Nguy cơ giá dầu rơi tự do

Theo daibieunhandan.vn

Những ngày qua, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới lao dốc về ngưỡng 40 USD/thùng - mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. “Cơn địa chấn” giá dầu này nằm ngoài dự báo của nhiều chuyên gia, và chắc chắn sẽ tác động lớn tới nhiều nước, đặc biệt là những nước dựa vào xuất khẩu dầu mỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chưa chạm đáy?

Nguyên nhân của tình trạng trên là do kinh tế thế giới chững lại, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Trong khi đó, các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn không chịu cắt giảm sản lượng để “cứu” giá dầu, thay vào đó một số nước còn gia tăng sản lượng để bù đắp nguồn thu trong ngắn hạn. Chẳng hạn như Ảrập Xêút - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - đang xuất hơn 7,3 triệu thùng dầu/ngày, tăng so với mức 6,9 triệu thùng/ngày hồi tháng 5. Ngoài ra, công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ phát triển với hàng loạt giàn khoan mới vào hoạt động thời gian qua cũng góp phần khiến cung vượt xa cầu. Trong 6 tháng qua, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng lên gấp đôi. Iraq vừa mới trở lại thị trường xuất khẩu dầu mỏ cách đây chưa lâu, cũng tích cực tăng xuất khẩu dầu thô, hay Nga - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới ngoài OPEC - không ngừng bơm dầu để bán nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế do các đòn trừng phạt của phương Tây.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong 12 tháng tới, nguồn cung dầu mỏ sẽ tiếp tục vượt cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu giảm và nỗi lo về đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời cũng là nước tiêu thụ dầu hàng đầu cho sản xuất - là nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới rơi tự do.

Với việc dầu thô tiếp tục chịu những tác động từ nhu cầu giảm và sản xuất gia tăng, giới phân tích cho rằng mốc 30 USD/thùng có thể trở thành hiện thực. Báo cáo mới nhất của IEA về triển vọng năng lượng ngắn hạn đã hạ dự báo về giá dầu thô WTI (West Intermediate Texas), sau khi dầu thô WTI giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2009. Theo tờ The New York Times (Mỹ), giá dầu không thể phục hồi trở lại một cách nhanh chóng do sản lượng khai thác vẫn ổn định trong xu thế tăng. Thậm chí trong tương lai, nguồn cung có thể gia tăng hơn nữa nếu lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ của Iran được dỡ bỏ sau thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với nhóm P5+1 hồi tháng trước. Có ý kiến cho rằng, giá dầu có thể sẽ giảm về mức… 10 USD/thùng nếu OPEC vẫn tiếp tục cuộc chiến giành thị phần trên thị trường dầu mỏ với các đối thủ.

Dấu hiệu báo động?

Giá dầu liên tục giảm không chỉ tạo ra cú sốc trên thị trường thế giới mà còn gây bất ổn ở các nước, nhất là các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Giá dầu lao dốc khiến ngân sách các nước xuất khẩu dầu mỏ rơi vào tình trạng báo động, kể cả các nước Trung Đông lâu nay vốn sống nhờ vào nguồn vàng đen này. Theo tạp chí Economist (Anh), dự trữ ngoại tệ của Ảrập Xêút - thành viên quyền lực nhất trong OPEC - đang giảm đáng kể do giá dầu giảm và chi tiêu quân sự không ngừng tăng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt ngân sách của Ảrập Xêút có thể vào khoảng 140 tỷ USD, chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Ảrập Xêút đang đối mặt với nhiều vấn đề tài chính như thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1998.

Tuy nhiên, Ảrập Xêút không phải là nước bị tác động mạnh nhất khi giá dầu giảm. Bộ trưởng Dầu mỏ nước này, ông Ali Al-Naimi, thậm chí tuyên bố rằng giá dầu có xuống 20 USD/thùng thì Ảrập Xêút cũng không thay đổi chính sách. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi gần như duy nhất chỉ Ảrập Xêút có thể tác động lên thị trường dầu mỏ bằng cách giảm sản lượng và ảnh hưởng lớn đến chính sách của OPEC. Ngoài ra, Ảrập Xêút vẫn chưa hoảng loạn đến mức phải cắt giảm mạnh chi tiêu công.

Có thể thấy quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Venezuela do tới 95% nguồn thu ngân sách của nước này dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Quốc gia Nam Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản lớn do giá dầu lao dốc. Nguy cơ vỡ nợ của Venezuela xuất hiện khi nước này phải đương đầu với lệnh trừng phạt của Mỹ, suy thoái kinh tế và siêu lạm phát. Trong bối cảnh đó, giá dầu thế giới sụt giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái đang đẩy Venezuela vào bước đường cùng. Tổng thống Nicolas Maduro nhận định trong trung hạn, giá dầu ổn định ở mức 100 USD/thùng sẽ là tốt nhất cho Venezuela.

Tình hình đối với Nga, nước có khoảng 50% nguồn thu ngân sách đến từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt, cũng không mấy sáng sủa. Việc giá dầu chạm ngưỡng 40 USD/thùng đã làm đồng ruble giảm giá và khiến kinh tế Nga suy giảm mạnh. Số liệu của Cơ quan thống kê Nga (Rosstat) cho thấy trong quý II.2015, GDP của nước này giảm tới 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái (mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009) do chịu tác động từ giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Không chỉ Venezuela mà nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ khác cũng đang phải đối mặt với áp lực tài chính. Nếu giá dầu giảm sâu và kéo dài thì các quốc gia Trung Đông sống dựa vào dầu mỏ cũng sẽ rơi vào hoảng loạn.