Người khôn ngoan nắm bắt cơ hội, người thành công tạo ra cơ hội

Theo Liễu Quân Thuật/ttvn.vn

Loài chó sói muốn bắt được con mồi, không thể đứng một chỗ chờ đợi, mà phải chủ động đi săn. Nếu ví người trẻ như những con sói, còn cơ hội là con mồi, thì bạn sẽ kiên nhẫn chờ đợi hay chủ động tự tạo cơ hội cho bản thân đây?

Trong môi trường công việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, những thanh niên có thể chủ động tạo ra cơ hội thường là những người nổi trội.
Trong môi trường công việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, những thanh niên có thể chủ động tạo ra cơ hội thường là những người nổi trội.

Bacon từng nói: "Cơ hội mà một người thông minh tạo ra nhiều hơn so với cơ hội anh ta phát hiện ra."

Trong môi trường công việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, những thanh niên có thể chủ động tạo ra cơ hội thường là những người nổi trội. Bởi vì bạn không có quá nhiều thời gian để lãng phí cho việc chờ đợi, nếu không có cơ hội thì nên học cách tự mình tạo ra nó.

Người khôn ngoan nắm bắt cơ hội, người thành công tạo ra cơ hội

Katherine là một cô gái thông minh, có năng lực. Bắt đầu từ thời trung học, Katherine đã ước mơ được trở thành người dẫn chương trình ở đài truyền hình. Cô thấy mình rất có năng khiếu ở phương diện này, bởi vì trong quá trình tiếp xúc với người khác, ngay cả khi đối phương là người lạ chưa từng gặp mặt, họ cũng đều muốn trò chuyện thân mật với cô. Cô biết làm sao để đối phương nói ra những lời "từ trong tâm can", các bạn của cô đều gọi cô là "tri kỷ cùng dốc bầu tâm sự".

Katherine thường nói với bố mẹ và bạn bè: "Nếu có một ngày tôi có được cơ hội thể hiện bản thân trên truyền hình, chắc chắn tôi sẽ khiến mọi người kinh ngạc!"

Nhưng, Katherine ngoài việc chờ đợi "cơ hội" thì không chịu bỏ ra nỗ lực nào cả. Vậy nên cô mãi vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ của mình.

Người ngu ngốc bỏ lỡ cơ hội, người thông minh nắm bắt cơ hội, còn người thành công tạo ra cơ hội.

Nếu các bạn trẻ giống như Katherine, chỉ chờ đợi cơ hội từ trên trời rơi xuống, mà không hề nghĩ đến việc bản thân cũng phải nỗ lực dọn đường cho chính mình, thì chắc chắn sẽ chẳng có được gì.

Nhà viết kịch nổi tiếng người Anh Milne từng nói: "Người bình thường luôn chờ đợi cơ hội từ trên trời rơi xuống, mà không chịu nỗ lực làm việc để tạo ra cơ hội. Khi một người mơ ước làm sao kiếm được năm mươi nghìn bảng, thì một trăm người chỉ biết mơ ước năm mươi nghìn bảng rơi ngay trước mặt họ."

Người như vậy trong thực tế có rất nhiều, trong số họ có mấy ai thực sự đợi được cơ hội đến?

Người khôn ngoan nắm bắt cơ hội, người thành công tạo ra cơ hội - Ảnh 1

Cơ hội chỉ ở lại với những người đã chuẩn bị đầy đủ và giỏi tạo ra cơ hội

Cơ hội không thuộc về những người chỉ luôn chờ đợi mà không hành động.

Trong môi trường làm việc cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt cũng như vậy, nếu bạn chỉ biết chờ đợi, mà không biết cách tạo ra, thì cơ hội mãi mãi sẽ không đến với bạn.

Có những người trẻ sẽ nói: "Tôi đã chuẩn bị tốt rồi, chỉ cần cơ hội xuất hiện, tôi sẽ nắm thật chắc nó!"

Đúng là cơ hội sẽ ở lại với người có sự chuẩn bị, nhưng "chuẩn bị" ở đây cũng không phải chỉ là nói cho có. Bạn cần thể hiện bằng hành động của mình, hãy nắm bắt, thậm chí là tự tạo ra cơ hội.

Người Do Thái rất tin vào chân lý ấy, họ cho rằng chỉ cần là những việc có thể làm được, thì nên lập tức hành động ngay, chứ không thể chỉ biết khẩn cầu sự giúp đỡ của Thượng đế.

Có thể năng lực của bạn còn hạn chế, nhưng với những việc bạn có thể làm, thì cần nỗ lực làm tốt, đồng thời nên để ý quan sát, tìm những cơ hội không dễ phát hiện, thậm chí tự tạo ra những cơ hội quý giá cho mình. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể chiến thắng được hàng ngàn, hàng vạn đối thủ cạnh tranh, giống như con sói chạy băng băng trên thảo nguyên, bạn sẽ có được sự tự do tự tại trong công việc!

Người khôn ngoan nắm bắt cơ hội, người thành công tạo ra cơ hội - Ảnh 2

Những năm 50 của thế kỷ XX, ngành xây dựng Mỹ phát triển mạnh mẽ, thông báo tuyển dụng thợ xây dựng có thể nhìn thấy trên khắp mọi nẻo đường. Lúc ấy giá trị của những người thợ xây dựng tăng lên từng ngày, đãi ngộ nhận được càng ngày càng cao.

Có một thanh niên xuất thân là thợ nề nghe tin lập tức bỏ hết công việc đang làm để lên thành phố, hi vọng có thể trở nên nổi bật giữa hàng ngàn, hàng vạn thợ xây dựng, tìm được công việc lương cao.

Nhưng, sau khi tới thành phố, anh ta thấy khắp nơi đều đăng tin tuyển dụng, hơn nữa yêu cầu đối với thợ xây dựng cũng vô cùng khắt khe.

Anh ta nghĩ, mình nên quan sát thật kỹ, xem đãi ngộ của công ty nào tốt nhất thì sẽ tới nơi ấy ứng tuyển. Do dự nửa ngày, trong đầu anh đột nhiên nảy ra một suy nghĩ mới lạ: "Tại sao mình phải đi ứng tuyển thợ xây dựng, mà không làm việc gì đó khác?"

Người thanh niên làm theo suy nghĩ của mình, lập tức về quê gom một ít tiền, thuê một căn nhà nhỏ ở trong thành phố. Ngày hôm sau, anh dán một tờ quảng cáo trước cửa, trên đó viết: "Trung tâm đào tạo thợ xây dựng của người thợ lành nghề."

Rất nhiều thợ xây dựng lên thành phố tìm việc đều không ngờ rằng, các đơn vị tuyển người yêu cầu rất nhiều thứ. Nhiều người thợ sau khi xin việc thất bại, nhìn thấy tờ quảng cáo của trung tâm đào tạo này đều tới đăng ký học, hơn nữa họ sẵn sàng giao tiền luôn tại chỗ, yêu cầu được nhập học ngay.

Người thanh niên ấy đã tạo ra cho mình một cơ hội khác, đồng thời tận dụng kỹ năng chuyên môn để kiếm được một khoản tiền lớn nhiều hơn gấp bội so với số tiền mà phải đổ mồ hôi mới kiếm được của một người thợ!

Khi cạnh tranh với hàng ngàn, hàng vạn đối thủ cho cùng một vị trí, người thanh niên trẻ tuổi đã chọn cách bình tĩnh suy nghĩ, tận dụng ưu thế của bản thân để mở ra cơ hội khác cho mình. Đó chính là năng lực và tố chất của một người thành công.

Trong môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, nếu bạn không biết tạo ra cơ hội cho bản thân, người lãnh đạo sẽ không thể khai thác tiềm năng của bạn.

Người khôn ngoan nắm bắt cơ hội, người thành công tạo ra cơ hội - Ảnh 3

Làm thế nào mới có thể tạo ra cơ hội cho mình trong công việc?

1. Dũng cảm nhận nhiệm vụ mới

Nếu ông chủ có một nhiệm vụ mới mà bạn lại có năng lực hoàn thành tốt nó, thế thì nhất định không được "buông tay". Có lúc không cần lãnh đạo phải đích thân giao việc cho bạn, mà bạn nên chủ động tình nguyện đảm đương nó. Như vậy bạn sẽ có thêm một cơ hội tuyệt vời để thể hiện năng lực của bản thân, đồng thời để lại cho sếp ấn tượng về sự chủ động tích cực của bạn.

2. Không nhất thiết cái gì cũng phải thuận theo người khác

Cổ nhân thường nói: "Tướng tại ngoại, quân mệnh hữu sở bất thọ".

Trước mặt một ông chủ tầm thường, việc phục tùng có thể có lợi cho bạn; nhưng trước mặt một ông chủ tài giỏi, có năng lực, bạn không nhất thiết cái gì cũng thuận theo. Bởi vì những ông chủ có tầm nhìn xa trông rộng rất thích những nhân viên có chủ kiến, có suy nghĩ.

Nếu bạn có một chút "nổi loạn", mà kiểu "nổi loạn" này lại hợp tình hợp lý, thì có thể nhận được sự công nhận và khen ngợi của ông chủ, đồng thời tạo ra thêm nhiều cơ hội cho bản thân.

3. Không nên quá khiêm tốn

Người ta thường nói khiêm tốn là phẩm chất tốt đẹp của con người, và có lúc nó thực sự có thể giúp bạn nhận được không ít lợi ích. Nhưng trong quá trình tạo ra cơ hội, bạn không cần phải quá khiêm tốn. Bạn nên để sếp và các đối thủ cạnh tranh nhìn thấy được ưu thế của mình, chỉ có như thế bạn mới không bị bỏ qua.

Kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy rằng, muốn có được thành công, bạn nhất định không thể đứng yên mà chờ đợi cơ hội, bởi vì nó là thứ bạn có thể tự mình tạo ra.

Phương hướng của bạn ở đâu, cơ hội của bạn ở đó, thà rằng chủ động tạo ra cơ hội cho bản thân còn hơn cứ lặng lẽ chờ đợi một cách vô ích.

Đừng chờ đợi, vì bạn chỉ có một đời. Bằng nỗ lực và sự khôn ngoan của bản thân, hãy biến đời mình thành một giá trị, sống một đời đáng sống.

*Bài viết là quan điểm của Liễu Quân Thuật – Tác giả cuốn sách "Thoát khỏi vòng bận rộn – Tuyệt chiêu quản lí thời gian của giới tinh anh công sở".