Đa cấp tiền ảo: Siết chặt quản lý và giám sát
Sau hàng loạt vụ tố cáo lừa đảo liên quan đến tiền ảo như iFan, Vncoins, Sky Mining…, chưa có động thái xử lý triệt để nào từ các ngành chức năng với những đối tượng chủ mưu liên quan, ngoài việc đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo. Hàng loạt công ty, website hoạt động liên quan đến tiền ảo vẫn hoạt động tràn lan với những hình thức chiêu dụ người tham gia hấp dẫn, tinh vi.
Tiền ảo vẫn nhộn nhịp
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã lên tiếng cảnh báo về một số diễn đàn, website giới thiệu cách làm giàu và kiếm tiền trực tuyến bằng FutureNet. Theo nội dung quảng cáo, người tham gia mạng lưới sẽ được nhận tiền thưởng và hoa hồng từ việc tuyển dụng, xây dựng hệ thống tuyến dưới (hình thức đa cấp). Bên cạnh đó, thành viên FutureNet còn có thể đầu tư FuturoCoin - đồng tiền kỹ thuật số giống và có khả năng phát triển như Bitcoin. Điều đáng nói, hoạt động quảng cáo và phát triển mạng lưới của FutureNet có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Không chỉ có Futurenet, hàng loạt trang website khác vẫn hoạt động khá nhộn nhịp như Asama Mining, Eco Mining, World Mining... với nội dung quảng cáo hấp dẫn, đánh vào tâm lý khách hàng. Đơn cử như Eco Mining thông báo cung cấp gói ký gửi trị giá từ 500 - 125.000 USD, bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư tham gia từ 300 - 500%. Bên cạnh đó, nếu đăng ký gói 25.000USD, khách hàng còn được thưởng ngay 300USD, gói 75.000USD thưởng 750USD, gói 125.000USD được thưởng 1.000USD... Khi tuyển thêm người mới, công ty sẽ chi hoa hồng trực tiếp 1% và hoa hồng gián tiếp 3% của toàn hệ thống nếu có 100 máy đào tiền ảo trở lên...
Người dân cần tìm hiểu thông tin
Câu hỏi đặt ra là, tại sao các hoạt động đa cấp tiền ảo vẫn nhộn nhịp hoạt động, thu hút đông người tham gia, kể cả khi nhiều người bị lừa đảo, rơi vào cảnh trắng tay? Đơn cử, người đứng đầu Sky Mining đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ cuối tháng 7/2018 với số tiền tham gia máy đào tiền ảo của các nhà đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Hay Asama Mining cũng là mỏ đào tiền ảo từ cuối tháng 7/2018 đã bị các nhà đầu tư tố cáo mất khả năng thanh khoản...
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo vẫn có "đất sống" vì chúng đánh vào lòng tham của nhiều người. Điểm chung là mức lợi nhuận khủng, có nơi lên tới 48%/tháng, cam kết trả nợ gốc; tổ chức hội thảo, hội nghị tại những nơi sang trọng gây choáng ngợp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo Luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh - nhà đầu tư khi tham gia góp vốn đã không thấy sự vô lý vì sao có tiền lời nhanh để trả lại 100%, thậm chí 300 - 500%/năm? Pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng không cho phép sử dụng bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ. Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu thông tin trước khi tham gia, tránh tiền mất tật mang.
Chuyên gia kinh tế, TS. NguyễnTrí Hiếu: Cơ quan quản lý chức năng ngoài việc tích cực truyền thông cho người dân hiểu về kinh doanh đa cấp và tiền ảo, cần quyết liệt vào cuộc để nhanh chóng loại bỏ những hiện tượng biến tướng thông qua tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trên từng địa bàn.