Người Nhật chia sẻ bí quyết chống hàng giả - hàng nhái với doanh nghiệp Việt

Theo Như Quỳnh/ttvn.vn

Theo các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng Nhật Bản, biện pháp hữu hiệu nhất để chống hàng giả - hàng nhái, không phải là truy lùng – bắt giữ mà chính là tuyên tuyền, giúp người dùng lẫn các cơ quan chức năng Việt Nam dễ dàng phân biệt được hàng thật và không thật.

Theo các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng Nhật Bản, biện pháp hữu hiệu nhất để chống hàng giả - hàng nhái, không phải là truy lùng – bắt giữ mà chính là tuyên tuyền.
Theo các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng Nhật Bản, biện pháp hữu hiệu nhất để chống hàng giả - hàng nhái, không phải là truy lùng – bắt giữ mà chính là tuyên tuyền.

Nhằm gắn kết các doanh nghiệp Nhật Bản và các cơ quan chức năng tại Việt Nam, gần đây, JETRO đã phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ và phân biệt hàng giả. Ngoài ra, thông qua Hội nghị, các cơ quan chức năng Nhật Bản cũng muốn cung cấp cho các đồng sự Việt Nam những kiến thức cập nhật nhất về tình hình hàng giả - hàng nhái các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật trên thị trường.

Trong các công ty Nhật Bản tham gia Hội nghị cũng như có gian hàng trưng bày hàng giả - hàng nhái bên lề hội nghị, chúng ta thấy có rất nhiều tên tuổi lớn lẫn nhỏ, như Canon, Toyota Motor, Panasonic, Máy tính Casio, Olympus, Yonex, Fast Retailing với thương hiệu Uniqlo, Mizu… Tức là, hàng giả - hàng nhái sản phẩm Nhật Bản trên thị trường đang không chừa bất cứ công ty nào, cả ông lớn lẫn ông nhỏ đều bị làm nhái.

Trong tất cả, mặt hàng tiêu dùng và hàng có giá trị không cao, ví dụ như hàng may mặc là bị làm giả nhiều nhất.

Dù chưa chính thức khai trương cửa hàng ở Việt Nam, nhưng sản phẩm Uniqlo ‘nhái’ đã được bán đầy ở thị trường Việt Nam, nhất là ở mặt hàng áo khoác chống nắng. Theo đại diện của Uniqlo, nếu mua online, khoảng 50% người dùng sẽ mua trúng áo chống nắng Uniqlo giả. Hiện có không ít áo khoác Uniqlo về Việt Nam theo hàng xách tay, nhưng hàng giả - hàng nhái cũng rất nhiều. Nếu đúng là hàng xách tay, giá phải tầm từ 450 đến 600 ngàn đồng.

"Thật ra, áo khoác chống nắng ‘nhái’ Uniqlo chất lượng không hề tệ, nếu ai đó chưa từng dùng hoặc mua được hàng chính hãng, thì khi nhìn chiếc áo khoác giả thì rất khó để biết nó giả. Có một vài chi tiết cơ bản để phân biệt áo thật và giả: đầu tiên, khi nào trên các nhãn mác của mình Uniqlo cũng in kèm 2 hình vuông liên tục, phần in ở phía cổ áo sắc nét và có kéo căng ra hình ảnh cũng không bị biến dạng, cuối cùng là bên trong áo thật thường có thêm nhãn mác để chỉ nguồn gốc xuất xứ, còn áo giả không có", đại diện Uniqlo cho biết.

Có lẽ, người mới Uniqlo đã học tập kinh nghiệm chống hàng giả, tập trung vào tuyên truyền từ người cũ Panasonic. Theo đại diện Panasonic: hiện vẫn có hàng giả Panasonic ở ngoài thị trường, nhưng trong khoảng 2 đến 3 năm nay, nhờ những nỗ lực liên tục của doanh nghiệp, từ chuyện tuyên truyền cho đến đẩy mạnh phân phối qua kênh chính thức, khiến tình hình làm giả hàng Panasonic đã giảm thiểu đáng kể.

Cũng như thế, đại diện của hãng Yonex - chuyên dụng cụ đánh cầu lông và tennis kể rằng, hiện những sản phẩm của họ bị làm giả rất nhiều trên thị trường, từ vợt cầu lông cho đến áo quần thi đấu. Nếu người dùng không mua ở các cửa hàng chính hãng, khả năng họ mua phải hàng nhái Yonex rất cao.

"Chúng tôi có luôn phát kèm các dụng cụ soi để phân biệt hàng giả - hàng nhái cho các cửa hàng, để chắc chắn bạn có thể hỏi cửa hàng về dụng cụ đó và cách sử dụng chúng hoặc tìm hiểu trước trên internet trước khi mua. Bằng mắt thường, thì những chi tiết hoặc dấu hiệu nhận biết hàng Yonex chính hãng luôn tươi tắn và sắc nét hơn hàng giả - hàng nhái", đại diện Yonex đề nghị.

Thế nên, có thể nói, mấu chốt trong cuộc chiến chống hàng giả của các doanh nghiệp Nhật chính là làm tốt khâu tuyên truyền, để người dùng biết và cảnh giác khi đi mua hàng, cũng như dễ dàng phân biệt được hàng giả - hàng thật. Chỉ cần người dùng không tiêu thụ hàng giả - hàng nhái, tất nhiên chúng không có đất sống.

Ngoài người dùng, thì một đối tượng hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp Nhật Bản cần tuyên truyền chính là các cơ quan chức năng Việt Nam.

Ông Tadashi cũng khuyên các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư làm việc ở Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và quyền bảo hộ thương hiệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát thị trường, khi phát hiện hàng giả - hàng nhái cần báo cho các cơ quan chức năng, sau đó phối hợp với các cơ quan này bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Thêm 1 yếu tố nữa, các hoạt động này cũng liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu và Hải quan, nên các doanh nghiệp Nhật Bản họ cần phải liên hệ và đăng ký bên phía Hải quan với những mặt hàng có nguy cơ bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, trong quá trình sản xuất lẫn phân phối sản phẩm.

"Trong hoạt động bắt giữ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thì chuyện nhận biết hàng giả - hàng nhái so với hàng thật cực kỳ quan trọng. Do vậy, những hội thảo về nhận biết hàng giả - hàng thật lần này rất quan trọng, để những cơ quan Hải quan – Bảo vệ thị trường Việt nhận biết được đầu là điểm quan trọng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhằm bảo vệ cho các quyền lợi của họ.

Đối với phía Chính phủ Nhật Bản, từ năm 2012, chúng tôi đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam, để cùng các cơ quan có liên quan tổ chức các hội thảo về nhận biết hàng giả - hàng thật như thế này, nhằm giúp các cơ quan chức năng hiểu sâu hơn vấn đề.

Thật ra, chúng tôi không chỉ tổ chức những chương trình như thế này ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mà còn tổ chức cả ở biên giới, ví dụ như Lạng Sơn – Lào Cai. Do hoạt động hàng giả thường xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, nên việc tổ chức hội thảo là để giúp cho các cơ quan chức năng và người thực thi công vụ ở các cửa khẩu có kiến thức đúng và kịp thời hơn về hàng giả - hàng thật", ông Kitanaka Tadashi – Phó Trưởng phòng Phòng Sở hữu trí tuệ, Bộ Kinh tế - Thương mại – Công nghiệp Nhật Bản, chia sẻ.

Người Nhật Bản hiểu rằng, họ cần giảm thiểu hàng giả trên thị trường, quảng bá – giới thiệu cho mọi người nhận biết và nhận thức được đâu là hàng thật, nhằm góp phần tiêu diệt hàng giả - hàng nhái.

Hiện, công cuộc chống hàng giả của người Nhật tại Việt Nam gặp hai vấn đề lớn. 

Thứ nhất, sự trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp Nhật với các cơ quan chức năng, giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật khi có sự kiện hoặc sự cố xảy ra để nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý; vẫn chưa tốt.

Thứ hai, hàng nhái – hàng giả luôn biến hình theo thời gian chứ không cố định, vì vậy, với các năng lực của các cơ quan Hải quan và Quản lý thị trường, thực sự chưa đủ để kiểm soát chúng. Họ cần các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp những thông tin về hàng nhái – hàng một cách thường xuyên và cập nhát nhất. Nhưng, rõ ràng, sự phối kết hợp này vẫn chưa tốt.