Người dân châu Âu vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy một nghịch lý khá thú vị là trong khi người dân khẳng định thích thanh toán bằng thẻ hơn nhưng thực tế họ lại dùng tiền mặt nhiều hơn trong hầu hết các lần giao dịch mua hàng.
Tiền tệ kỹ thuật số đang là một xu hướng rất “hot” thời gian gần đây, khi nhà nhà, người người nhắc đến nó. Tuy nhiên, tiền giấy và tiền xu hóa ra vẫn là phương tiện thanh toán chủ yếu ở hầu khắp châu Âu.
Thách thức phi tiền mặt
Theo kết quả nghiên cứu của ECB, tiền mặt được sử dụng trong khoảng 79% số khoản thanh toán hàng ngày trong khu vực eurozone năm 2016, trong khi con số này với thanh toán bằng thẻ và các hình thức khác chỉ lần lượt là 19% và 2%.
Xét về giá trị thì thanh toán bằng tiền mặt chiếm 54% tổng giao dịch, còn thanh toán bằng thẻ chiếm 39%. Bên cạnh đó, gần 1/4 người tiêu dùng giữ tiền mặt nhất định ở nhà để phòng ngừa rủi ro biến động có thể xảy ra; 20% cho biết đang nắm giữ những tờ tiền mệnh giá cao, loại 200 hoặc 500 euro.
Kết quả này rõ ràng là gây bất ngờ với quan niệm phổ biến hiện nay, cho rằng tiền mặt chẳng mấy mà bị thay thế bởi các phương tiện thanh toán phi tiền mặt khác.
Nghiên cứu của ECB cũng cho thấy, nhiều người không thực sự hiểu rõ thói quen thanh toán của chính mình. Khi được hỏi về hình thức thanh toán ưa thích, phần lớn người trả lời lại chọn thẻ chứ không phải tiền mặt.
Nguyên nhân lý giải cho sự “tréo ngoe” này có thể là do gần 2/3 số giao dịch chỉ có giá trị dưới 15 euro (ví dụ như mua cà phê, xổ số…) và thường được người mua trả bằng tiền mặt. Những món hàng thường nhật, “lắt nhắt” như vậy thường không lưu lại trong tâm trí nhiều như mua một đôi giày mới đắt tiền được thanh toán bằng thẻ.
Dù chiếm tỷ trọng lớn, song thống kê chi tiết cho thấy thực trạng thanh toán bằng tiền mặt không có nhiều tương đồng giữa 19 quốc gia thành viên eurozone.
Ở khu vực Nam Âu, Đức, Áo và Slovenia, tiền mặt là “vô đối” khi chiếm tới 80% giao dịch thanh toán tại điểm bán lẻ (POS). Con số này tại Hà Lan, Estonia và Phần Lan lại chỉ là 45 - 54%.
Tính theo giá trị thanh toán, tiền mặt chiếm tỷ trọng cao nhất ở Hy Lạp, Đảo Síp và Malta (trên 70%), trong khi thấp nhất là ở các nước Benelux (viết gộp của Bỉ, Hà Lan, Luxembourg), Estonia, Pháp và Phần Lan (không quá 33%).
Khi xem xét đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng khu vực đồng euro, nghiên cứu của ECB rút ra kết luận nam giới có xu hướng sử dụng tiền mặt nhiều hơn phụ nữ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng từ 40 tuổi trở lên sử dụng nhiều tiền mặt hơn các nhóm trẻ hơn, trong khi việc sử dụng tiền mặt có vẻ tương đối đồng nhất giữa các cấp độ giáo dục khác nhau.
Nhận diện quan hệ trong thanh toán
Đã có ý kiến cho rằng khả năng tiếp cận của người dân đối với các loại thẻ thanh toán sẽ quyết định mức độ phổ biến của hình thức phi tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế dường như đang chứng mình nhận định đó không hoàn toàn đúng. Bởi chẳng phải khả năng tiếp cận thẻ thanh toán ở các nước eurozone đều đang ở mức cao đó sao, vậy mà vẫn tồn tại nhiều khác biệt về hành vi thanh toán.
Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa khả năng chấp nhận thẻ (tức là sự sẵn có của thiết bị đọc thẻ) và mức độ sử dụng tiền mặt là có tồn tại. Chính vì thế, tại các thị trường mà khả năng chấp nhận thẻ còn hạn chế, muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào tiền mặt thì không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng và quy mô cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ.
Ngay bản thân phương thức thanh toán thẻ hiện nay cũng đang có những chuyển dịch nội tại. Loại thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless card - thẻ thông minh cho phép trao đổi hoặc nhận dữ liệu bằng công nghệ tần số sóng) chỉ chiếm trung bình 1% số giao dịch trong khu vực đồng euro vào năm 2016.
Song, con số này đạt gần 10% tại Hà Lan, một nước khá tích cực ứng dụng công nghệ cao. Quy mô nhỏ của các khoản thanh toán theo hình thức này (81% các giao dịch là dưới 25 euro) mang lại tiềm năng rất lớn cho giới công nghệ trong tương lai.