Người dân phải tham gia vào đổi mới và được thụ hưởng thành quả đổi mới


Chiến lược phát triển của Việt Nam tầm nhìn tới năm 2045 sẽ xác định hướng đi của Việt Nam là một nước công nghiệp phát triển, hay trở thành một quốc gia phát triển với các tiêu chí cụ thể.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm.

Sáng 26/2, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức tọa đàm Khởi động báo cáo đánh giá đa chiều, góp phần tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và có bài phát biểu gợi mở nhiều vấn đề quan trọng.

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Bộ KH&ĐT, Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều (MDCR) của OECD, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam và nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc OECD tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam để sớm khởi động quá trình xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam. Đây là báo cáo quan trọng được xây dựng với phương pháp đánh giá khách quan, độc lập, đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực về các chính sách phát triển của Việt Nam, từ đó đưa ra các tư vấn, khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam để xây dựng Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phó Thủ tướng dẫn lại một số nhận định về Việt Nam của các tổ chức quốc tế và đề nghị OECD, các cơ quan quốc tế và các bộ, ngành cần làm rõ bằng các số liệu cụ thể. Trong đó, dữ liệu đáng chú ý là theo báo cáo của Tập đoàn McKinsey (tháng 9/2018), Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế đang nổi có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua.

Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới trong nhiều năm liền. Quy mô kinh tế Việt Nam (240,5 tỷ USD) hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương. Việt Nam từng bước trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động.

Ngoài phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn có quan điểm nhất quán rằng sự nghiệp đổi mới của Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được thành công nếu không có sự đồng tình hưởng ứng và tham gia của đông đảo người dân và bản thân sự nghiệp đổi mới cũng không có ý nghĩa nếu như những thành quả của đổi mới không đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội khác, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các thành quả của phát triển. Trong suốt thời gian dài, thu ngân sách chỉ tăng 10-12% thì tổng chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội vẫn luôn đạt 23-25%.

Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được thành công nếu không có sự đồng tình hưởng ứng và tham gia của đông đảo người dân và bản thân sự nghiệp đổi mới cũng không có ý nghĩa nếu như những thành quả của đổi mới không đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Theo Báo cáo của UNDP năm 2018, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng liên tục trong 27 năm qua với điểm số tiệm cận nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao.

Trên tinh thần phát triển bao trùm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu thảo luận về sự phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hai cách tiếp cận: Hướng đến một nước có nền công nghiệp phát triển hoặc mục tiêu hướng đến là một nước phát triển.

Phó Thủ tướng mong muốn OECD nghiên cứu Việt Nam nên tiếp cận theo hướng nào và Việt Nam nằm ở trình độ nào trong nhóm nước công nghiệp hay nước phát triển, các tiêu chí và quan điểm phát triển trong thời gian tới cần cụ thể như thế nào?

"Việt Nam có ý chí và khát vọng vươn lên, nhưng phải làm sao khơi thông và giải phóng nguồn năng lượng to lớn này để Việt Nam phát triển bứt phá. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các chiến lược, chính sách sẽ triển khai trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, có sự đóng góp của OECD và các tổ chức quốc tế" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.