Ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng

Những năm gần đây, hoạt động bán hàng đa cấp ở nước ta diễn ra rất phức tạp, một số trường hợp lợi dụng, lấy mô hình bán hang đa cấp, biến tướng, làm bình phong kinh doanh đa cấp trá hình, lừa đảo đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội , gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cần yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện ký quỹ tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

Ký quỹ và lợi ích của ký quỹ

Theo khoản 1, Điều 330 tại Bộ luật Dân sự năm 2015, việc ký quỹ được quy định như sau: Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ; Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp. Tiền gửi ký quỹ là một loại tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn của một tổ chức tại ngân hàng, nhằm đảm bảo việc thực hiện một nghĩa vụ tài chính của tổ chức đó đối với ngân hàng và các bên có liên quan.

Dịch vụ tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ cho các DN kinh doanh bán hàng đa cấp chứng minh được năng lực tài chính của mình khi hoạt động tránh được trường hợp các công ty, DN dựa vào hình thức kinh doanh đa cấp này để lừa đảo khách hàng cũng như những nhân viên tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp của công ty đó. Do vậy, khi DN kinh doanh đa cấp ký quỹ thì DN và tổ chức của họ sẽ nhận được những lợi ích và quyền lợi to lớn hơn so với việc không ký quỹ như: Tạo được uy tín đối với khách hàng; khả năng sinh lời từ số dư trong tài khoản; đảm bảo an toàn cho sự phát triển của tổ chức, DN.

Hồ sơ ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Khi DN bán hàng đa cấp có nhu cầu ký quỹ tại ngân hàng thương mại (NHTM) hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, DN và ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ và lập uỷ nhiệm chi trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản ký quỹ nếu khách hàng có tài khoản tại ngân hàng nhận ký quỹ.

Hợp đồng ký quỹ bao gồm các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của DN; Tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng (hoặc chi nhánh ngân hàng) nhận ký quỹ; Số tiền ký quỹ; Mục đích ký quỹ; Lãi suất tiền gửi ký quỹ; Hình thức trả lãi tiền ký quỹ; Sử dụng tiền ký quỹ; Rút tiền ký quỹ; Tất toán tài khoản ký quỹ; Trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng nhận kỹ quỹ, cần làm hồ sơ mở tài khoản gồm: Giấy đăng ký thông tin tài khoản; hồ sơ minh chứng tư cách pháp lý của tổ chức; hồ sơ minh chứng tư cách đại diện hợp pháp của chủ tài khoản và lập uỷ nhiệm chi trích từ tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Theo khoản 2 Điều 50 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định: DN bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một NHTM hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, DN cần hoàn thiện hồ sơ và thủ tục mở tài khoản ký quỹ theo. Sau khi nhận đủ số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ hạch toán tiền ký quỹ vào tài khoản tiền ký quỹ bằng VND, cấp giấy xác nhận ký quỹ cho DN. Lãi suất tiền ký quỹ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng ký quỹ giữa DN và ngân hàng nhận ký quỹ đảm bảo phù hợp với quy định về lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ.

Lãi suất ký quỹ

Từ ngày 18/01/2019, việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp được thực hiện theo Thông tư số 29/2018/TT-NHNN ngày 20/11/2018 của NHNN hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp. Theo đó, Thông tư số 29/2018/TT-NHNN quy định:

- Khi có nhu cầu ký quỹ tại NHTM hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, DN và ngân hàng nhận ký quỹ giao kết hợp đồng ký quỹ với các nội dung chính như: Tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật của DN và ngân hàng; Số tiền ký quỹ; Lãi suất tiền gửi ký quỹ...

- Khi DN thay đổi vốn điều lệ và có nhu cầu điều chỉnh số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ và DN thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng ký quỹ hoặc ký kết hợp đồng ký quỹ mới.

Rút tiền ký quỹ

Trong quá trình hoạt động nếu DN bán hàng đa cấp bị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động… thì DN này hoàn toàn có thể rút lại khoản tiền đã ký quỹ trước đó. Theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp. Khi DN bán hàng đa cấp muốn rút khoản tiền đã ký quỹ chỉ được rút trong các trường hợp sau:

- Bộ Công Thương từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho DN.

- DN chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp do Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn hoặc DN tự chấp dứt hoạt động bán hàng đa cấp hay Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi và đã hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định Số 40/2018/NĐ-CP.

- DN đã thực hiện ký quỹ theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP tại một ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng khác. Khi thực hiện rút tiền ký quỹ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, DN phải cung cấp cho ngân hàng 01 bản chính thông báo trả lại hồ sơ của Bộ Công Thương theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Khi thực hiện rút tiền ký quỹ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này, DN phải cung cấp cho ngân hàng 01 bản chính văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 52 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Ngân hàng nơi DN ký quỹ có trách nhiệm xác nhận với Bộ Công Thương bằng văn bản trước khi cho phép DN rút tiền ký quỹ.

Hồ sơ rút tiền ký quỹ

Để rút khoản tiền đã ký quỹ trước đây thì DN bán hàng đa cấp cần hoàn thiện các hồ sơ cần thiết theo quy định của Nhà nước. Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kể từ ngày quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực và đã hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, DN bán hàng đa cấp có thể nộp hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ tới Bộ Công Thương.

Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ bao gồm: Đơn đề nghị rút tiền ký quỹ theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp đến thời điểm chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp (tên, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, điện thoại, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, ngày ký hợp đồng, số thẻ thành viên).

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu DN sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành thông báo. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo công khai trên Trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của DN.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương đăng tải thông tin nêu trên, người tham gia bán hàng đa cấp và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Bộ Công Thương về việc DN bán hàng đa cấp chưa hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Trường hợp không có thông báo nào của người tham gia bán hàng đa cấp hoặc các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp gửi tới Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh) trong thời hạn nêu trên, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận cho DN bán hàng đa cấp rút tiền ký quỹ.

Trường hợp nhận được thông báo của người tham gia bán hàng đa cấp trong thời hạn nêu trên, Cục Quản lý cạnh tranh tập hợp các thông báo của người tham gia bán hàng đa cấp và đề nghị DN bán hàng đa cấp hoàn thành nghĩa vụ đối với những người tham gia đó. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với người tham gia, DN bán hàng đa cấp gửi thông báo và kèm theo xác nhận của người tham gia gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh. Sau khi kiểm tra DN bán hàng đa cấp hoàn thành hết nghĩa vụ của mình thì Cục Quản lý cạnh tranh ban hành văn bản chấp thuận giải tỏa ký quỹ cho DN bán hàng đa cấp.

Thủ tục rút tiền ký quỹ

Theo điểm c, khoản 1 Điều 51 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, thủ tục rút tiền ký quỹ được quy định trong trường hợp: DN gửi văn bản đề nghị thay đổi ký quỹ kèm theo bản chính văn bản xác nhận ký quỹ tại ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng khác tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi ký quỹ theo quy định tại điểm a khoản 1, Bộ Công Thương gửi văn bản đề nghị ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi DN thực hiện ký quỹ mới xác nhận về tính xác thực của văn bản xác nhận ký quỹ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được xác nhận bằng văn bản của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi DN thực hiện ký quỹ mới, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận cho DN bán hàng đa cấp rút khoản tiền ký quỹ cũ.

Xử lý khoản tiền đã ký quỹ

Theo khoản 1 Điều 53 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định tiền ký quỹ được sử dụng trong các trường hợp sau:

- DN bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các tranh chấp giữa DN bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp liên quan đến các nghĩa vụ đó;

- DN chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp số tiền trên tài khoản ký quỹ của DN không đủ để sử dụng chi trả theo yêu cầu tại văn bản của Bộ Công Thương, ngân hàng nhận ký quỹ phải có văn bản thông báo cho cơ quan chức năng biết và xử lý theo văn bản phản hồi của Bộ Công Thương.

Khi DN bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương yêu cầu trích tiền ký quỹ cho người tham gia bán hàng đa cấp hoặc theo quyết định xử phạt.

Kết luận

Việc ban hành các quy định liên quan đến hoạt động ký quỹ đối với DN bán hàng đa cấp của Nhà nước là yêu cầu cấp thiết cho hoạt động này. Đối với những DN kinh doanh đa cấp đã có hoạt động ký quỹ tại ngân hàng thì những DN này sẽ tạo được niềm tin nhiều hơn và hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động tốt, thu hút nhiều đối tượng hơn. Do vậy, đối với DN cần chứng minh năng lực tài chính thông qua ký quỹ.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự;
2. Chính phủ (2018), Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp;
3. Ngân hàng Nhà nước (2018), Thông tư số 29/2018/TT-NHNN;
4. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2018-08-19/quy-dinh-quan-ly-tien-ky-quy-cua-doanh-nghiep-ban-hang-da-cap-61090.aspx;
5. https://thebank.vn/blog/14582-tien-gui-ky-quy-cach-chung-minh-nang-luc-tai-chinh-cho-doanh-nghiep.html.