhiều Lloyds Syndicate (nghiệp đoàn bảo hiểm Lloyd) tiếp tục hạn chế hoặc dừng khai thác tạm thời và cố định nghiệp vụ kỹ thuật và tài sản.
Theo Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe), thị trường tái bảo hiểm chung áp dụng mức tăng phí cho các rủi ro công nghiệp từ 10% đến 50%, xu hướng thị trường chuyển dịch từ hợp đồng tái bảo hiểm tỷ lệ sang loại hình phi tỷ lệ.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam những năm gần đây, nghiệp vụ tàu biển và tài sản liên tục chịu tổn thất lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả bồi thường nhiều hơn số phí thu được. Do đó, phí mua tái bảo hiểm của 2 nghiệp vụ này từ các nhà tái bảo hiểm có xu hướng tăng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năng lực tài chính của các công ty tái bảo hiểm quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhiều dự báo cho rằng, thời gian tới, các công ty bảo hiểm gốc nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ phải trả nhiều phí hơn để mua được tái bảo hiểm từ thị trường do các công ty tái bảo hiểm siết chặt chính sách khai thác.
Ðại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, năm 2019 là một năm khá khó khăn đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt nghiệp vụ tài sản đã xảy ra nhiều vụ tổn thất lớn, khiến hợp đồng tái bảo hiểm của nhiều công ty bị lỗ nặng.
Ðây chính là nguyên nhân khiến Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re và một số nhà tái đứng đầu khác thắt chặt điều kiện, điều khoản, tăng phí tái bảo hiểm để hạn chế nguy cơ hợp đồng lỗ trong những năm tiếp theo.
Trong trường hợp các công ty bảo hiểm gốc của Việt Nam không đáp ứng và chấp nhận được các điều kiện này, các nhà tái đứng đầu sẽ đưa ra quyết định không tiếp tục nhận tái hoặc giảm tỷ lệ tham gia.
“Trong kỳ tái tục hợp đồng tái bảo hiểm năm 2020, không xuất hiện thêm nhiều nhà tái mới và sẵn sàng đảm nhận vai trò nhà tái đứng đầu, mà chỉ có thêm một đến hai nhà tái đứng ra nhận vai trò đó”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên nói.