Người bán hàng đa cấp phải làm gì khi doanh nghiệp dừng hoạt động?
Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại, khi đáp ứng các điều kiện hàng hóa còn nguyên bao bì...
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40).
Các chuyên gia Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật; trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, các doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
Điều này được nêu rõ tại quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 40: “Người tham gia bán hàng đa cấp là người giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp”.
Do đó, người tham gia bán hàng đa cấp cần nhanh chóng liên hệ với doanh nghiệp theo địa chỉ ghi tại hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để chấm dứt hợp đồng và yêu cầu giải quyết quyền lợi của mình.
Theo quy định của Nghị định 40, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại, khi đáp ứng các điều kiện hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn; kèm theo hóa đơn mua số hàng hóa được yêu cầu trả lại; yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu trả lại hàng hóa hợp lệ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại các hàng hóa đáp ứng điều kiện nói trên và hoàn trả theo mức thỏa thuận với người tham gia bán hàng đa cấp nhưng không thấp hơn 90% số tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận số hàng hóa đó.
Ngoài ra, người tham gia còn được yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong quá trình tham gia hoạt động bán hàng đa cấp mà doanh nghiệp chưa chi trả; yêu cầu doanh nghiệp giao hàng hóa nếu đã thanh toán tiền hàng nhưng chưa nhận hàng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Đối với tranh chấp liên quan đến quyền lợi hợp pháp phát sinh trực tiếp từ hoạt động bán hàng đa cấp (hoa hồng phát sinh theo đúng kế hoạch trả thưởng, trả lại hàng hóa trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng…), người tham gia bán hàng đa cấp có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án về việc xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp liên quan đến nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp có thể gửi bản án tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được giải quyết sử dụng tiền ký quỹ theo đúng quy định tại Điều 53 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, các tranh chấp khác Cục này đề nghị người tham gia bán hàng đa cấp giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.
Riêng trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp cho rằng các doanh nghiệp trên hoặc cá nhân liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia bán hàng đa cấp phải trình báo tới cơ quan công an có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định.
Theo thống kê, đến nay chỉ có 23 doanh nghiệp được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác nhận đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 40.