Bảo hiểm phi nhân thọ vẫn giữ nhịp tăng trưởng
Mặc dù dịch Covid 19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, thậm chí ngay cả trong kịch bản thấp nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, song với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp và dân số trẻ với thu nhập tăng nhanh đang tạo tiềm năng lớn cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng không chỉ trong năm 2020. Thậm chí nhiều DN bảo hiểm còn nhân cơ hội này tung ra nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, cho thấy tính đến hết 20/12/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt mức 109.871 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, trong đó doanh thu phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 52.132 tỷ đồng, tăng 11,6%.
Triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm phi nhân thọ khá tươi sáng. OECD dự báo GDP của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 6,0 - 6,2% mỗi năm đến năm 2025. Cơ cấu dân số trẻ tỷ lệ sử dụng bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (1,3% so với mức 3% - 4% trong khu vực thị trường đang phát triển), phí bảo hiểm nhân thọ/người ở mức thấp (21 USD/người so với 70 USD/người tại thị trường đang phát triển).
Phân tích của CTCK Rồng Việt chỉ ra triển vọng đầu tư tầng lớp trung lưu gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm cá nhân. Theo đó tổ chức này dự báo hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 so với 11% vào năm 2015. Kéo theo đó nhu cầu tiết kiệm, đầu tư và sở hữu xe hơi sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm cá nhân bao gồm cả bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.
Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt mảng bảo hiểm cá nhân (con người và xe cơ giới). Cùng với đó là cuộc đua doanh số thông qua kênh ngân hàng (bancassurance). Tại Việt Nam, doanh thu qua kênh bancassurance trong tổng doanh thu phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 8 tháng đầu năm 2019.
“Về kỳ vọng năm 2020, chúng tôi cho rằng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng ở mức 11%, thấp hơn mức 11,6% trong năm 2019” phân tích của CTCK BSC. Tuy nhiên, BSC cho rằng lợi nhuận ngành bảo hiểm sẽ giảm tốc so với tốc độ tăng trưởng năm 2019 do tình trạng cạnh tranh cao cũng như tỷ lệ kết hợp ở mức cao khiến lợi nhuận cốt lõi đóng góp không nhiều.
Hiện thị phần của 5 DN đầu ngành chiếm hơn 60%, và đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, BVH và PVI đang là 2 DN dẫn đầu thị phần với lần lượt 22% và 15,2%, theo sau là PTI với 10,1%. BSC kỳ vọng trong năm 2020, các DN bảo hiểm phi nhân thọ lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng về phí gốc từ 12%-13%. Tuy nhiên, tỷ lệ kết hợp của toàn ngành đang ở mức cao (khoảng 98%) làm giảm mức tăng trưởng và tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động cốt lõi.
“Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2020, các DN sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý DN, tuy nhiên mức tăng từ chi phí đền bù có xu hướng gia tăng khiến tỷ lệ kết hợp sẽ tiếp tục giữ ở mức 97% - 98%”, theo BSC.
Một tác động khác đối với ngành đó chính là lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể bị ảnh hưởng trong năm 2020 từ việc hạ lãi suất của các ngân hàng.
Nhìn lại việc các TCTD giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn theo quyết định NHNN hồi tháng 11, BSC ước tính cơ cấu đầu tư 82% của các DN bảo hiểm là ngắn hạn sẽ khiến lãi suất gộp của ngành giảm xuống mức 5,5% - 5,6% trong quý 4/2019. BSC dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ từ 0,25% - 0,3% trong năm 2020, theo sau mức giảm 0,5% tiền gửi huy động cho các khoản dưới 6 tháng. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng một phần đến thu nhập tài chính của các DN bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, triển vọng thoái vốn cùng định giá ở mức rẻ là điểm tích cực cho các DN bảo hiểm trong năm 2020. Như PVI nằm trong lộ trình thoái vốn của PVN năm 2019 nhưng cho đến nay việc thoái vốn vẫn chưa được thực hiện, do đó BSC dự kiến PVN tiếp tục nỗ lực thoái vốn tại PVI trong năm 2020.
Ngoài PVI, BSC cũng cho rằng BMI sau khi được chuyển giao về siêu ủy ban từ SCIC cũng sẽ nằm trong danh sách thoái vốn của nhà nước trong năm 2020. Với việc ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa phát triển, việc thoái vốn tại các DN bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ thu hút được sự chú ý lớn của các nhà đầu tư.
Cùng với quy định chi tiết cho Luật Kinh doanh bảo hiểm 2019, Nghị định 80/2019/NĐ-CP và Nghị định 98/2013/NĐ-CP đặt ra khung pháp lý hoàn chỉnh cho các hoạt động phụ trợ bảo hiểm, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường bảo hiểm theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký đây sẽ là một chất xúc tác cho làn sóng hợp tác đang gia tăng giữa các công ty bảo hiểm trong nước và các đối tác nước ngoài trong việc nâng cao chuyên môn bảo hiểm và trình độ quản lý.y