Nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế hàng hải TP. Hải phòng
Chất lượng nguồn nhân lực và việc ứng dụng khoa học có ý nghĩa quyết định, tạo động lực then chốt cho phát triển kinh tế hàng hải tại TP. Hải Phòng, để Thành phố này phát huy được vai trò là một cực trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Bài viết đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế hàng hải ở TP. Hải Phòng và đề xuất một số giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu
Thời gian gần đây, nhân lực của TP. Hải Phòng đã có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chuyển nhanh sang các ngành nghề: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo, đóng tàu, công nghệ vật liệu mới, công nghệ biển, kinh tế biển, logistics...
Số người qua đào tạo có chiều hướng tăng nhanh, chất lượng và trình độ đào tạo được nâng dần đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tỷ lệ lao động có bằng đại học và trên đại học gia tăng nhanh nhất, trong đó tỷ lệ có bằng đại học tăng 6,8% trong giai đoạn 10 năm.
Hệ thống giáo dục tại Hải Phòng phát triển hơn các địa phương lân cận. Chỉ số giáo dục của Thành phố đứng thứ 3 toàn quốc với 4 trường đại học, 16 trường cao đẳng, 26 trường trung cấp chuyên nghiệp. Đặc biệt, phải kể đến Đại học Hàng hải Việt Nam là trường đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ISO 9001 - 2000, trường duy nhất tại Việt Nam có bằng cấp được công nhận tại tất cả các nước trên thế giới.
Với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hiện chiếm trên 80% lực lượng cán bộ kỹ thuật của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh tế hàng hải của đất nước.
Tuy nhiên, những hạn chế về nhân lực cho phát triển kinh tế hàng hải ở TP. Hải Phòng cũng thể hiện rất rõ. Nguồn nhân lực hàng hải hiện nay ở Hải Phòng có các đặc điểm chung: Chất lượng chưa cao, kỹ năng nghề nghiệp còn thấp, còn thiếu kinh nghiệm thực tế, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, chưa sẵn sàng cho hội nhập quốc tế, dễ tổn thương trước những biến động của kinh tế quốc tế.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa cao, lao động phổ thông và lao động có chứng chỉ nghề sơ cấp còn phổ biến (chiếm 81,6%). Về cơ bản, năng suất lao động trong lĩnh vực hàng hải thấp và lực lượng lao động chất lượng cao tăng chậm.
Đánh giá tổng quát cho thấy bất cập mới nhất trong phát triển nguồn nhân lực của Thành phố là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao: Cán bộ lãnh đạo, quản lý tuy đông nhưng chưa mạnh; sự am hiểu về luật pháp, hành chính, kinh tế, trình độ ngoại ngữ, tin học... còn hạn chế; cơ cấu, trình độ, độ tuổi còn mất cân đối.
Nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) còn mỏng và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu một số vấn đề phức tạp, đòi hỏi hàm lượng KHCN cao; mất cân đối về ngành nghề đào tạo, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa với yêu cầu phát triển và đặc thù về hàng hải của Thành phố.
Chất lượng nghiên cứu, hiệu quả thực tế của cán bộ nghiên cứu còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học; lĩnh vực hoạt động còn hẹp. Việc chuẩn bị nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp hàng hải chưa đầy đủ; năng lực làm chủ, vận hành, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu...
Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế hàng hải
Thời gian qua, ngành Hàng hải đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong định hướng phát triển của ngành, tạo điều kiện ưu tiên cho một số lĩnh vực có khả năng, tiềm lực đạt trình độ ngang tầm quốc tế. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KHCN đạt nhiều thành tựu đáng kể. Giai đoạn 2011 - 2015, Cục Hàng hải Việt Nam đã tập trung triển khai nghiên cứu 15 đề tài cấp Bộ.
Nhiều đề tài nghiên cứu được hội đồng nghiệm thu đánh giá rất xuất sắc, mang lại hiệu quả ứng dụng cao, có giá trị thực tiễn, phục vụ kịp thời công tác quản lý và thực tế sản xuất cho các đơn vị trực thuộc ngành Hàng hải như: Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển báo hiệu hàng hải từ xa thông qua mạng điện thoại di động GSM phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải; Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm đèn báo hiệu hàng hải có chớp đồng bộ sử dụng vệ tinh GPS…
Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý điều hành, Cục Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 01 Quy chuẩn Việt Nam, 14 tiêu chuẩn Việt Nam, 8 tiêu chuẩn cơ sở. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn này góp phần thực hiện phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý của ngành.
Về đường lối, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nêu rõ: “Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; là trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và KHCN của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc”.
HĐND, UBND TP. Hải Phòng cũng đã ra nghị quyết, quyết định về phát triển KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng đến năm 2020. Tháng 12/2016, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng được thành lập góp phần quan trọng kích thích hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn Thành phố.
Hợp tác quốc tế về biển trong giai đoạn hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ và xuất hiện nhiều yếu tố mới cho kinh tế hàng hải phát triển. Các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố quốc tế như Incheon (Hàn Quốc), Brest (Pháp) về biển cũng góp phần ứng dụng tiến bộ KHCN trong phát triển kinh tế hàng hải của Thành phố.
Hải Phòng có nguồn lực đáng kể phục vụ phát triển KHCN như: Toàn Thành phố có 4.900 cán bộ KHCN, trong đó có 248 tiến sỹ làm việc tại 63 tổ chức hoạt động KHCN. Có 8 đơn vị của Trung ương về lĩnh vực này có trụ sở tại Hải Phòng. Từ môi trường KHCN này, nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế hàng hải tại Hải Phòng.
Kết quả các nhiệm vụ KHCN do nhân lực trong các tổ chức KHCN thực hiện đã cung cấp luận cứ xây dựng quy hoạch không gian biển, luận cứ quy hoạch hệ thống cảng biển; Cung cấp dữ liệu làm cơ sở đàm phán, hoạch định lãnh hải, vùng đảo Bạch Long Vỹ liên quan đến chủ quyền trên vịnh Bắc Bộ; Đóng góp cơ sở khoa học quan trọng cho cải tạo và khẳng định cho sự phát triển không thể thay thế của cảng biển Hải Phòng.
Tại các trường đại học, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết những vấn đề phục vụ cho phát triển kinh tế hàng hải, đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến. Nhiều đề tài nghiên cứu giải quyết những vấn đề rất mới, mang tính thời sự, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế biến của Thành phố.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chất lượng nghiên cứu, hiệu quả thực tế của các đề tài nghiên cứu còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học; lĩnh vực hoạt động còn hẹp.
Việc chuẩn bị nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp chưa đầy đủ; năng lực làm chủ, vận hành, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu... Do vậy, KHCN chưa thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế hàng hải ở TP. Hải Phòng, chưa có các công trình, sản phẩm mang tính đột phá.
Nguyên nhân của những hạn chế này được đánh giá là do: Nguồn lực tài chính, chi đầu tư cho phát triển KHCN còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu KHCN còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng điều kiện để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng nhân lực KHCN cũng như tạo môi trường làm việc sáng tạo cho nhân lực KHCN; Nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực hàng hải của Thành phố chưa được quan tâm đầu tư, tập trung, ưu tiên để phát triển.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về phát triển KHCN còn những bất cập so với yêu cầu; Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu khoa học với đào tạo; Hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phát triển KHCN hàng hải chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Thành phố...
Giải pháp phát triển kinh tế hàng hải
Tăng cường bảo đảm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để có thể tăng cường bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế hàng hải ở TP. Hải Phòng, trong giai đoạn tới, cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:
Một là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực, nhất là công tác thống kê, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho kinh tế hàng hải. Để có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực đúng đắn, điều quan trọng nhất là phải dự báo đúng nhu cầu của Thành phố, của vùng trong thực hiện chiến lược biển nói chung và kinh tế hàng hải nói riêng.
Hai là, tổ chức đào tạo theo ngành nghề phù hợp, đáp ứng về quy mô và loại hình nhân lực. Do sự phát triển rất nhanh của các lĩnh vực liên quan đến kinh tế hàng hải và tính bao phủ lớn, liên quan đến hầu khắp các lĩnh vực, vì vậy, khi đào tạo nguồn nhân lực cần xác định ngành nghề hoặc nhóm ngành nghề cho đúng để tạo điều kiện thuận lợi cho người học cũng như đơn vị tuyển dụng. Tập trung mở những lĩnh vực mới thuộc ngành Hàng hải mới có nhu cầu lớn về nhân lực; tăng quy mô tuyển sinh ở những ngành này.
Ba là, xác định rõ tiêu chuẩn đào tạo. Các trường đào tạo nhân lực cho kinh tế hàng hải trên cả nước cần nhanh chóng chọn lựa và triển khai đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế; Thống nhất về nội dung chương trình, quy trình đào tạo và cách thức đánh giá chất lượng đào tạo.
Bốn là, đa dạng hóa phương thức đào tạo. Do đặc thù của thị trường lao động trong kinh tế biển liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau nên ngoài kiến thức về biển, hàng hải, logistics... đòi hỏi các kiến thức chuyên môn và những kỹ năng khác nhau nên việc đào tạo lại là rất cần thiết.
Theo mô hình đào tạo truyền thống, nguồn cung ứng nhân lực chủ yếu đến từ các trường đào tạo nghề hoặc các trường đại học và bao gồm các bậc học phổ biến như trung cấp nghề, cao đẳng, cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ. Loại hình đào tạo tại chức, tại chỗ để hỗ trợ cập nhật kiến thức cho nguồn lao động hiện có cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Năm là, đa dạng hoá việc huy động nguồn kinh phí đào tạo. Nguồn kinh phí đào tạo chủ yếu vẫn là từ nhà nước, vì vậy, chính quyền các cấp phải quyết tâm phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế hàng hải thông qua việc ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách cho hoạt động này. Cùng với đó, cần làm tốt việc huy động vốn trong dân thông qua các hình thức xã hội hoá giáo dục, đào tạo.
Xây dựng và thực hiện tốt chương trình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ
Để biến tiềm năng thành hiện thực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, tạo tiền đề cho việc đổi mới và hiện đại hóa công nghệ của ngành Hàng hải, phải xác định phát triển KHCN là khâu then chốt thúc đẩy phát triển đạt trình độ KHCN khu vực và thế giới, theo đó cần tập trung ưu tiên 4 lĩnh vực trọng tâm:
Thứ nhất, về kết cấu hạ tầng hàng hải, đặc biệt là hệ thống cảng biển: Nghiên cứu, làm chủ công nghệ khảo sát thiết kế các công trình giao thông đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cao, an toàn, bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn các vùng ven biển Hải Phòng; làm chủ các công nghệ, phần mềm khảo sát thiết kế mạnh để khảo sát, thiết kế xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc cảng biển; hoàn thiện công nghệ thiết kế, phân tích kết cấu công trình giao thông phức tạp chịu tải trọng gió, động đất, thiết kế hệ thống quan trắc, hệ thống giao thông thông minh...
Hoàn thiện công nghệ chống sụt trượt và kiên cố hóa công trình giao thông; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; làm chủ công nghệ xây dựng công trình giao thông như cảng nước sâu, các công trình sử dụng vật liệu và công nghệ mới...; tập trung đầu tư công nghệ xây dựng cảng biển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng sau cảng.
Nghiên cứu ứng dụng KHCN đồng bộ từ khâu tổ chức, đào tạo, làm chủ các công nghệ, thiết bị thí nghiệm, phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công trình, kiểm định công trình; nghiên cứu ứng dụng KHCN tiên tiến vào quản lý, khai thác và bảo trì khai thác cảng biển, đặc biệt là nhanh chóng hoàn thành dự án cảng nước sâu Lạch Huyện - cảng biển nước sâu lớn nhất ở miền Bắc.
Thứ hai, về vận tải biển: Ứng dụng KHCN tiên tiến phục vụ vận hành và khai thác cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế theo mô hình cảng xanh, giảm thiểu ô nhiễm đối với khu vực và thân thiện với môi trường; ứng dụng KHCN trong việc quản lý và cấp phép tàu thuyền ra, vào cảng; Hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động hàng hải (nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng hải lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), tiêu ra đa (RACON) trên hệ thống các đèn biển, lắp đặt phản xạ ra đa chủ động (RTE)...); Hiện đại hóa hệ thống các đài thông tin duyên hải, ứng dụng công nghệ thông tin vệ tinh, thiết lập hệ thống nhận dạng và truy tàu theo tầm xa (LRIT) và Đài Thông tin vệ tinh COSPAS - SARSAT thế hệ mới MEOSAR...
Thứ ba, về công nghiệp đóng tàu: Thời gian gần đây nền công nghiệp đóng tàu thế giới sau khi dịch chuyển từ châu Âu sang châu Á, lại đang có xu thế dịch chuyển mạnh sang các nước Đông Nam Á cùng với thị trường đóng tàu và vận tải biển có tín hiệu phục hồi...
Đó là những thuận lợi rất lớn, cơ bản để ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam nói chung, công nghiệp đóng tàu Hải Phòng nói riêng có thể phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tham gia thực sự vào tiến trình hội nhập, quốc tế hóa và trở thành lực lượng cạnh tranh có uy tín trên thế giới, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hàng hải thực hiện chiến lược biển của Việt Nam.
Do đó, ngành đóng tàu cần phải có lộ trình phát triển nhanh và bền vững, trong đó KHCN phải được quan tâm nhiều hơn nữa để trở thành lực lượng sản xuất hàng đầu của ngành cơ khí chế tạo của đất nước.
Đặc biệt, cần quan tâm đến công nghệ phụ trợ cho hoạt động sửa chữa và đóng tàu. Các sản phẩm bao gồm sản xuất thép, các động cơ chính, cần trục, nắp hầm hàng, thiết bị Roro, nồi hơi, vật liệu hàn, vật liệu nội thất, hệ thống điều hòa và thiết bị điện, từ đó, sản xuất các nguyên vật liệu phục vụ cho việc sản xuất tàu giảm sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
TP. Hải Phòng cần xác định công nghiệp đóng tàu là một trong những mũi nhọn, từ đó tập trung ứng dụng và làm chủ công nghệ và thiết bị tiên tiến trong nghiên cứu thử nghiệm, thiết kế, chế tạo các sản phẩm có chất lượng cao như tàu dầu, tàu cao tốc, tàu côngtennơ, dàn khoan và các công trình trên biển...; tập trung chế tạo thiết bị báo hiệu hàng hải, chế tạo đèn biển, thiết bị báo hiệu vô tuyến điện RACON, AIS.
Thứ tư, nâng cấp và phát triển mô hình Trung tâm logistics: Hải Phòng là địa phương đã hình thành Trung tâm logistics Green tại khu công nghiệp Đình Vũ từ năm 2012. Đây là lợi thế riêng để Hải Phòng có sự bứt phá trong phát triển kinh tế biển và là yếu tố cốt lõi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế cho cả vùng.
Trung tâm logistics cần phải được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dịch vụ; cần được kết nối với các phương thức vận tải khác nhau như đường ôtô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không.
Mục tiêu là giảm thời gian luân chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.
Mô hình Trung tâm đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của khách hàng sử dụng dịch vụ: Tối ưu hóa mức dự trữ; đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng; tối thiểu thời gian lưu chuyển của hàng hóa; giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó, hoạt động của Trung tâm logistics cũng cần đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội: Quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả hơn; sử dụng tối ưu hệ thống giao thông vận tải quốc gia và quốc tế; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, cấp quốc gia và cấp khu vực thông qua đáp ứng hiệu quả dịch vụ logistics phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ.
Tài liệu tham khảo:
1. HĐND TP. Hải Phòng (2009), Nghị quyết số 01/2009/NQ - HĐND về phát triển kinh tế biển TP. Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Hải Phòng;
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng (2006), Quy hoạch phát triển cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 (Lưu hành nội bộ), Hải Phòng;
3. Ngô Lực Tải (2015), Kinh tế biển Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập, NXB TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh;
4. Nguyễn Văn Thành (2011), Phát triển kinh tế biển trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế nhìn từ thực tiễn TP. Hải Phòng, Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Hà Nội;
5. Bùi Tất Thắng (2007), “Quan điểm và giải pháp chủ yếu của chiến lược biển Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, (5), tr. 18 - 22.