Người dân vẫn tăng gửi tiền vào ngân hàng


Lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 tiếp tục tăng thêm 39.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2, lên 6,676 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay và cũng là tháng thứ hai liên tiếp, chỉ tiêu này tăng.

Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 214.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi cá nhân tăng 144.000 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 214.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi cá nhân tăng 144.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lượng tiền gửi của cá nhân, tổ chức trong tháng 3. Theo đó, lượng tiền gửi vào ngân hàng đã tăng lên mức dương so với mức âm hồi tháng 2.

Cụ thể, trong tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 104.000 tỷ đồng, lên 6,627 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% so với cuối năm 2023. Trước đó, trong tháng 2 và tháng 1, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế lần lượt âm 4,66% và âm 2,41%.

Trong khi đó, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 tiếp tục tăng thêm 39.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2, lên 6,676 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay và cũng là tháng thứ hai liên tiếp, chỉ tiêu này tăng.

Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 214.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi cá nhân tăng 144.000 tỷ đồng.

Thời điểm những tháng đầu năm 2024, lãi suất huy động luôn duy trì ở mức thấp. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên từ 4,7-5%; với các kỳ hạn thấp hơn như 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3% đến 4,8%; 6 tháng dao động 2-4,7%/năm.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn ở lại ngân hàng bất chấp các kênh đầu tư khác như vàng, USD và chứng khoán biến động tăng. Theo đó, tổng tiền gửi vào hệ thống tín dụng tính đến hết tháng 3 đạt 16,012 triệu tỷ đồng, tăng thêm 14.000 tỷ đồng (tăng 0,09%) so với cuối năm 2023. Vào tháng 2, tổng phương tiện thanh toán vẫn ở trạng thái âm, giảm 0,53% so với cuối năm 2023, ở mức 15,914 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, lãi suất huy động có xu hướng tăng. Cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm của 34 ngân hàng trên toàn hệ thống đến ngày 20/6, có 17 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động so với cuối tháng 5, chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn dưới 1 năm. Có 16 ngân hàng không thay đổi lãi suất huy động so với cuối tháng trước.

Tính đến ngày 20/6/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 1,6-3,8%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 2,9-5%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3,7-5,5%/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, ở nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng cùng được niêm yết ở mức 4,7%/năm, không thay đổi so với cuối tháng 5.

Theo Thanh Hoa/Vnbusiness