Định hướng kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2017-2023 và những tác động đến Việt Nam

GS.,TS. Đỗ Tiến Sâm

Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) nêu rõ mục tiêu quyết thắng trước mắt là xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020, đồng thời đề ra mục tiêu dài hạn đến giữa thế kỷ XXI, trở thành quốc gia hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Việt Nam là nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, vì vậy, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam.

5 năm tới là thời kỳ then chốt đối với sự phát triển của Trung Quốc. Nguồn: Internet
5 năm tới là thời kỳ then chốt đối với sự phát triển của Trung Quốc. Nguồn: Internet

Định hướng phát triển kinh tế Trung Quốc

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới với đặc trưng mới là mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa đòi hỏi có cuộc sống ngày càng tốt hơn của người dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ.

Nhằm thích ứng với những biến đổi mới của tình hình thế giới và đất nước, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng thể chế kinh tế hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN) với 6 nội dung lớn: Đi sâu vào cải cách kết cấu trọng cung; Nhanh chóng xây dựng nhà nước sáng tạo; Thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; Thực thi chiến lược phát triển hài hòa vùng miền; Nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN; Thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa đối ngoại toàn diện. Cụ thể bao gồm:

- Về cải cách kết cấu trọng cung: Văn kiện Đại hội XIX đặt vấn đề: Xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa phải đặt trọng điểm vào phát triển nền kinh tế thực. Theo đó, lấy việc nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp là phương hướng chủ công, nâng cao chất lượng của nền kinh tế; Nhanh chóng xây dựng cường quốc chế tạo, phát triển các ngành chế tạo tiên tiến, bồi dưỡng các điểm tăng trưởng mới thuộc lĩnh vực kinh tế ít cacbon, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng hiện đại…; Hỗ trợ việc nâng cấp các ngành nghề truyền thống, nhanh chóng phát triển ngành dịch vụ hiện đại; Thúc đẩy các sản nghiệp Trung Quốc vươn lên công đoạn cao của chuỗi giá trị toàn cầu, bồi dưỡng một số ngành chế tạo tiên tiến đạt đẳng cấp thế giới…

- Về xây dựng nhà nước theo mô hình sáng tạo: Văn kiện Đại hội XIX xác định: Đây là trụ cột chiến lược của xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, vì vậy, Nhà nước bám sát những diễn biến của khoa học công nghệ thế giới, coi trọng nghiên cứu cơ bản, thực hiện nghiên cứu cơ bản có tính đón đầu dẫn dắt…; Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, cung cấp chỗ dựa vững chắc cho xây dựng một loạt cường quốc về khoa học công nghệ, cường quốc về chất lượng, cường quốc về hàng không vũ trụ, cường quốc về mạng, cường quốc về giao thông…

- Về thực thi Chiến lược chấn hưng nông thôn: Văn kiện Đại hội XIX khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là các vấn đề căn bản có quan hệ đến quốc kế dân sinh phải luôn luôn chú trọng giải quyết vấn đề “tam nông” là trọng tâm trong các trọng tâm công tác của toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc; Kiên trì ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng kiện toàn cơ chế, thể chế và hệ thống chính sách phát triển có sự gắn kết giữa thành thị và nông thôn, nhanh chóng thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; Củng cố và hoàn thiện chế độ kinh doanh cơ bản ở nông thôn… bảo đảm quan hệ khoán ruộng đất ổn định và lâu dài không thay đổi, sau khi kết thúc vòng khoán lần thứ hai sẽ được kéo dài 30 năm; Bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác “tam nông” theo hướng hiểu biết về nông nghiệp, yêu thích nông thôn và yêu quý nông dân…

- Về thực thi Chiến lược phát triển hài hòa vùng miền: Văn kiện Đại hội XIX nhấn mạnh: Đẩy nhanh mức độ hỗ trợ cho vùng cách mạng cũ, khu vực dân tộc, biên giới và vùng nghèo nhanh chóng phát triển. Đối với từng khu vực, Văn kiện Đại hội XIX chỉ rõ: Coi trọng các biện pháp thúc đẩy hình thành cục diện mới đại khai phát miền Tây, đi sâu cải cách nhanh chóng chấn hưng các cơ sở công nghiệp cũ ở Đông Bắc, phát huy ưu thế thúc đẩy khu vực miền Trung trỗi dậy, đổi mới dẫn dắt đi đầu thực hiện phát triển tối ưu hóa khu vực miền Đông…

- Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN: Văn kiện Đại hội XIX chỉ rõ: Cải cách thể chế kinh tế phải lấy việc hoàn thiện chế độ quyền tài sản và sắp xếp theo hướng thị trường hóa các yếu tố sản xuất làm trọng điểm…; Hoàn thiện thể chế quản lý vốn quốc hữu các loại, cải cách thể chế nhận quyền kinh doanh vốn quốc hữu, nhanh chống tối ưu hóa bố cục, điều chỉnh kết cấu, sắp xếp lại mang tính chiến lược đối với kinh tế quốc hữu, thúc đẩy vốn quốc hữu được bảo tồn và tăng giá trị, làm cho tư bản quốc hữu mạnh lên ưu thế hơn và lớn hơn, phòng ngừa có hiệu quả việc thất thoát vốn quốc hữu…; Đi sâu cải cách doanh nghiệp quốc hữu, phát triển kinh tế sở hữu hỗn hợp, bồi dưỡng một loạt doanh nghiệp tốp đầu thế giới có sức cạnh tranh toàn cầu…

- Về thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa toàn diện: Văn kiện Đại hội XIX cho rằng: Mở cửa đem đến tiến bộ, lấy xây dựng “Vành đai và con đường” làm trọng điểm, hình thành cục diện mở cửa, theo đó lục địa và hải đảo, bên trong và bên ngoài liên động với nhau, Đông - Tây hỗ trợ cho nhau…; Thúc đẩy xây dựng cường quốc mậu dịch; thực hiện chính sách tự do hóa, tiện lợi hóa mậu dịch và đầu tư ở trình độ cao, tìm tòi xây dựng các cảng mậu dịch tự do…

Những định hướng lớn được nêu trong Văn kiện Đại hội XIX Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục được cụ thể hóa trong các bản quy hoạch phát triển hay thể hiện trong báo cáo công tác Chính phủ hàng năm trình Quốc hội thảo luận và thông qua nhằm biến các chủ trương của Đảng thành ý chí của Nhà nước Trung Quốc.

Kịch bản phát triển kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới

Do sự lệch nhau giữa quy hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016-2020) với nhiệm kỳ Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017 - 2022) nên việc dự báo và nêu lên những kịch bản về sự phát triển của kinh tế Trung Quốc là khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào xu thế phát triển của nền kinh tế Trung Quốc những năm qua cùng với việc nước này sẽ triển khai những biện pháp cải cách trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kịch bản và dự báo khác nhau về kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới như sau:

Kịch bản lạc quan cho rằng, 5 năm tới tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ được phục hồi, bước vào “thời đại 7%”, trong đó, năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,0% hoặc 7,1%; còn 15 năm tới tốc độ tăng trưởng bình quân có thể đạt khoảng 5%. Về tổng lượng kinh tế, trong 5 năm tới, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ở mức 6,5%, đến năm 2021 tổng lượng kinh tế nước này có thể đạt 113.000 tỷ NDT (khoảng 17.000 tỷ USD), bằng khoảng 3/4 tổng lượng của nền kinh tế Mỹ (năm 2016 bằng khoảng 60%).

Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc có thể đạt tới 10.000 USD, đến năm 2023 có thể đạt tới mức khởi điểm của quốc gia thu nhập cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Như vậy, vào khoảng trước hoặc sau năm 2023, Trung Quốc có thể sẽ thành công trong việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Định hướng kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2017-2023  và những tác động đến Việt Nam - Ảnh 1

Về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới, do kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, nên sẽ đóng góp khoảng 40% cho kinh tế thế giới; Tỷ trọng xuất nhập khẩu trong thương mại toàn cầu dự kiến đạt khoảng 20%, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của tuyệt đại bộ phận quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, mức độ quốc tế hóa của đồng NDT cũng sẽ tăng lên. Theo đó, nhiều khả năng nhân dân tệ cùng với đồng USD và Euro trở thành “chiếc kiềng ba chân” trong hệ thống tiền tệ thế giới.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến thận trọng hơn cho rằng: Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống ngày càng tốt hơn của nhân dân với sự phát triển không cân bằng không đầy đủ. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, Trung Quốc phải hoàn thiện hơn nữa về mặt thể chế, trong đó tập trung vào 3 điểm:

(i) Thúc đẩy phát triển theo hướng chất lượng;

(ii) Tập trung đột phá vào “ba cửa ải lớn” là phương thức phát triển, kết cấu kinh tế và động lực tăng trưởng;

(iii) Nhanh chóng xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa nhấn mạnh chất lượng thứ nhất, ưu tiên hiệu quả. Mặc dù những chính sách cụ thể về kinh tế chưa được xác định, nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cảnh báo: Nền kinh tế Trung Quốc có khả năng rơi vào thời điểm Minsky (Misky moment) bùng phát khủng hoảng.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc thắng lợi cũng là lúc các chuyên gia quốc tế dự báo về triển vọng phát triển của kinh tế Trung Quốc. Quan điểm của Gideon Rachman, đại diện cho một số học giả phương Tây cho rằng, Trung Quốc ngày càng tự tin hơn, thách thức với phương Tây là ý thức hệ, kinh tế và địa chính trị.

Một chuyên gia khác, người sáng lập Tập đoàn nghiên cứu Thị trường Trung Quốc Shaun Rein lại nhận định, trong 5 năm tới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có khả năng sẽ chậm lại, nguyên nhân là do trong lĩnh vực bất động sản mọi người đều đi vay sẽ dẫn đến “bong bóng”. Như vậy, Trung Quốc cần phải xây dựng lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế của mình. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu Chính sách công Thanh Hoa – Brookings do Hội Brookings  (Mỹ) và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cũng nêu quan điểm trong một bản báo cáo rằng: 5 năm tới sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng là 5 năm đầy thách thức đối với Trung Quốc và thế giới.

Định hướng kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2017-2023  và những tác động đến Việt Nam - Ảnh 2

 Với thực tế phát triển kinh tế Trung Quốc những năm qua, tác giả cho rằng, 5 năm tới là thời kỳ then chốt đối với sự phát triển của Trung Quốc (với việc phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu 100 năm đầu tiên vào năm 2020 xây dựng toàn diện xã hội khá giả, đồng thời, đặt nền móng cho việc thực hiên mục tiêu 100 năm thứ hai đến giữa thế kỷ này trở thành quốc gia hiện đại hóa).

Vì vậy, Ban Lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân cần nỗ lực để tháo gỡ các rào cản về mặt thể chế nhằm tiếp tục giải phóng sức sản xuất xã hội, nhanh chóng chuyển đổi phương thức phát triển, tiếp tục thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, tích cực và chủ động mở cửa hội nhập quốc tế…; Tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng đối với tham nhũng, tạo niềm tin trong nhân dân, dựa vào nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm. Đây sẽ là những động lực quan trọng để Trung Quốc có thể huy động được mọi nguồn lực và tiềm năng sáng tạo trong xã hội, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vừa phải, trung bình khoảng 6,5% trong 5 năm tới.

Những tác động đến Việt Nam

Là nước láng giềng gần gũi có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, dù muốn hay không Việt Nam cũng phần nào bị tác động, do đó, có cả những cơ hội lẫn thách thức đang chờ đợi, cụ thể:

Cơ hội đối với Việt Nam

Trung Quốc phát triển ổn định, mở cửa thị trường sẽ thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thế giới. Việt Nam là quốc gia đã và đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, cũng sẽ gián tiếp nhận được cơ hội do toàn cầu hóa kinh tế đưa lại.

Về tác động trực tiếp, Trung Quốc là một thị trường lớn, gần gũi, nhu cầu đa dạng, vì vậy cũng là cơ hội tốt để hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh khi tiếp cận và tiêu thụ tại nước này, nhất là khu vực Tây Nam Trung Quốc với hơn 300 triệu người. Thực tiễn cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2017 đạt 35,463 triệu USD, tăng 61,5% so với năm 2016. Đồng thời, Việt Nam còn có thể thu hút FDI từ Trung Quốc, nhất là những DN có thực lực phù hợp với nhu cầu phát triển của mình.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là cầu nối, kết nối hai thị trường Trung Quốc – ASEAN, một khu vực mậu dịch tự do ACFTA với gần 1,9 tỷ người tiêu dùng cũng đã hình thành. Việt Nam với môi trường đầu tư thuận lợi, nằm bên cạnh một thị trường lớn như Trung Quốc sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó giúp Việt Nam có thể hoàn thành thuận lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thách thức đặt ra cho Việt Nam

Trung Quốc đã, đang và sẽ tích cực chuyển đổi phương thức phát triển, nâng cấp ngành nghề, chuyển dịch những ngành công nghệ thấp ra bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Với chủ trương “nhanh chóng phát triển biên cương, củng cố biên cương, ổn định biên cương”, Trung Quốc sẽ triển khai nhiều biện pháp khác nhau, tạo nên sự bất đối xứng ở khu vực biên giới hai nước. Với chủ trương đó, một khu vực biên giới rộng lớn tiếp giáp với Việt Nam sẽ trở thành những trung tâm tạo sức hút mạnh mẽ, thu hút các nguồn lực từ Việt Nam. Thực tế, thời gian gần đây, nhiều cơ sở công nghiệp tập trung nhiều lao động như dệt may, lắp ráp điện tử đã được di chuyển đến các khu kinh tế biên giới Đông Hưng, Hà Khẩu hoạt động. Theo đó, nhiều lao động từ các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam đã được tuyển dụng.

Theo tinh thần Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này tiếp tục làm “sâu sắc hóa mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Lào và Campuchia”. Nhiều dự án lớn như đường sắt Trung – Lào hay kết nối chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với chiến lược phát triển của Campuchia cũng sẽ được triển khai, tạo ra những trung tâm công nghiệp mới ở 2 nước này, sẽhu hút các nguồn lực từ Việt Nam.

Đặc biệt, việc Trung Quốc đang triển khai mạnh mẽ đại chiến lược “Vành đai và con đường” với những dự án kết nối cơ sở hạ tầng lớn với các nước xung quanh Việt Nam; đồng thời, đẩy nhanh chiến lược xây dựng cường quốc biển với những hành động quyết đoán trên Biển Đông, sẽ tạo ra thách thức không chỉ đối với kinh tế mà còn đe dọa an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực cũng như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Việt Nam.

Như vậy, những tác động đưa đến cơ hội và thách thức từ sự phát triển của Trung Quốc là nhiều mặt cả trực tiếp và gián tiếp. Việt Nam cần có cách nhìn toàn diện và lâu dài trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc sao cho có thể tận dụng tốt cơ hội, đồng thời phòng ngừa hóa giải những thách thức giúp quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh.

Dù còn có những nhận định đánh giá khác nhau về triển vọng phát triển của kinh tế Trung Quốc, nhưng có thể khẳng định, với quyết tâm đi sâu cải cách toàn diện, chuyển đổi phương thức phát triển sang coi trọng chất lượng tăng trưởng, tháo gỡ các rào cản về thể chế để giải phóng sức sản xuất xã hội, cùng với tầng lớp trung lưu lớn mạnh… Trung Quốc sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao vừa phải trong thời gian tới.

Một Trung Quốc phát triển ổn định, mở cửa thị trường và thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa kinh tế sẽ có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời, cũng tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc nắm bắt cơ hội, Việt Nam cũng cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu để có đối sách phù hợp với những thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

1. Tập Cận Bình,  “Quyết thắng trong xây dựng toàn diện xã hội khá giả, giành thắng lợi vĩ đại trong xây dựng cường quốc hiện đại hóa XHCN” (Báo cáo tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10/2017), NXB Nhân dân, Bắc Kinh, 2017;

2.  Lý Đạo Sảng, “Sự phát triển kinh tế Trung Quốc 5 năm tới, bạn không thể không biết chuyện này ”, http://www.sohu.com/a/192521841_499086;

3. “Quan sát kinh tế: 5 năm tới, kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu?”,  http://www.oushinet.com/wap/china/chinanews/20171028/276386.html;

4. “Trung Quốc sau Đại hội XIX - Kinh tế vẫn là mâu thuẫn chủ yếu”, http://www.ftchinese.com/story/001074827;

5. “Cơ cấu đầu tư nước ngoài nhìn nhận về Đại hội XIX: Sau khi nắm quyền lực, kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu”, http://www.bbc.com/zhongwen/simp/business-41620041;

6. “Trung Quốc 5 năm tới: Cơ hội và thách thức ”, http://www.brookings.edu/zh-cn/research.