"Người Việt vẫn nghĩ chứng khoán là rủi ro, mạo hiểm"
Theo ông Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, ở các nền kinh tế phát triển, người đầu tư chứng khoán thường có tâm lý tìm kiếm một nguồn lợi nhuận ổn định và phát triển qua từng năm.
"Có một điều mà tôi để ý ở Việt Nam. Đó là mỗi khi nói đến việc tham gia thị trường chứng khoán, người ta thường cho rằng 'chơi, đánh chứng khoán' rất mạo hiểm và rủi ro", ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, nói với Zing.
Họ có quan điểm ngược lại. Đó là không tham vọng quá lớn về lợi nhuận nhưng muốn một khoản đầu tư an toàn để lo cho tuổi già và con cái", vị chủ tịch quỹ đầu tư chia sẻ.
Ông Dominic Scriven là một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ Dragon Capital của ông đã đồng hành với thị trường Việt Nam 26 năm qua, 6 năm trước khi thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động hồi cuối tháng 7/2000.
Chức năng then chốt
Nhớ lại 26 năm đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam từ con số 0, ông Scriven mô tả đây là "một hành trình thú vị". "Tất cả chúng ta đều không giỏi trong việc dự đoán tương lai. Nhưng ngay từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi đã tin rằng thị trường này chỉ có thể đi lên", Chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh.
Ông Scriven nhận định thị trường vốn có chức năng then chốt trong một nền kinh tế đang phát triển. Theo ông, nền kinh tế toàn cầu trước đây phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại. Khi thực hiện chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường vốn nói chung đã làm khá tốt vai trò trung gian giữa người cần vốn và người thừa vốn, bù đắp một số rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Ảnh: Việt Đức. |
Thêm vào đó, theo chủ tịch Dragon Capital, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng triển khai những chính sách ưu tiên sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường vốn nói riêng. "Thủ tướng đã có chủ trương về nhu cầu tài trợ và phát triển trung và dài hạn của Nhà nước, ngân sách và các doanh nghiệp là phải tiếp cận tới thị trường vốn chứ không phải là một thị trường nào khác", ông nhận định.
Vị chủ tịch quỹ đầu tư nước ngoài thừa nhận không một thị trường vốn nào trên thế giới hoàn hảo và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo ông, bài toán của thị trường chứng khoán trong nước là cần đẩy mạnh tính minh bạch, đa dạng hóa các công cụ tài chính, thành viên tham gia và hoạt động trên thị trường.
Tại lễ kỷ niệm 20 thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả, bền vững hơn nữa.
Tâm lý "lướt sóng", "đánh bạc"
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang vướng phải bài toán giới hạn tỷ lệ sở hữu khi muốn đổ tiền vào thị trường Việt Nam. "Tất nhiên là có giải pháp cho vấn đề này. Giải pháp hữu hiệu nhất giúp nhà đầu tư nước ngoài là triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và thành lập cơ quan thanh toán trung ương", ông Scriven bình luận.
Thực tế cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa phải là nơi giữ tài sản. Các nhà đầu tư cá nhân chủ yếu lướt sóng và không có mục tiêu nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn.
Theo ông Scriven, khi mới thành lập, thị trường chứng khoán Việt Nam cần các nhà đầu tư mạo hiểm như vậy. "Họ là những người chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận lỗ", ông bình luận. Tuy nhiên, sau 20 năm ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gia tăng về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có thêm ngày càng nhiều thành viên chuyên nghiệp.
"Khi đó, các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ là một trong số kiểu nhà đầu tư mà thôi", chủ tịch quỹ đầu tư nhận xét.
Nói về tâm lý của người đầu tư chứng khoán, ông Scriven cho rằng khi một quốc gia giàu lên, lãi suất giảm, nhu cầu đầu tư sẽ gia tăng. "Người đầu tư chứng khoán không được đảm bảo về lãi suất như khi gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, thứ họ nhận được là sự tham gia vào tương lai của một công ty, một ngành nghề, một nền kinh tế", ông giải thích.
Theo ông Dominic Scriven, khi một đất nước còn nghèo, người dân không nghĩ xa. Họ chỉ nghĩ đến bữa ăn, chỗ ở hôm nay, lo tiền học cho con cái và nhu cầu y tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó, người dân có của ăn của để, hệ thống pháp lý rõ ràng hơn, các nhà đầu tư tổ chức trở nên chuyên nghiệp, rất nhiều người sẽ nghĩ đến việc đầu tư vào chứng khoán.
"Đừng sợ hãi, hãy thận trọng"
"Nhưng khoản đầu tư nào cũng có rủi ro", ông Scriven nói thêm. Chẳng hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang phát triển nóng vào nửa đầu năm 2020, trong khi Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp. Vì vậy, rủi ro bị đẩy về phía nhà đầu tư, buộc người mua phải tự thẩm định, đánh giá mức độ an toàn của nhà phát hành.
"Theo tôi được biết, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cũng đang chú ý vấn đề này. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ở nhiều quốc gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thậm chí lớn hơn thị trường cổ phiếu", ông Scriven bình luận.
"Kỹ năng then chốt trong đầu tư chứng khoán là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đừng bao giờ để tất cả trứng trong một giỏ", ông Scriven chia sẻ.
"Từ đầu đến giờ, Dragon Capital vẫn luôn theo đuổi chính sách đa dạng hóa. Như vậy, trước những thách thức bất ngờ như dịch bệnh, chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng chung nhưng không bị ảnh hưởng quá lớn", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Scriven, báo chí nước ngoài gần đây dành nhiều lời khen cho Việt Nam về cách đối phó với đại dịch và sức mạnh nội tại của nền kinh tế. "Sự kiện này đã thay đổi cái nhìn đối với Việt Nam của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một thị trường đáng để đổ vốn", ông nhận định.
"Còn đối với người dân Việt Nam, tuy mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng theo tôi, nếu muốn tìm một nơi để đổ tiền, hãy nghiên cứu chứng khoán. Đó cũng là cách đầu tư vào lợi nhuận của nền kinh tế trong tương lai", vị chủ tịch nói thêm.
"Đừng sợ hãi. Nhưng nên quản trị rủi ro", ông nhấn mạnh.